| Hotline: 0983.970.780

Cả tháng không thấy bóng thương lái nào đến mua trâu

Thứ Ba 06/06/2023 , 06:15 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH 'Trước đây, mỗi sáng tôi phải pha bình trà to tiếp 5 - 6 thương lái đến mua trâu, nay cả tháng không thấy ai', một hộ nuôi trâu ở làng Quy Hội ca thán.

Ở Bình Định hình thành nhiều làng nuôi trâu như nghề truyền trống 'cha truyền con nối'. Ảnh: V.Đ.T.

Ở Bình Định hình thành nhiều làng nuôi trâu như nghề truyền trống “cha truyền con nối”. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định hiện có tổng đàn trâu hơn 17.000 con. Địa phương này lâu nay đã hình thành lên những làng chuyên nuôi trâu, như huyện Tuy Phước có xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước An.

Nghề nuôi trâu ở các địa phương hầu hết là “gia truyền”. Trước đây 2 năm, trâu thịt được tiêu thụ rất mạnh, giá lại cao, 2 năm trở lại đây trâu thịt trở nên ế ẩm, nếu có người mua giá trị con trâu giảm còn nửa so với trước đây.

Ở xã Phước An (huyện Tuy Phước, Bình Định) hiện đang tồn tại 1 bàu nước có tục danh là Bàu Đưng nằm trên địa bàn thôn Quy Hội. Bàu Đưng có diện tích đến 154ha, hiện nay cỏ mọc um tùm. Nông dân thôn Quy Hội bảo rằng do trên địa bàn chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, nên không đưa được nước về bàu.

Bàu Đưng ở thôn Quy Hội, xã Phước An (huyện Tuy Phước, Bình Định) là kho cỏ lác cho trâu của làng. Ảnh: V.Đ.T.

Bàu Đưng ở thôn Quy Hội, xã Phước An (huyện Tuy Phước, Bình Định) là kho cỏ lác cho trâu của làng. Ảnh: V.Đ.T.

Do đó, Bàu Đưng có diện tích lớn là thế nhưng không thể sản xuất được nông nghiệp. Mùa mưa, các dòng chảy hội tụ đổ nước vào Bàu Đưng, nhưng bước sang mùa khô, nắng nóng làm nước bốc hơi khiến Bàu Đưng là nơi khô hạn sớm nhất, trong khi con bàu này không có mạch nước ngầm nên khô khốc suốt mùa nắng nóng.

Có lẽ Bàu Đưng là “cái kho” cỏ lác từ bao đời nay nên từ xa xưa ở làng Quy Hội hình thành nghề nuôi trâu “cha truyền con nối”. Mùa cỏ lác ra đọt non là người dân ở thôn Quy Hội thả trâu ra bàu ăn cỏ, đến mùa cỏ lác già, lũ trâu được người chăn nuôi cho ăn rơm. Hiện làng Quy Hội đang nuôi 50 - 70 con trâu, là một trong những điểm cung cấp trâu thịt cho thị trường vào những năm trước đây.

Anh Hồ Văn Được với đàn trâu của gia đình. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Hồ Văn Được với đàn trâu của gia đình. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Nguyễn Văn Chất, Trưởng thôn Quy Hội, từ xa xưa, những bậc tiền nhân ở làng Quy Hội đã phát triển mạnh nuôi trâu để vừa phục vụ sản xuất, vừa cung cấp cho nông dân các địa phương khác mua về để cày bừa. Con trâu trở thành tài sản của gia đình chia cho con cái, con nối nghiệp cha tiếp tục nghề nuôi trâu đến bây giờ.

Khi sản xuất nông nghiệp phần lớn được cơ giới hóa, trâu nuôi được cung ứng cho thị trường trâu thịt, thương lái từ thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn tập trung về Quy Hội, đến tận chuồng mua để cung ứng cho thị trường miền Bắc.

Hiện trâu thịt đang ế ẩm, giá chỉ còn 1 nửa so trước nhưng anh Được vẫn duy trì nghề nuôi trâu. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện trâu thịt đang ế ẩm, giá chỉ còn 1 nửa so trước nhưng anh Được vẫn duy trì nghề nuôi trâu. Ảnh: V.Đ.T.

Nói đến nghề nuôi trâu, cả làng Quy Hội ai cũng biết đến anh Hồ Văn Được (42 tuổi), người đang sở hữu đàn trâu đến 11 con.

Dắt chúng tôi ra dãy chuồng trâu nằm phía sau nhà, vừa đi anh Được vừa minh họa tình trạng ế ẩm của trâu thịt hiện nay: “2 năm trước đây, mỗi sáng tôi phải chế một bình trà lớn để tiếp đến 5 - 6 thương lái đến cùng lúc để mua trâu, bữa nay cả tuần, cả tháng không thấy bóng thương lái nào đến nhà. Trước đây, một con trâu nặng khoảng 2 tạ thịt hơi được thương lái mua đến 40 triệu đồng, nay nếu có người mua vẫn con trâu ấy giá còn chỉ khoảng 20 triệu đồng”.

Theo anh Được, trước đây thương lái mua trâu thịt chủ yếu đưa ra bán tại thị trường miền Bắc. Mấy năm nay kinh tế suy thoái, tất cả các loại vật nuôi đều ế ẩm mất giá, con trâu cũng không ngoại lệ. Nhưng là nghề gia truyền của gia đình nên giờ dù ế ẩm, mất giá anh vẫn phải giữ đàn trâu như giữ cái nghề của gia đình.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Bám sát đồng ruộng, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân trong dịp Tết

BÌNH ĐỊNH Để phòng, chống sinh vật gây hại trên cây trồng vụ đông xuân 2024 - 2025, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã hướng dẫn các địa phương biện pháp thực hiện.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.