| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm thời bĩ cực: [Bài 2] Giá giảm sâu chưa từng thấy

Thứ Năm 08/08/2024 , 10:06 (GMT+7)

Trong 5 năm gần đây, giá tôm liên tục giảm mạnh. Thế nhưng, chưa khi nào giá tôm giảm sâu như trong năm 2024.

Năm 2024, giá tôm loại 100 con/kg tại Bình Định giảm chỉ còn hơn 70.000đ/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 2024, giá tôm loại 100 con/kg tại Bình Định giảm chỉ còn hơn 70.000đ/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Giá tôm không ngừng giảm sâu

Có lẽ hiếm ai theo dõi sát giá tôm trên thị trường như anh Nguyễn Tất Tùng (42 tuổi), người đang sở hữu 4ha tôm nuôi theo hướng công nghệ cao ở 2 xã Cát Minh và Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) và 8,2ha ao tôm nuôi theo công nghệ cũ tại Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát).

Suốt 13 năm nuôi tôm, anh Tùng nhận thấy chưa khi nào giá tôm rớt sâu như năm nay. Theo giải thích của anh, nguyên nhân do tôm Việt Nam lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, và bị cạnh tranh mạnh về giá ở thị trường này.

“Năm 2023, tôm loại 100 con/kg có giá 240.000-250.000 đồng/kg. Trong năm này, thời điểm tôm rớt giá sâu nhất cũng còn 85.000-88.000 đồng/kg. 4 tháng đầu năm 2024, giá tôm cao nhất đứng ở mức 210.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), tôm xấu hơn có giá dưới 200.000đ/kg. Nhưng từ tháng 5/2024 đến nay, giá tôm giảm sâu, tôm loại 100 con/kg chỉ còn hơn 70.000đ/kg. Có thể nói, năm nay là giá tôm rớt thảm hại nhất”, anh Tùng cho hay.

Còn theo ông Lê Thanh Tâm, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định), "năm nay, giá tôm đã thấp thảm hại, lại vắng thương lái thu mua. Lúc thu hoạch tôm vụ 1/2024, chẳng có thương lái nào đến Đông Điền thu mua, nuôi tôm bây giờ khổ nhất đầu ra”.

Theo ông Tâm tính toán, giá thức ăn nuôi tôm lẫn tôm giống đều tăng cao. Nếu như vào năm 2017, giá thức ăn nuôi tôm chỉ 30.000 đồng/kg thì nay tăng đến 40.000 đồng/kg. Hiện nay, 1 bao thức ăn nuôi tôm trọng lượng 20kg có giá đến 800.000 đồng, trong khi trước đây chỉ 600.000 đồng/bao.

Đầu tư nhiều, thua lỗ lớn

Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), địa phương có khoảng 200ha diện tích nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, là nơi từng sản sinh nhiều “tỷ phú tôm”. Ấy thế nhưng bây giờ, đi về những vùng tôm ở Hoài Nhơn, đến đâu chúng tôi cũng nghe những lời ca thán về chuyện nuôi tôm bết bát, thua lỗ triền miên.

Ông Huỳnh Có, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), người có thâm niên gần 10 năm trong nghề nuôi tôm phải “lên bờ xuống ruộng” với cái nghề từng sinh ra nhiều tỷ phú. Năm 2016, ông Có mua lại của người bạn ao nuôi tôm bên thôn Kim Giao Nam có diện tích 5.000m2, sau đó ông mua thêm 2 ao khác mỗi ao cũng có diện tích khoảng 5.000m2.

Bây giờ, nhớ lại công cuộc nuôi tôm của mình, ông Có ngậm ngùi chia sẻ: “Từ khi bước vào nghề nuôi tôm, tôi chỉ thành công vụ nuôi đầu với ao tôm 5.000m2 mua đầu tiên, lãi hơn 2 tỷ đồng. Thế nhưng, những vụ nuôi sau đó, tôi thất bại liên hoàn. Năm nào may mắn lắm thì huề vốn, còn phần nhiều là thua lỗ”.

Với 5.000m2 ao nuôi tại thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), mỗi ngày ông Huỳnh Có tiêu tốn hết 10 triệu đồng tiền thức ăn, điện, thuê nhân công. Ảnh: V.Đ.T.

Với 5.000m2 ao nuôi tại thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), mỗi ngày ông Huỳnh Có tiêu tốn hết 10 triệu đồng tiền thức ăn, điện, thuê nhân công. Ảnh: V.Đ.T.

Thua lỗ triền miên đến không gượng nổi, ông Có đành phải sang lại 2 ao tôm mua sau, chỉ giữ lại ao nuôi mua đầu tiên ở thôn Kim Giao Nam có diện tích 5.000m2. Chỉ với 1 ao nuôi mà nghe ông Có tính toán chi phí cho 1 vụ nuôi, chúng tôi thấy “giật mình”. Tổng cộng tiền điện, chi phí thức ăn, tiền thuê nhân công và thuốc thú y thủy sản mỗi ngày “ngốn” của ông Có khoảng 10 triệu đồng. Nuôi thành công thì không nói, nếu nuôi nửa chừng tôm dính dịch bệnh là kể như khoản tiền đầu tư nói trên tan theo bọt nước.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.