Hiện nay, biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh đến năng suất, sản lượng thủy sản nuôi, nhất là đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Chưa kể, đầu ra của tôm, cá không ổn định, chi phí tăng… khiến nhiều hộ nuôi thủy sản Đồng Nai tạm ngưng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Do đó, Sở NN-PTNT Đồng Nai xác định, cần tập trung đầu tư nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao để nâng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 1.700ha nuôi thủy sản nước lợ, chủ yếu là tôm với sản lượng gần 5.000 tấn/năm, chủ yếu ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành và Tân Phú.
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm nước lợ đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, kĩ thuật vào nuôi tôm để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Các kỹ thuật mới được đưa vào sử dụng như nuôi trong ao lót bạt, hệ thống sục khí, lọc nước tự động…
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao điển hình tại Đồng Nai là HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch). Hiện, hợp tác xã có 8 thành viên, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trên diện tích 30ha.
Theo ông Nguyễn Huy Bình, Giám đốc HTX, nhờ ứng dụng công nghệ mà các ao nuôi của hợp tác xã được đầu tư bài bản hơn, giúp tăng số vụ nuôi và sản lượng thu hoạch trong năm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao truyền thống. Nhờ đó, sản lượng thu được dao động từ 25-40 tấn/ha/vụ.
“Chúng tôi đầu tư kĩ lưỡng từ con giống, ao lót trải bạt đáy với hệ thống cấp, thoát nước 1 chiều và xử lý chất thải đảm bảo môi trường. Nhờ việc phụ trợ của các công nghệ tiên tiến và liên kết sản xuất mà chúng tôi kiểm soát tốt được vấn đề dịch bệnh hơn, không lo bị mất mùa như trước”, ông Bình chia sẻ.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp Đồng Nai còn khuyến khích người nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo bà Đỗ Thị Thu Thủy, Phụ trách Chi cục Thủy sản Đồng Nai, đến nay tỉnh đã xây dựng, chứng nhận được 14 vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích là 408,05ha và 80.788 m3 bè/bể. “Tổng sản lượng thủy sản đạt VietGAP của tỉnh là 15.675 tấn/năm. Chi cục cũng đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP”, bà Thủy chia sẻ.
Hiện nuôi thủy sản lồng bè trên sông Đồng Nai và hồ Trị An chiếm số lượng khá lớn với 1.100 bè và hơn 3.800 lồng. Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, cho rằng, nuôi cá lồng bè đang bị tác động nhiều bởi thiên tai. Đặc biệt, mỗi khi vào mùa mưa lũ, lồng bè nuôi thường bị hư hại ít nhiều. Điều này không chỉ phát sinh chi phí cho người dân mà còn gây ảnh hưởng tới môi trường.
“Chúng tôi đã làm việc với nhiều nhà cung cấp để tìm kiếm những loại lồng, bè bằng chất liệu HDPE phù hợp với địa phương để phát triển bền vững hơn. Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng có kiến nghị hỗ trợ người dân hoặc ưu đãi mua để phát triển bền vững, giảm giá thành sản xuất qua từng năm”, ông Sinh trao đổi.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 39,7 ngàn tấn, tăng hơn 4,9% so cùng kỳ, đạt mức tăng cao nhất trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, việc định hướng và khuyến khích đầu tư vào nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục có những chính sách để tăng thu hút đầu tư và mở rộng lượng lẫn chất trong lĩnh vực thủy sản.