| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu để cá tra 'vượt cạn'

Thứ Bảy 24/08/2024 , 20:59 (GMT+7)

ĐBSCL Theo chuyên gia, cần nâng chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu con cá tra trên thị trường là giải pháp giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Người nuôi cá tra gặp khó khi giá đầu vào tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: Hồ Thảo.

Người nuôi cá tra gặp khó khi giá đầu vào tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: Hồ Thảo.

Cá tra là một trong những loài thủy sản chủ lực của Việt Nam, với vùng nuôi tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long.

Tổng diện tích nuôi cá tra đạt gần 6.000ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,5 triệu tấn, xuất khẩu đến hơn 150 thị trường và đem về kim ngạch 2,2 tỷ USD trong năm 2023.

Ngành cá tra hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự phân bố vùng nuôi không đồng đều, chủ yếu tại các trang trại và hộ nuôi nhỏ lẻ; hạ tầng chưa đồng bộ; chi phí đầu vào gia tăng trong khi giá bán lại thấp, dẫn đến việc nhiều người nuôi thua lỗ. Chẳng hạn, tại huyện Trà Ôn, từng là vùng nuôi cá tra lớn của tỉnh Vĩnh Long, diện tích nuôi hiện nay đã giảm mạnh, chỉ còn chưa đến 50ha.

Ông Võ Văn Đấu, người nuôi cá tra lâu năm tại xã Phú Thành, chia sẻ: Mặc dù giá cá tra nguyên liệu có tăng và đang ở mức 27-28 ngàn đồng/kg, nhưng chi phí thức ăn và con giống tăng liên tục khiến người nuôi không có động lực thả giống tiếp. Hơn hết, thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe về chất lượng, trong khi môi trường nuôi không còn đảm bảo.

"Bây giờ nuôi cá gần khu vực trồng vườn, khi họ phun thuốc và xả nước ra kênh, nước đó nếu chảy vào ao nuôi, làm cá nhiễm thuốc, công ty kiểm ra sẽ không thu mua. Chưa kể, nguồn nước ô nhiễm còn khiến cá dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh gan thận mủ, rất khó chữa nên bà con đã treo ao gần hết", ông Đấu cho hay.

Bàn về giải pháp giúp người nuôi cá giải bài toán giá đầu vào, bà Phạm Thị Thu Hồng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam - Trưởng Bộ môn Thủy sản trường Đại học Cửu Long, cho rằng người nuôi cần áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong phương pháp cho ăn để giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Cụ thể, bà con nên thực hiện quy trình cho ăn gián đoạn (7 ngày ăn, 2 ngày ngưng) và kết hợp thức ăn đạm thấp - đạm cao. Phương pháp này vừa giúp giảm chi phí mà vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng của cá.

Đồng thời, doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp hợp lý và có tính thực tiễn cao để chế biến phụ phẩm tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi sản phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường.

"Doanh nghiệp có thể chế biến nhiều sản phẩm từ cá tra như da cá tra sấy giòn tẩm phô mai trứng muối, bao tử cá tra, hoặc tái chế thành nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác như hóa dầu thực phẩm từ mỡ cá và nhiên liệu sinh học. Ngoài ra, phụ phẩm còn có thể được sử dụng để sản xuất thực phẩm chức năng như collagen, Omega 3-6-9 cho ngành sữa, cùng với bột xương và bột cá cho thức ăn chăn nuôi", bà Hồng phân tích.

Về vấn đề môi trường nuôi, bà Hồng nhấn mạnh, cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi sang mô hình nuôi thâm canh theo các tiêu chuẩn quốc tế như GAP, BAP, ASC và CoC là cần thiết để bảo vệ môi trường và tăng giá trị sản phẩm.

Xây dựng và phát triển được hệ thống tự động hóa thu gom và tách bùn đáy ao phù hợp với các địa hình của từng khu vực nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ có sự tham gia của doanh nghiệp để gia tăng hiệu quả sản xuất.

Theo chuyên gia cần tập trung cải thiện đầu ra để phát triển bền vững ngành hàng cá tra. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo chuyên gia cần tập trung cải thiện đầu ra để phát triển bền vững ngành hàng cá tra. Ảnh: Hồ Thảo.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, mặc dù Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mang đến cơ hội lớn cho ngành cá tra Việt Nam, nhưng việc mở rộng thị trường sang EU cũng đi kèm nhiều thách thức do yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất cao. Do đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam trên thị trường, là những yếu tố then chốt giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.