| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm thẻ thay tôm sú

Thứ Tư 31/07/2013 , 10:40 (GMT+7)

Trong vụ nuôi tôm năm 2013 này, đa số bà con nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Trong vụ nuôi tôm năm 2013 này, đa số bà con nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân là do khi nuôi tôm, dịch bệnh hoại tử gan tuỵ vẫn còn đe doạ đến sự phát triển của tôm nuôi.

Nếu dịch bệnh xuất hiện khi tôm sú ở giai đoạn từ 2 - 2,5 tháng tuổi, người nuôi coi như mất trắng, ngược lại đối với khi nuôi tôm thẻ chân trắng thì vẫn có lãi và không bị thua lỗ.

Rủi ro ít, lợi nhuận cao

Anh Nguyễn Đình Vinh ở ấp 11 xã Long Hữu, huyện Duyên Hải năm nay thả nuôi tổng số 600.000 con giống tôm thẻ chân trắng trên 4 ao có tổng diện tích 11,2 ha từ tháng 4/2013. Đây là lần đầu tiên anh chuyển sang nuôi loài tôm thẻ chân trắng. Sau khoảng 3 tháng quản lý và chăm sóc, anh Vinh đã thu hoạch toàn bộ các ao với sản lượng 11,2 tấn tôm thương phẩm, bình quân đạt kích cỡ 36 con/kg và lãi hơn 800 triệu đồng.

Mặc dù lần đầu tiên nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng anh đã đạt được kết quả ngoài sự mong đợi. Vinh tâm sự: “Nói chung 2 năm trước, mình nuôi con tôm sú hiệu quả không cao, dịch bệnh nhiều. Năm vừa rồi dịch bệnh trên tôm sú đồng loạt, mình bị thiệt hại khá nặng nên năm nay mới chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy lần đầu tiên nuôi nhưng thấy rất khả quan, vì nếu như tôm phát triển đến 2 tháng tuổi trở lên thì ít nhất mình thu hoạch cũng hoà vốn, còn như nuôi tôm sú thì chắc chắn lỗ 100%”.

Thấy nuôi tôm thẻ chân trắng có hiệu quả, anh Nguyễn Đình Vinh lại tiếp tục tập trung cho công tác cải tạo lại các ao, chuẩn bị cho đợt thả nuôi con giống mới.  Cũng như các hộ nuôi tôm sú năm 2012, anh Cao Hữu Hiền ở ấp Năm, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang đã bị thiệt hại khá nặng 6 ao nuôi tôm sú công nghiệp trên tổng diện tích 4 ha, do dịch bệnh hoại tử gan tuỵ.

Thấy nuôi tôm sú nhiều rủi ro, anh Hiền đi học hỏi quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng và tháng 8/2012, anh đã quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua thêm máy móc, trang thiết bị khác để chuyển toàn bộ 4 ha với 6 ao nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện đã qua 4 đợt nuôi và đã có nhiều tín hiệu khả quan.

Anh Cao Hữu Hiền nhận định: “2 năm trước tôi nuôi con tôm sú không được nữa, vì bệnh gan tuỵ tôm chết suốt, thành ra lỗ. Rồi từ đó mới chuyển qua nuôi tôm thẻ. Nuôi tôm thẻ nói chung cũng như nuôi tôm sú vậy thôi, cũng có khác chút đỉnh, nhưng quy trình cách xử lý môi trường, quản lý chăm sóc đều giống nhau. So giữa tôm sú và tôm thẻ thì tôm thẻ hiệu quả cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn. Do tôm thẻ nuôi mật độ cao, thời gian ngắn hơn rất nhiều".

Tín hiệu lạc quan

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Trà Vinh, đến giữa tháng 7/2013, toàn tỉnh đã thả nuôi 1,99 tỷ con giống tôm sú trên diện tích 25.524 ha và 715 triệu con giống tôm thẻ chân trắng với diện tích 1.748 ha. Tuy nhiên, do dịch bệnh hoại tử gan tuỵ và bệnh đốm trắng xuất hiện nhiều ở đầu vụ nên đã có 480 triệu con giống tôm sú bị thiệt hại, chiếm 24% con giống đã thả nuôi trên diện tích 4.921 ha (chiếm 19%).


Kiểm tra tôm thẻ chân trắng

Bên cạnh đó tôm thẻ chân trắng cũng bị thiệt hại 155 triệu con giống, chiếm 21,6% giống đã thả nuôi với diện tích 339 ha (chiếm 19,4%). Huyện Cầu Ngang là địa phương có diện tích nuôi tôm theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao so với phong trào nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh, nên mức độ thiệt hại của tôm nuôi do dịch bệnh cũng khá lớn.

Hiện toàn huyện này có hơn 5.300 lượt hộ thả nuôi gần 500 triệu con giống tôm sú với diện tích hơn 3.000 ha. Trong đó có 3.050 hộ nuôi theo hình thức công nghiệp, thả nuôi hơn 320 triệu con giống trên diện tích khoảng 1.700 ha, còn lại là thả nuôi theo hình thức bán công nghiệp.

Do tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn trong môi trường ao nuôi và kết hợp với những diễn biến bất thường của thời tiết, nên dịch bệnh cũng đã diễn ra trên tôm sú và đã có hơn 3.000 hộ nuôi bị thiệt hại với hơn 380 triệu con giống trên 1.650 ha, chiếm tỷ lệ hơn 53% diện tích thả nuôi tôm sú.

Đối tôm thẻ chân trắng, toàn huyện có gần 1.500 hộ thả nuôi hơn 420 triệu con giống trên diện tích khoảng 980 ha. Nếu như so sánh giữa nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thì diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ khoảng 50% so với diện tích thả nuôi tôm sú. Nhưng số lượng giống tôm thẻ chân trắng chiếm gần tương đương số lượng giống tôm sú được thả nuôi.

Bởi lẽ khi nuôi tôm thẻ chân trắng, người nuôi sẽ thả nuôi với số lượng con giống gấp 2 hoặc gấp 3 lần so với giống tôm sú. Mặc dù trong thời gian qua, một số diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cũng bị nhiễm các loại bệnh và gây thiệt hại cho người nuôi, nhưng bà con vẫn có thể thu hoạch được sản lượng tôm thương phẩm.

Cũng theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Cầu Ngang, đến nay sản lượng thu hoạch tôm sú là hơn 1.320 tấn, trong khi đó sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng đạt gần 1.600 tấn thương phẩm. Ông Dương Văn Đởm, quyền Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cầu Ngang cho rằng: “Tình hình dịch bệnh của năm 2012 thì tôm sú bị bệnh chết nhiều, do đó trong kế hoạch năm 2013, huyện cũng có chuyển đổi khoảng 30% diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ.

Qua đầu vụ năm 2013 tôm thẻ cũng chết nhiều, rồi dần dần cũng ổn định. Đến thời điểm này tỷ lệ thiệt hại của tôm sú nó lên tới 53%, nhưng đối với tôm thẻ chỉ có 27%. Từ đó cho thấy thiệt hại rủi ro đối với tôm thẻ thấp hơn so với tôm sú. Trước tình hình đó bà con  thấy có hiệu quả từ con tôm thẻ đem lại nên đã tập trung nuôi".

Ông Trần Thanh Khoa ở ấp Cây Còng, xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú có 5 ao chuyên nuôi tôm sú gần 10 năm qua, với tổng diện tích 1,5 ha. Do giá cả tôm sú năm 2012 ở mức thấp, không có lợi nhuận nên năm nay quyết định hùn tiền với 3 hộ khác đầu tư gần 800 triệu đồng để kéo đường điện trung và hạ thế vào tận khu nuôi tôm của gia đình và các hộ lân cận.

Ngoài ra ông Khoa cũng hàng trăm triệu đồng để mua sắm các thiết bị, phục vụ cho việc chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện cả 5 ao này được chia ra thả nuôi 3 đợt với 1 triệu con giống tôm thẻ chân trắng. Tôm nuôi từ 50 đến 70 ngày tuổi đang phát triển tốt.

Nói về quyết định chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Khoa cho biết: “Khu này tui nuôi tôm công nghiệp từ năm 2004 đến nay, nhưng nuôi tôm sú không có được lợi nhuận mà có quá nhiều rủi ro, nên quyết định đầu tư kéo đường điện vào để nuôi tôm thẻ. Giữa tôm sú và tôm thẻ thì thấy con tôm thẻ ngắn ngày, hơn nữa môi trường dịch bệnh ít hơn con tôm sú, thuốc cũng xài nhẹ hơn. Tôm sú nuôi dài ngày quá, từ 120 - 150 ngày mới có hiệu quả. Còn tôm thẻ nuôi 60 - 70 ngày thì thu hoạch”.

Có thể nói, vụ nuôi tôm biển năm nay ở Trà Vinh gặp nhiều khó khăn trước tình hình dịch bệnh gây hoại tử gan tuỵ vẫn còn diễn ra phổ biến ở một số khu vực. Song trong thực tế, bà con đã thật sự có sự chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ chân trắng ở một số khu vực cho phù hợp theo điều kiện thực tế.

Việc chuyển đổi này bước đầu đã có những tính hiệu khả quan, bởi đa số người nuôi tôm thẻ đều đạt lợi nhuận và tiếp tục hứa hẹn vụ nuôi tôm năm nay sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm