| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trai lấy ngọc, dễ làm kiếm khá

Thứ Bảy 27/05/2023 , 14:00 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Trong giai đoạn 2017 - 2021, Dự án 'Phát triển nghề nuôi trai cấy ngọc tại Tonga và Việt Nam' giúp cải thiện phương pháp nuôi, hướng tới phát triển nghề trai ngọc bền vững.

Tiềm năng nuôi cấy trai ngọc bán cầu còn bỏ ngỏ

Dự án do ThS Phùng Bảy, Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 phụ trách triển khai dưới sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR).

Dự án này hỗ trợ phát triển các mô hình nuôi trai cấy ngọc dựa vào cộng đồng ở Tonga và thử nghiệm mô hình tương tự ở Việt Nam.

Thí nghiệm về ương giống trai ngoài biển được thực hiện tại hộ của ông Lê Văn Năm và Nguyễn Văn Tâm tại Hòn Giữa, thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ảnh: Linh Linh. 

Thí nghiệm về ương giống trai ngoài biển được thực hiện tại hộ của ông Lê Văn Năm và Nguyễn Văn Tâm tại Hòn Giữa, thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ảnh: Linh Linh. 

Tonga vốn có nghề nuôi cấy ngọc trai bán cầu (hay còn gọi là ngọc trai mabé) từ loài trai ngọc nữ. Ngọc trai bán cầu tuy có giá trị thấp hơn so với ngọc trai tròn, những một con trai có thể tạo ra được nhiều ngọc bán cầu, điều này không xảy ra với ngọc trai tròn. Ngoài ra, người dân chỉ cần 8- 10 tháng là có thể thu được ngọc trai bán cầu, trong khi phải mất 2 năm mới thu được ngọc trai tròn.

Ở Việt Nam cũng có trai ngọc nữ nhưng người dân chưa biết cách tận dụng nguồn trai để nuôi lấy ngọc hay sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, người dân cần sự hỗ trợ kỹ thuật để phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc dựa vào cộng đồng.

Dự án “Phát triển ngành nuôi trai lấy ngọc tại Tonga và Việt Nam” giúp cải thiện các phương pháp nuôi để hỗ trợ tăng sản lượng trai nhằm phát triển ngành một cách bền vững, đánh giá tiềm năng nuôi cấy ngọc trai bán cầu ở Việt Nam và đánh giá khía cạnh kinh tế, xã hội của nghề nuôi ngọc trai bán cầu ở Tonga và Việt Nam.

Khách trong nước chủ yếu có nhu cầu chọn ngọc có kích thước nhỏ, nhiều hình dáng như trái tim, giọt nước, ovan. Ảnh: Linh Linh.

Khách trong nước chủ yếu có nhu cầu chọn ngọc có kích thước nhỏ, nhiều hình dáng như trái tim, giọt nước, ovan. Ảnh: Linh Linh.

Sau 5 năm thực hiện, dự án đã đem về một số kết quả như xây dựng thành công quy trình khép kín vòng đời nuôi trai cấy ngọc từ cho đẻ, ương nuôi, cấy ngọc, chế tác và phát triển thị trường; tạo sinh kế mới, thu hút cộng đồng người dân ven biển Khánh Hòa và quảng bá sản phẩm ngọc trai ra các vùng miền trên cả nước và du khách nước ngoài.

Đánh giá về kết quả của dự án mang lại, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho rằng, ngoài việc tăng cường năng lực sản xuất, những dự án hải sâm và ngọc trai do ACIAR tài trợ còn góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là việc hỗ trợ sinh kế cho những bà con nông dân ở khu vực khó khăn, khu vực ven biển.

Trai dễ nuôi, cho ngọc quý

Chia sẻ về quy mô nuôi trai lấy ngọc tại Hòn Giữa, thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, Ninh Hòa, Khánh Hòa, ông Phùng Bảy cho biết, trên diện tích khoảng 5.000 m2 với 5 bè nuôi thả khoảng 700 con trai, mỗi con được cấy 3 hoặc 5 viên. Với tỷ lệ cấy ngọc thành công đạt khoảng 60%, mỗi năm sản lượng ngọc trai đạt khoảng 1.200 - 2.000 viên. 

Qua quá trình nuôi có thể nhận thấy việc nuôi trai lấy ngọc đem tới nhiều lợi ích cho người dân. Về mặt nuôi trồng, sự chuyển đổi từ các đối tượng thủy sản quen thuộc như hàu, vẹm... sang đối tượng giá rẻ và dễ nuôi như trai mang lại hiệu quả tốt hơn. Trong khi đó về mặt kinh tế, một con trai chỉ có giá khoảng 50.000 - 100.000 đồng và sau khi nuôi khoảng 10 tháng đến 1 năm, nông dân có thể kiếm được khoảng 600 - 800 triệu sau khi trừ đi các chi phí về lồng bè, nhân công...

Nhân ngọc đều được nhập khẩu từ nước ngoài, có xuất xứ, chủng loại rõ ràng. Có 6 loại nhân ngọc với 7 - 8 kích cỡ để cấy vào trai, tạo nhiều hình thù ngọc trai theo nhu cầu của khách. Ảnh: Linh Linh.

Nhân ngọc đều được nhập khẩu từ nước ngoài, có xuất xứ, chủng loại rõ ràng. Có 6 loại nhân ngọc với 7 - 8 kích cỡ để cấy vào trai, tạo nhiều hình thù ngọc trai theo nhu cầu của khách. Ảnh: Linh Linh.

Về mặt xã hội, ông Bảy cho biết, trai là đối tượng mang tính chất cộng đồng, dễ làm, dễ thao tác, phù hợp cho mọi đối tượng nông dân nuôi trồng. Trong khi đó, cán bộ kỹ thuật cũng có thể truyền đạt kỹ thuật nuôi cấy cho người dân bằng cách đơn giản nhất.

Liên quan đến đảm bảo đầu ra của sản phẩm, dự án có nội dung điều tra khảo sát thị trường và tạo đầu ra. Theo đó, khách trong nước chủ yếu có nhu cầu chọn ngọc có kích thước nhỏ, nhiều hình dáng như trái tim, giọt nước, ovan và khách nước ngoài thích ngọc to, có tính thẩm mỹ cao, ông Bảy chia sẻ.

Quá trình cấy nhân ngọc vào trai diễn ra tỉ mỉ và chính xác. Ảnh: Linh Linh. 

Quá trình cấy nhân ngọc vào trai diễn ra tỉ mỉ và chính xác. Ảnh: Linh Linh. 

“Đa số ngọc trai sản xuất hiện nay phục vụ nhu cầu trong nước, có 6 loại nhân ngọc với 7 - 8 kích cỡ để cấy vào trai, tạo nhiều hình thù ngọc trai theo nhu cầu của khách Việt Nam. Bên cạnh đó, qua khảo sát cũng thấy các nước châu Âu, Thái Bình Dương cũng là những khách hàng tiềm năng mà dự án hướng tới”, đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 cho biết.

Hiện nay, nghề nuôi trai lấy ngọc vẫn là nghề mới, quy mô nhỏ lẻ với giá trị sản phẩm hạn chế và vùng nuôi chưa chính thức. Tuy nhiên, khi cải thiện được vùng nuôi và nâng cao giá trị sản phẩm, ông Bảy cho rằng có thể đề nghị chính quyền quy hoạch vùng nuôi để phát triển ở quy mô lớn và bền vững hơn.

Quy trình nuôi cấy ngọc trai diễn ra khá tỉ mỉ, đòi hỏi sự chính xác đến từng chi tiết để khi cấy nhân ngọc được đưa vào đúng vị trí và để con trai có thể tiếp nhận nhân ngọc. Kỹ thuật cấy ngọc trai được thực hiện rất cẩn thận, trai phải được rửa sạch sẽ và không bị nhiễm khuẩn, điều này sẽ giúp tỷ lệ trai ngậm nhân cao. Quá trình cắt ghép ngọc diễn ra trong 6 tháng.

Ông Lê Văn Năm nhận thấy tiềm năng kinh tế và môi trường từ mô hình nuôi trai lấy ngọc sau 4 năm tham gia dự án. Ảnh: Linh Linh. 

Ông Lê Văn Năm nhận thấy tiềm năng kinh tế và môi trường từ mô hình nuôi trai lấy ngọc sau 4 năm tham gia dự án. Ảnh: Linh Linh. 

Ông Bảy cho biết, con giống trai sẽ được đưa vào ương tại chỗ, khi con giống đạt khoảng 15cm có thể bắt đầu cấy 3 hoặc 5 viên ngọc. Sau khi cấy ngọc phải tiếp tục nuôi trong 10 tháng. Sau 10 - 12 tháng có thể thu hoạch, chế tác và đem ra thị trường.

Hiện tại, năng lực nuôi cấy của người dân đạt khoảng 60 - 70%, song trong quá trình nuôi cấy có vấn đề, chính nông dân cũng có thể phản hồi và chia sẻ lại kinh nghiệm của họ với cán bộ kỹ thuật.

Ông Lê Văn Năm, chủ bè nơi triển khai dự án, với hơn 10 năm làm nghề nuôi trồng thủy sản và 4 năm nuôi cấy trai lấy ngọc nhận ra sự khác biệt về những lợi ích kinh tế và môi trường mà con trai đem lại.

“Nguồn thức ăn chính của trai là tảo. Nơi đây là địa điểm tảo phát triển, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho trai. Bên cạnh đó, nuôi trai rất sạch, không mất nhiều công nuôi trong khi chỉ cần bỏ tiền đầu tư giống một lần và sau đó có thể quay vòng giống",  ông Năm chia sẻ.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.