Người dân các xã quanh đầm có nguồn thu nhập từ đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Trước đó do ô nhiễm, nuôi con gì chết con nấy, họ than đầm “đói”.
Diện tích nuôi khép kín
Dọc theo vùng nuôi tôm sú, thẻ chân trắng quanh đầm Ô Loan thuộc địa bàn các xã An Hiệp, An Cư, An Ninh Đông ngoài diện tích hồ hở được lấp quạt nguồn tạo oxy nuôi tôm sú thì phần diện tích ngoài trước đây bỏ hoang giờ đã được ngư dân cắm cọc găng nước nuôi cua, cá khép kín.
Người nuôi tôm trên đầm Ô Loan phấn khởi vì SX thuận lợi |
Ông Phan Văn Minh, một người dân ở xã An Cư, có hồ tôm ở đầm Ô Loan cho biết: "Tôi vừa thả nuôi 30 vạn con tôm sú vụ 2, mấy ngày nay qua theo dõi, tôm phát triển bình thường. Đây là điều đáng mừng vì nước đầm không còn ô nhiễm. Trước đây, qua tháng 2 DL tôi nuôi vụ 1, cũng thả nuôi mật độ như vậy nhưng tôm chết dần chết mòn, nửa tháng sau không còn một con nào. Chi phí mỗi lần thả như vậy trên 10 triệu đồng tiền giống, công cải tạo hồ".
Theo nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan, đợt lũ năm rồi, cửa biển An Hải được khơi thông, nước mặn tràn vào đầm nhiều nên thuận lợi cho việc nuôi tôm. Những năm trước đây, nước đầm ô nhiễm, người nuôi phải tốn nhiều tiền để cải tạo hồ.
Vụ tôm năm nay, ông Nguyễn Sơn ở xã An Cư, vét bùn đáy hồ, sửa chữa lại chòi canh trên hồ rồi thả tôm nuôi. Còn trước đây, đầu vụ ông phải tốn hơn 20 triệu đồng để cải tạo hồ vớt rong giẻ, rong nhớt, diệt tạp…
Cũng theo ông Sơn, hiện người dân ra giữa đầm thì ít thấy rong, còn mấy năm trước rong, rau câu dày đặc lấp kín đầm gây ô nhiễm. “Trước đây rong giẻ, rong nhớt xuất hiện dày. Khi rong già chết rục càng làm nguồn nước ô nhiễm nặng. Cứ thế rong chết lớp này hết lớp khác làm cho nước đầm thêm ô nhiễm, vì vậy đầm Ô Loan mang “bụng” nước, hồ nuôi tôm bỏ hoang”, ông Sơn nói.
Ông Phạm Đăng Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An cho hay, vụ tôm năm nay bước đầu thuận lợi. Những hồ hở, nông dân nuôi tôm sú còn hồ kín thì nuôi tôm thẻ chân trắng, thời gian nuôi kéo dài 2,5 - 3 tháng. Các hồ lúc nào cũng có người túc trực. Ngoài tôm trong đầm, ngư dân còn nuôi cua ghẹ, lứa nào bán lứa nấy... |
Người nuôi tôm thẻ chân trắng ở hồ kín cũng vui mừng vụ nuôi thuận lợi.
Ông Trần Văn Tuấn, một người chuyên nuôi tôm ở xã An Hải cho hay: "Tôi có hồ nuôi tôm thẻ chân trắng rộng 2.000m2. Trước đây thả gần 5 triệu tôm post, chi phí gần 50 triệu đồng. Thế nhưng vụ này, tôi chỉ đầu tư 20 triệu đồng để thả 20 vạn con giống. Việc giảm mật độ nuôi cũng là giảm lượng thức ăn đổ xuống đầm, đồng thời giảm chi phí đầu tư là đề phòng khi xảy ra rủi ro tôm chết thì lỗ ít và ngược lại".
Đề phòng nắng nóng
Vùng nuôi tôm đầm Ô Loan không còn ô nhiễm, an toàn, bà con vui mừng vì giá tôm tăng trở lại. Cách nay 1 tháng, giá tôm thẻ chân trắng, loại tôm 100 con 1 ký là 70.000 đồng. Cùng thời điểm đó năm ngoái là 120.000 đồng. Hiện giá tôm nhích lên 90.000 đồng.
Bà Trần Thị Xuân, người nuôi tôm ở xã An Hiệp cho hay: "Mới đây tôi xuất bán 6 tạ tôm được 54 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 30 triệu. Đó là tôi nuôi hồ rộng 1 sào, có người nuôi hồ cặp, mỗi hồ rộng gần 2 sào thì kiếm trên 100 triệu".
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, đầm Ô Loan có diện tích mặt nước gần 1.250ha, trong đó có trên 360ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Vừa qua xuất hiện bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp gần 2ha. Phòng NN- PTNT đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cấp 270 kg Sodium Chlorite 20% để xử lý. Trong đó, xã An Cư 120kg, An Hiệp 60kg và An Hòa 90kg.
Ảnh: M.H.N |
Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Hiện thời tiết vẫn nắng gay gắt ảnh hưởng lớn đến môi trường nước nuôi tôm. Các vùng nuôi An Hiệp, An Cư có chỉ tiêu PO4, H2S cao, do đó dịch bệnh có khả năng xảy ra. Ngành chức năng khuyến cáo ngư dân nuôi tôm mật độ thưa, không nên dùng chất diệt tạp quá nhiều dẫn đến nước đầm ô nhiễm; đồng thời cũng lưu ý bà con thu hoạch trước mùa mưa bão.