| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm thời bĩ cực: [Bài 1] Tôm chết sớm, bệnh vô phương cứu chữa

Thứ Tư 07/08/2024 , 06:43 (GMT+7)

Những năm qua, người nuôi tôm ở Bình Định bị thất bại liên hoàn do dịch bệnh gây hại và giá tôm giảm sâu, khiến nhiều hộ phải bỏ nghề…

Bệnh “nan y”, vô phương cứu chữa

Theo ông Lê Thanh Tâm, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định), vùng nuôi này có hơn 25ha nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học với hơn 40 ao nuôi. Gọi là nuôi tôm an toàn sinh học, nhưng những năm gần đây, do môi trường nguồn nước nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

Bệnh EHP trên tôm do virus gây ra nên vô phương cứu chữa. Ảnh: V.Đ.T.

Bệnh EHP trên tôm do virus gây ra nên vô phương cứu chữa. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Tâm, người nuôi tôm ở Đông Điền sợ nhất là bệnh do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (viết tắt là EHP) gây ra. “Vùng nuôi tôm Đông Điền hồ liền hồ, nên nếu có 1 hồ nuôi bị dính bệnh là những hồ kế cận lập tức bị lây bệnh”, ông Tâm cho hay.

Anh Nguyễn Tất Tùng (42 tuổi) ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định), người đã có 13 năm trong nghề nuôi tôm hiện đang sở hữu 4ha tôm nuôi công nghệ cao; 8,2ha tôm nuôi trên cát theo công nghệ cũ cùng chung ý kiến với ông Tâm.

Theo anh Tùng, với 8,2ha diện tích nuôi tôm theo công nghệ cũ ở Đề Gi, dù được chăm sóc chu đáo nhưng tôm vẫn dính dịch bệnh. Bệnh EHP làm “tán gia bại sản” người nuôi tôm nhiều nhất. Bệnh này không làm tôm chết liền, mà tôm cứ còi cọc dần dù vẫn ăn bình thường, trong khi thức ăn nuôi tôm bây giờ có giá rất cao nên khi tôm chết người nuôi đã mất khoản đầu tư lớn.

“Khi diệt được con vi khuẩn EHP thì tôm nuôi đã chết trắng hồ. Nếu nguồn nước nuôi ô nhiễm nặng thì nuôi tôm công nghệ cao cũng bị ảnh hưởng, phải tiêu tốn thuốc tím và chlorine xử lý nhiều thì tôm mới an toàn”, anh Tùng cho hay.

Người nuôi tôm ở Đông Điền, vùng nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học xã Phước Thắng (huyên Tuy Phước, Bình Định), thất bại nặng do bệnh EHP. Ảnh: V.Đ.T.

Người nuôi tôm ở Đông Điền, vùng nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học xã Phước Thắng (huyên Tuy Phước, Bình Định), thất bại nặng do bệnh EHP. Ảnh: V.Đ.T.

Thay đổi công nghệ vẫn không thoát bệnh

Cách đây hơn 2 năm, có dịp ghé thăm ao nuôi tôm của ông Huỳnh Có, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), chúng tôi thấy ông Có đang tất bật tính toán thay đổi công nghệ nuôi, để xua đuổi “bóng ma” thất bại đeo đuổi ông suốt nhiều năm qua.

Với diện tích 5.000m2 ao nuôi tại thôn Kim Giao Nam, ông Có chia thành 3 ao liên hoàn, mỗi ao rộng khoảng 1.200m2. Ông Có dự kiến sẽ nâng đáy 2 ao bên trong để nuôi tôm, còn ao nằm phía ngoài cùng sẽ làm ao lọc để tuần hoàn nước.

“Nước trong ao nuôi phải thường xuyên được thay. Trước đây, mỗi khi thay nước thì nước trong ao nuôi được xả ra ngoài tự nhiên rồi thay nước mới vào. Sau khi thay đổi công nghệ, khi thay nước, nước trong ao nuôi được xả qua ao lọc có ngăn lưới 3 màng để gạn lại chất bẩn, sau đó cho vào ao nuôi trở lại”, ông Có chia sẻ.

Ông Huỳnh Có ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) theo dõi cả lịch thủy triều để chăm sóc tôm nuôi nhưng vẫn thất bại liên hoàn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Huỳnh Có ở thôn Kim Giao Nam, xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) theo dõi cả lịch thủy triều để chăm sóc tôm nuôi nhưng vẫn thất bại liên hoàn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Có tính toán, nâng đáy nền 2 ao bên trong lên cao thêm 50cm để lực xả nước xuống ao lọc được mạnh, tính cả tiền đất, cát, thuê máy múc làm bờ, công làm… ông tốn mất khoảng 500 triệu đồng. Một khoản tiền lớn, nhưng không thể không làm.

Không chỉ thay đổi công nghệ, trong nuôi tôm, ông Có còn theo dõi cả lịch thủy triều để chăm sóc tôm nuôi mong tìm kiếm thành công.

“Đã thay đổi công nghệ, tính toán lịch thủy triều để đầu tư chăm sóc tôm nhưng tôi vẫn thất bại liên hoàn. Đối với 5.000m2 ao nuôi, mỗi ngày chi phí thức ăn, thuốc thú y cho tôm, thuê nhân công, điện… tôi tiêu tốn đến 10 triệu đồng, mỗi tháng mất 300 triệu, 3 tháng nuôi mất 900 triệu. Nếu thất bại trắng tay thì số tiền này coi như mất đứt”, ông Huỳnh Có cho hay.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.