| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trâu không còn để đi cày

Thứ Tư 12/07/2023 , 09:06 (GMT+7)

Không còn nuôi trâu để tận dụng sức kéo, chăn nuôi đại gia súc thương phẩm đang mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân vùng núi Lai Châu.

Con trâu tiếp tục là đầu cơ nghiệp của bà con vùng cao khi tạo sinh kế bền vững giúp họ có thu nhập ổn định. Ảnh: HĐ.

Con trâu tiếp tục là đầu cơ nghiệp của bà con vùng cao khi tạo sinh kế bền vững giúp họ có thu nhập ổn định. Ảnh: HĐ.

Mở ra sinh kế bền vững cho bà con

Con trâu trước đây phục vụ cho việc cày bừa đất để canh tác, hiện một số nơi bà con sử dụng máy nông nghiệp để thay thế, nhưng trâu vẫn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình ở vùng cao Lai Châu.  

Con trâu đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho bà con ở xã Sùng Phài (TP Lai Châu). Sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi, những hộ dân mạnh dạn đã chọn hướng đi nuôi trâu thương phẩm, vỗ béo rồi đem bán, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhưng dịch Covid-19 xảy ra, việc đưa trâu xuất qua cửa khẩu gặp khó khăn, không có đầu ra khiến người nuôi gặp khó. Một số hộ để giảm công chăm sóc và chi phí chăn nuôi đành bán lỗ vì chưa thể tìm đầu ra mới.

Tuy vậy, sau dịch, thị trường nội địa dần ổn định, nhu cầu thịt trâu lại tăng lên đã tạo cơ hội cho những người duy trì, tìm kiếm thị trường vì xác định nuôi trâu thương phẩm cũng là một sinh kế bền vững. 

Ông Tẩn A Tủa ở bản Lùng Thàng, xã Sùng Phài cho biết, con trâu lớn có thể bán tới hơn 100 triệu đồng cho thương lái để xuất Trung Quốc. Tuy nhiên, nay thị trường này gặp khó khăn nên bà con tìm đầu ra ngay tại thị trường nội địa. Con trâu bán được có giá rẻ hơn nhưng nhu cầu ổn định và giá không lên xuống thất thường. Hơn nữa, khi đầu ra thuận lợi mới có thể phát triển tăng đàn, mở rộng quy mô.

“Gia đình tôi bắt đầu xây dựng chuồng trại rồi trồng gần một ha cỏ voi để phục vụ cho trâu ăn cỏ. Một mặt mua trâu về vỗ béo, một năm tiếp tục nuôi nghé để có thể luân phiên xuất bán theo từng đợt, cho thu nhập ổn định và tạo được công ăn việc làm ngay tại quê hương không phải đi làm công ty dưới xuôi”, ông Tẩn A Tủa nói.

Cũng đợt đầu năm vừa rồi, gia đình anh Tủa đã bán 2 con trâu cho thương lái để có thu nhập, mua sắm vật dụng gia đình, vun vén nhà cửa. Số lãi tuy không nhiều nhưng cũng đủ trang trải nhu cầu. Điểm đặc biệt là nuôi trâu mặc dù có thời điểm gặp khó khăn nhưng không áp lực lớn như nuôi các vật nuôi phải ăn cám, ăn ngũ cốc.

"Gia đình tôi hiện còn 9 con trâu thương phẩm, đã vỗ béo được hơn một năm, đang chờ khi nào có giá thì xuất chuồng”, ông Tẩn A Tủa tâm sự.

Nhận thấy nuôi trâu vỗ béo cho thu nhập ổn định, ông Sùng A Vảng cùng ở xã Sùng Phài mạnh dạn vay 70 triệu đồng xây chuồng trại và cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư nuôi trâu.

Ông Sùng A Vảng cho biết, nuôi trâu thương phẩm khá thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng bệnh và có thể cho thu nhập ngay trong thời gian ngắn. Mặc dù vậy, gia đình chưa đủ lực để đầu tư mạnh hơn vì chưa đủ lực nên chỉ duy trì một vài con để có thu nhập ổn định. Con trâu không mất nhiều công chăm sóc, lại có thể chủ động một phần thức ăn, cộng với nhu cầu thị trường luôn có nên đây cũng là hướng đi giúp nông dân có sinh kế bền vững.

Trên địa bàn xã Sùng Phài hiện có 6 hộ nuôi trâu thương phẩm và 10 hộ tham gia nuôi trâu sinh sản. Số lượng tuy không lớn nhưng mô hình này đã giúp những hộ gia đình phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững và giúp xóa đói giảm nghèo.

Ông Liều A Tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sùng Phài (TP Lai Châu) cho hay, việc tạo điều kiện nguồn vốn cho người dân đầu tư phát triển kinh tế, đầu tư nuôi trâu thương phẩm cần tiếp tục được nhân rộng vì mang lại hiệu quả kinh tế, có thu nhập ổn định cho người nông dân. 

Nuôi trâu thương phẩm góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng cao Lai Châu. Ảnh: VV.

Nuôi trâu thương phẩm góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng cao Lai Châu. Ảnh: VV.

Chủ động chăm sóc cho đại gia súc

Con trâu là vật nuôi dễ thích nghi tốt với điều kiện thời tiết địa phương, thích hợp với chăn nuôi quy mô hộ gia đình, trang trại. Trong khi đó, nguồn thức ăn tại chỗ ở vùng núi lại dồi dào, dễ tìm hoặc có thể chủ động nguồn thức ăn cho loại gia súc này. Chăn nuôi trâu cũng ít gặp rủi ro hơn chăn nuôi các loài động vật khác. Tuy nhiên, cốt lõi là bà con đã thay đổi nếp nghĩ, chủ động hơn trong chăm sóc cho đàn đại gia súc của mình.

Xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu) trước đây thu nhập của bà con ở mức rất thấp thế nhưng từ khi đẩy mạnh việc nuôi trâu thương phẩm đã giúp phần nào cải thiện thu nhập của họ.

Hiện nay, xã Bản Hon có gần 500 con trâu, được nuôi rải rác ở các hộ gia đình của nhiều bản thuộc xã này. Tuy nhiên, để có được đàn trâu như hiện nay cán bộ nông nghiệp đã phải xuống xã tận tình hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, xây dựng chuồng trại nhất là vào mùa đông, giá rét. Ngoài ra, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và công tác phòng chống dịch bệnh để con trâu khỏe mạnh, phát triển tốt từ đó tạo nguồn thu nhập cho bà con. 

Ông Tao Văn Kẻo ở bản Bãi Trâu, xã Bản Hon tâm sự, sau khi được vay vốn mua trâu về vỗ béo, tôi chủ động tiêm phòng để con trâu phòng chống được các loại bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng… đồng thời cho trâu ăn đúng bữa, đủ dinh dưỡng.

Từ khi nuôi trâu, người ta biết đến đã tìm đến tận nhà thu mua mỗi con từ 25 - 35 triệu đồng. Trâu thịt dễ bán, tôi không lo đầu ra nữa trong khi việc nuôi nhốt, vỗ béo trâu tiết kiệm sức lao động, tạo thu nhập giúp cuộc sống gia đình dễ thở hơn.

Ở bản Bãi Trâu rất thuận lợi cho bà con nuôi trâu số lượng lớn vì chỉ riêng bản này có khoảng 1,5ha đồng cỏ, đồng thời khi thu hoạch lúa, bà con đã dự trữ rơm rạ để làm nguồn thức ăn tại chỗ cho con trâu. Một số hộ chăn nuôi chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chủ động hơn trong nguồn thực phẩm cho đại gia súc. 

Tương tự, bà Tao Thị Sọ ở bản Bãi Trâu cho hay, tôi thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trâu thành công và học hỏi từ cán bộ nông nghiệp. Để trâu lớn nhanh, mạnh khoẻ, gia đình tôi hằng ngày cắt cỏ voi cho trâu ăn đồng thời bổ sung muối khoáng để tăng sức đề kháng cho trâu.

Ngoài ra, người nuôi cũng phải chú ý vệ sinh chuồng trại, thực hiện phòng, chống đói, rét và tích trữ thức ăn trong mùa đông; mùa hè thì giữ cho chuồng thoáng mát, tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, đàn trâu của gia đình ngày càng sinh trưởng và phát triển tốt. 

Ông Tao Văn Kẻo tiếp lời cho hay, trước đây, gia đình tôi chỉ nuôi trâu để lấy sức kéo. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn hiện tôi cũng chủ động trồng cỏ voi và những phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho trâu. Khi giảm được chi phí thức ăn người nông dân có thêm lãi. Do vậy, cuối năm ngoái gia đình tôi bán 2 con trâu được hơn 70 triệu đồng để trang trải sinh hoạt gia đình đồng thời mua thêm một con nghé để bù đàn. 

Với hiệu quả kinh tế từ việc nuôi trâu thương phẩm đã mở ra hướng đi mới cho bà con vùng cao phát triển kinh tế gia đình, qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển. 

Để đàn gia súc phát triển ổn định trong những tháng mùa mưa, Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cùng với đó thực hiện tốt việc hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ và kịp thời cho đàn gia súc, đẩy mạnh việc trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc phát triển.

Hiện ngành nông nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với các huyện đẩy mạnh việc phun tiêu độc khử trung đợt 1 trong năm nay.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, đến nay tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt 344.000 con, trong đó, đàn trâu có 93.120 con, đàn bò 24.500 con, đàn lợn 226.000 con và các loại gia súc khác trên 42.000 con.

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.