Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng (thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những HTX đang thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, cho biết, từ năm 2018 trở về trước, phong trào nuôi tôm ở các địa phương đã phát triển rất mạnh với nhiều mô hình, từ nuôi tôm quảng canh sang quảng canh cải tiến, nuôi bán thâm canh và thâm canh. Thời gian đầu, người nuôi tôm thường có được kết quả tốt.
Tuy nhiên, do phát triển nuôi tôm một cách tự phát, không có quy trình tốt, không quản lý được môi trường, con giống, đã dẫn đến tình hình dịch bệnh bị lây lan trên diện rộng, gây ô nhiễm môi trường, qua đó, khiến cho người nuôi tôm, bị thiệt hại, từ năng suất, doanh thu cho đến sản lượng.
Khi ấy, ban lãnh đạo HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đã nhận định đây là những khó khăn, thách thức lớn đối với người nuôi. Để vượt qua những thách thức này, HTX đã có chủ trương phải tìm được một giải pháp nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Với chủ trương và quyết tâm đó, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đã tổ chức đi tham quan các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Sau quá trình nghiên cứu và theo dõi, HTX chọn được mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hệ thống tuần hoàn khép kín trong nhà màng ở tỉnh Bạc Liêu.
Đầu năm 2019, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đã bắt tay thực hiện những mô hình nuôi tôm công nghệ cao đầu tiên với trong nhà màng. Trong đó, diện tích nuôi là 2.000m2 gồm 4 hồ, mỗi hồ 500m2. Đồng thời, HTX dành ra 7.000m2 để làm diện tích ao tuần hoàn và ao thải. Qua vụ nuôi đầu tiên, HTX đã thu được 20 tấn tôm trên 2.000m2, tương đương với năng suất 100 tấn/ha/vụ.
Không chỉ cho năng suất cao, nuôi tôm công nghệ cao theo hệ thống khép kín trong nhà màng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, giúp người nuôi chuẩn bị tốt hơn và chủ động hơn về mùa vụ. Nhờ vậy, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng đã tăng được số vụ nuôi lên 3 vụ/năm. Vì vậy, năm 2021, HTX đầu tư trại nuôi công nghệ cao thứ hai, sau đó tiếp làm trại thứ ba. Trại thứ ba có diện tích nhỏ, nên được dùng để ương tôm giống, cung cấp cho hai trại trước đó.
Ông Chuyên chia sẻ, thành công lớn nhất của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng khi ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm là quản lý và kiểm soát tốt môi trường nước, từ đó không gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn được dịch bệnh lây lan trên diện rộng, cách ly được với các khu vực nuôi xung quanh. Đây là những yếu tố quan trọng giúp HTX nuôi tôm đạt năng suất cao, hiệu quả kinh tế tốt.
HTX Nông nghiệp Quyết Thắng là một trong những đơn vị đang góp phần vào phát triển nuôi tôm công nghệ cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ trên toàn tỉnh hiện khoảng 7.000ha, trong đó, khoảng 700ha đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Bên cạnh những doanh nghiệp lớn trong ngành tôm Việt Nam như Minh Phú, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và nhiều người nuôi tôm ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.
So với những mô hình trước đó, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho thấy nhiều ưu điểm như an toàn dịch bệnh tốt hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các mô hình nuôi cũ.