| Hotline: 0983.970.780

Khắc phục cảnh báo EU về dư lượng trên thủy sản nuôi… khó nhưng phải làm tốt

Thứ Ba 10/09/2024 , 10:21 (GMT+7)

ĐBSCL Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hồ sơ về kiểm soát môi trường, tồn dư hóa chất, khắc phục cảnh báo EU… sẵn sàng các tình huống làm việc với đoàn thanh tra sắp tới.

Cảnh báo dư lượng hóa chất, kháng sinh đang tăng nhanh

Vào ngày 24/9 - 17/10/2014, Cơ quan thực thi các chính sách của EU về an toàn sức khỏe và thực phẩm (DG-SANTE) sẽ chính thức thanh tra thủy sản nuôi và mật ong của Việt Nam, theo hình thức "hybrid" (gồm đánh giá từ xa và thực địa).

Mục tiêu của hoạt động này là đánh giá hoạt động kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với 2 sản phẩm trên khi xuất khẩu vào EU. Bên cạnh đó, thẩm tra độ tin cậy, liệu Việt Nam có đảm bảo tuân thủ quy trình và đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.

Việc kiểm soát nguyên liệu đáp ứng quy định của EU là biện pháp cần thiết thúc đẩy xuất khẩu thủy sản bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Việc kiểm soát nguyên liệu đáp ứng quy định của EU là biện pháp cần thiết thúc đẩy xuất khẩu thủy sản bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Theo Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF) của DG-SANTE, các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng hóa chất, kháng sinh đang tăng nhanh. Tỷ lệ mẫu vi phạm trên tôm sú, tôm thẻ, cá rô phi, cá tra, cá lóc trong chương trình giám sát dư lượng vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm, không được phép sử dụng vẫn được phát hiện sử dụng trên thủy sản nuôi.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 26 lô hàng bị cảnh báo, bằng tổng cả năm 2023, 50% số này liên quan đến hóa chất, kháng sinh.

Sau đợt thanh tra của EU vào năm 2023, Bộ NN-PTNT đã ban hành chương trình kiểm soát riêng cho các hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản sang EU. Trong đó, có 10 vấn đề được EU chỉ ra và Việt Nam hiện đã đáp ứng được 9 vấn đề, còn 1 vấn đề về dư lượng hóa chất, kháng sinh.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) nhận định, việc khắc phục những cảnh báo EU đối với thủy sản nuôi trồng của nước ta là rất khó. Bởi hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.

“Muốn mua gì trên mạng cũng có, giao hàng tận nơi. Cơ quan chuyên môn rất khó quản lý, hơn nữa có những vấn đề chưa xử lý dứt điểm, nay lại có thêm cái mới. Tuy nhiên, dù khó vẫn phải nỗ lực khắc phục, tháo gỡ, để không đánh mất thị trường”, ông Cục trưởng Tiệp nhấn mạnh.

Cùng nhìn nhận về khó khăn này, bà Châu Thị Tuyết Hạnh, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, Bộ NN-PTNT ban hành văn bản 785/BNN-TS, ngày 26/1/2024 đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

Kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến là điều cần thiết để kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất trên thủy sản nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Kết nối chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến là điều cần thiết để kiểm soát dư lượng kháng sinh, hóa chất trên thủy sản nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên đến nay, nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm. Các tỉnh đã ban hành kế hoạch nhưng dường như “chỉ nằm trên giấy”. Bên cạnh cảnh báo “thẻ vàng” liên quan đến khai thác IUU, nếu không kiểm soát tốt dư lượng trong thủy sản nuôi, EU có thể hoàn toàn “đóng cửa” đối với thủy sản Việt Nam.

Bà Hạnh cho biết, theo cảnh báo EU, các địa phương vùng ĐBSCL có cơ sở nuôi bị phát hiện dư lượng trên thủy sản nuôi đã thực hiện báo cáo hướng xử lý. Tuy nhiên quy trình chung vẫn là thành lập đoàn thanh, kiểm tra cũng như lập biên bản, đề nghị khắc phục, lấy mẫu tăng cường...

Cũng theo bà Hạnh, việc xử lý cảnh báo của EU với các lô hàng tại Việt Nam hiện rất khó. Do thời gian xảy ra quá lâu, không đủ căn cứ để thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc cao hơn là xử lý hình sự.

Kết quả thanh tra lần này ảnh hưởng lớn đến toàn ngành thủy sản, không chỉ sản phẩm xuất sang EU mà còn ở nhiều thị trường khác. Việc giữ vững uy tín, chất lượng thủy sản tại thị trường EU là tiền đề quan trọng để các thị trường khác chấp thuận và mở cửa đối với thủy sản Việt Nam.

Trách nhiệm, tin tưởng giữa doanh nghiệp và hộ nuôi

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã tổ chức Hội nghị khắc phục khuyến cáo thanh tra EU tháng 6/2023 về an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU, phổ biến, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra EU về dư lượng trong thủy sản nuôi tháng 9 – 10/2024.

Hiện, khu vực ĐBSCL chiếm khoảng 71% về diện tích và 56% sản lượng nuôi trồng thủy sản, chiếm 60% giá trị xuất khẩu của cả nước. Cục trưởng Tiệp cho rằng, nhiều khả năng, ĐBSCL sẽ đón đoàn thanh tra thực địa lần này. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hồ sơ và giám sát chặt chẽ vùng nuôi trồng để đảm bảo chất lượng.

Ngành chuyên môn đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp, phương án để các địa phương, doanh nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản chuẩn bị tốt các hồ sơ, tài liệu, giải pháp khắc phục cảnh báo khi đón đoàn thanh tra EU.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hồ sơ để làm việc với đoàn thanh tra EU. Ảnh: Văn Vũ.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hồ sơ để làm việc với đoàn thanh tra EU. Ảnh: Văn Vũ.

Một trong những vấn đề EU chỉ ra cần khắc phục là khoảng cách trình độ kiểm soát giữa cơ quan trung ương với địa phương. Hoạt động kiểm soát các cơ sở nuôi trồng, chế biến thuộc phạm vi quản lý của địa phương đang có vấn đề.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng cần chung tay với cơ quan quản lý, trong kiểm soát tốt các hộ nuôi, nếu làm tốt trong ngắn hạn vấn đề dư lượng sẽ được cải thiện.

Để làm được điều này, ông Tiệp nhìn nhận, vai trò của địa phương, doanh nghiệp, người dân và người dân rất quan trọng.

Hiện nay, trong Luật An toàn thực phẩm đã quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát chất lượng nguyên liệu để chế biến thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Do đó, nếu doanh nghiệp không kiểm soát được phải nhận trách nhiệm, không thể đổ lỗi do người dân.

Việc kiểm soát an toàn thực phẩm trên thủy sản nuôi là cả quá trình, doanh nghiệp phải theo sát cùng hộ nuôi để hỗ trợ về kỹ thuật, phương pháp, quy trình, từ đó có thể xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, đảm bảo chất lượng.

Riêng đối với đợt thanh tra thời gian tới, ông Tiệp khuyến nghị các doanh nghiệp phải hết sức cẩn trọng, chuẩn bị tốt các tình huống có thể xảy ra khi EU kiểm tra. Đặc biệt, những doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo, phải chuẩn bị tốt hồ sơ kiểm soát môi trường, tồn dư hóa chất, kháng sinh tại doanh nghiệp, hồ sơ khắc phục cảnh báo…. Các thủ tục này phải khớp với hồ sơ lưu trữ tại cơ quan trung ương và địa phương.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, định hướng triển khai đến các đơn vị, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị tốt đón đoàn thanh tra EU. Ảnh: Kim Anh.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, định hướng triển khai đến các đơn vị, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị tốt đón đoàn thanh tra EU. Ảnh: Kim Anh.

Cục Thủy sản cũng khuyến cáo, cần phải sự chung tay của 3 đơn vị trong chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản. Đó là sự kết nối giữa vùng nguyên liệu gồm người nuôi, doanh nghiệp nuôi và doanh nghiệp chế biến.

Đặc biệt là việc tự giác của người nuôi trong ghi chép hồ sơ sản xuất. Bên cạnh đó là sự tín nhiệm, tin tưởng lẫn nhau giữa người cung cấp và bên mua hàng. Vấn đề này cần được thiết lập tại các địa phương vùng ĐBSCL.

Bà Hạnh đặt vấn đề, doanh nghiệp cần có trách nhiệm, tạo sự tin tưởng, cũng như người cung cấp nguyên liệu có sự cam kết đồng hành cùng với doanh nghiệp. Có như vậy mới giải quyết triệt để vấn đề kiểm soát dư lượng trong thủy sản nuôi.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.