Thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế thế mạnh và được đầu tư phát triển quy mô lớn tại Quảng Ninh trong những năm gần đây, có đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trước tác động từ dịch Covid-19 từ năm 2020, ngành gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong vấn đề nuôi biển bền vững.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, ngành nuôi trồng thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng thực tế. Trong số đó, người dân nuôi tự phát và nuôi ngoài quy hoạch khá nhiều.
Ngoài ra, công tác thực thi triển khai quy hoạch ở các địa phương, giao khu vực biển còn gặp nhiều khó khăn, bất chấp tỉnh đã hình thành khung pháp lý cơ bản.
Một hạn chế nữa của tỉnh, đó là hệ thống cung ứng sản phẩm như: nguyên liệu đầu vào, thức ăn, chế phẩm sinh học chưa hoàn thiện. Người nuôi biển trên địa bàn sử dụng nhiều vật liệu nổi không thân thiện với môi trường.
"Đối tượng nuôi của người dân hiện chưa đa dạng, còn chạy theo thị trường. Công tác dự báo thị trường, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đánh giá an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế", ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết để phát triển ngành thủy sản. Vào tháng 9/2021, Ban thường vụ tỉnh ủy đã ban hành riêng một chỉ thị về tăng cường quản lý và phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ban hành một quy chuẩn vật liệu nuôi trồng thủy sản và có hiệu lực từ 1/1/2021. Mục tiêu của tỉnh, là đến năm 2022 sẽ thay thế toàn bộ vật liệu phao xốp nổi.
Hiện tốc độ tăng trưởng ngành nuôi trồng thủy sản hàng năm của tỉnh luôn đạt ngưỡng trên 10%. Tỷ lệ sản lượng nuôi trồng lớn hơn sản lượng khai thác theo đúng định hướng. Tổng giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2020 là 4.000 tỷ đồng – chiểm 65% trong tổng giá trị ngành thủy sản. Ngành đã tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần ổn định kinh tế cho các hộ gia đình
Nhằm đưa thủy sản phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với những thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho rằng cần làm tốt những vấn đề sau.
Một, là sắp xếp và sản xuất thủy sản theo các chuỗi giá trị từ sản xuất con giống, nuôi trông, chế biến và bao tiêu đầu ra. Hai, là tính toán lại mật độ diện tích nuôi trồng thủy hải sản, gắn với sức tải của môi trường. Ba, là đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Bốn, là kiểm soát môi trường vùng nuôi, cảnh báo kịp thời dịch bệnh. Năm, là đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, công nghệ nuôi biển
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng vụ nuôi trồng thủy sản đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc sắp xếp, quản lý vấn đề nuôi biển. Ông cho rằng, tỉnh đã có những quy chuẩn về vật liệu nuôi biển để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
"Cần phải cân bằng cung - cầu thông qua sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Ngoài việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh cần phối hợp Bộ NN-PTNT để xây dựng đề án quốc gia về phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030", ông Cẩn chia sẻ.