| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trâu, bò liệu đã qua thời hoàng kim?

Thứ Hai 17/04/2023 , 18:32 (GMT+7)

Thời hoàng kim, nuôi trâu, bò đem lại thu nhập cao, nhiều nông hộ ở Bắc Kạn phất lên nhanh chóng, nhưng nay thị trường ảm đạm, càng chăn càng thua lỗ.

Giá thấp cũng khó bán

Anh Hoàng Văn Phú ở xã Chu Hương, (huyện Ba Bể) bắt đầu nuôi trâu sinh sản từ năm 2019. Khi bán được giá, cao điểm đàn trâu của gia đình anh Phú luôn duy trì hơn 30 con.

Năm 2020, một con nghé nuôi khoảng 10 tháng bán được từ hơn 12 triệu đồng, gia đình có nguồn thu nhập khá.

Gặp khó khăn, anh Phú (đội mũ) phải chuyển sang chăn thả tự nhiên để giảm chi phí. Ảnh: Ngọc Tú. 

Gặp khó khăn, anh Phú (đội mũ) phải chuyển sang chăn thả tự nhiên để giảm chi phí. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, giá trâu xuống thấp, việc duy trì đàn gặp khó khăn, nguồn thu cũng bị ảnh hưởng lớn. Anh Phú cho biết, trước đây một con nghé khoảng 1 năm tuổi bán được 15 triệu bây giờ giảm chỉ còn một nửa, dù giá bán rất thấp nhưng cũng ít người mua.

“Rất may là gia đình có quỹ đất nên trồng được cỏ cho đàn trâu, nếu thuê nhân công và mua cỏ không thể trụ nổi ở thời điểm này”, anh Phú cho biết thêm.

Hiện nay, giá trâu, bò giảm gần 1 nửa so với trước đây, với mức giá như vậy, nếu người dân nuôi theo hình thức vỗ béo, lúc mua vào giá cao sẽ lỗ.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trâu, bò vỗ béo, ông Hoàng Văn Hiệp, xã Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) chưa bao giờ thấy giá bán lại thấp như hiện nay.

Trước đây, ông Hiệp đi nhiều nơi mua trâu, bò về vỗ béo, trong chuồng thường xuyên có từ 10 con trở lên, nhưng nay giá quá thấp ông đã phải bỏ nghề, chuồng trại chuyển sang nuôi lợn

“Trước đây, mỗi năm cũng kiếm được vài chục triệu từ nuôi trâu, bò vỗ béo, nhưng bây giờ nếu nuôi thì lỗ. Hiện tại, càng nuôi nhiều càng lỗ nhiều vì giá bán thấp nhưng chi phí chăn nuôi tăng”, ông Hiệp nhận định.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, chăn nuôi gia súc phù hợp với điều kiện tự nhiên do đất đai rộng, khí hậu mát mẻ. Ảnh: Toán Nguyễn. 

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, chăn nuôi gia súc phù hợp với điều kiện tự nhiên do đất đai rộng, khí hậu mát mẻ. Ảnh: Toán Nguyễn. 

Bà Mã Thị Thương Oanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Bể cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo và sinh sản, tổng đàn trâu, bò gần 11.000 con. Tình hình chung là các hộ chăn nuôi gặp khó khăn do giá bán thấp.

Ngành nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo người dân tận dụng thức ăn tại chỗ để giảm chi phí, duy trì đàn vật nuôi để chờ thị trường khởi sắc trở lại.

Tổng đàn gia súc của tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 62 nghìn con nên việc giá trâu, bò giảm sâu ảnh hưởng lớn đến kinh tế nhiều gia đình, trang trại chăn nuôi.

Ảm đạm chợ buôn bán trâu, bò lớn nhất miền Bắc

Chợ Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) là một trong những khu chợ đầu mối buôn bán trâu, bò lớn nhất miền Bắc.

Mỗi tháng chợ Nghiên Loan họp 2 phiên, trước thời điểm giá trâu, bò sụt giảm, mỗi phiên có khoảng 2.000 con trâu, bò được người chăn nuôi, tư thương từ nhiều tỉnh mang đến giao dịch. Khung cảnh buôn bán luôn tấp nập, kèm với đó là nhiều dịch vụ phụ trợ khác.

Thời điểm giá trâu, bò chưa giảm, chợ Nghiên Loan luôn tấp nập. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thời điểm giá trâu, bò chưa giảm, chợ Nghiên Loan luôn tấp nập. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thời kỳ hoàng kim, mỗi phiên chợ có hàng chục tỷ đồng tiền giao dịch mua bán trâu, bò được thực hiện.

Nhưng nay, chợ Nghiên Loan dần trở nên vắng vẻ, số lượng trâu, bò giao dịch giảm chỉ còn chưa đến một nửa so với trước kia.

Theo nhiều thương lái, hiện nay, trâu bò mang đến chợ giao dịch phục vụ nhu cầu trong nước, chủ yếu là ở những tỉnh lân cận.

“Nhiều thương lái theo nghề đã lâu đến chợ chủ yếu để nắm thông tin thị trường, giao dịch thật sự rất ít. Vì buôn, bán trâu bò cần số vốn tương đối lớn, trước đây còn xuất sang Trung Quốc được thì có thể quay vòng ngay, nhưng nay chỉ buôn bán trong nội địa nên lượng tiêu thụ thấp”, anh Nguyễn Văn Hưng, thương lái đến từ tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Chợ Nghiên Loan hiện nay ảm đạm ít người buôn bán, số hộ nuôi trâu, bò vỗ béo vì thế cũng giảm cả về quy mô và số lượng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chợ Nghiên Loan hiện nay ảm đạm ít người buôn bán, số hộ nuôi trâu, bò vỗ béo vì thế cũng giảm cả về quy mô và số lượng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Vừa chăn nuôi, vừa buôn bán, anh Lý La Bằng đã gắn bó với chợ trâu, bò Nghiên Loan nhiều năm nay. Theo anh Bằng, từ khi không xuất được trâu, bò sang thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc thì giá giảm mạnh.

Trước đây, giá trâu, bò hơi từ 100.000 đến 110.000 đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg. Nếu thị trường không phục hồi sớm thì số lượng và quy mô các hộ nuôi trâu, bò sẽ giảm mạnh để chuyển sang nghề khác.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, giá trâu, bò giảm sâu sẽ ảnh hưởng nhiều đến những hộ nuôi nhốt, vỗ béo quy mô vài chục con trở lên. Ngành nông nghiệp Bắc Kạn hiện cũng tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ.

Trong đó, chú trọng đến những dự án liên kết chăn nuôi gia súc để chế biến tiêu thụ trong nước, từng bước giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, vốn chủ yếu thực hiện qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.