Hiệu quả vượt trội
Khi nói tới nghề nuôi vịt, nhiều người thường nghĩ ngay tới vùng đồng bằng sông nước, nơi có những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay”.
Tuy nhiên, khi đến với những cánh cao su bạt ngàn tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nhiều người không khỏi bất ngờ chứng kiến mô hình nuôi vịt trên sàn lạnh, công nghệ cao.
Theo chân cán bộ chăn nuôi, thú y huyện Phú Giáo đến thăm mô hình nuôi vịt công nghệ cao trên sàn trong môi trường lạnh trên 10.000 con của gia đình ông Nguyễn Hữu Duẫn ở xã Phước Sang, điều ấn tượng nhất là 2 dãy chuồng vịt khép kín được dọn dẹp tươm tất, không có mùi hôi thối.
Bên trong mỗi chuồng được làm sàn lưới mắt cáo bằng nhựa, cách mặt đất khoảng chừng 50cm để vịt ở trên sàn cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ.
Trên trần nhà bạt được thiết kế xốp cách nhiệt, hai bên hông được gắn máy quạt phun nước để tạo không khí mát mẻ, luôn luôn bảo đảm nhiệt độ dao động từ 20 - 22 độ C.
Ngoài ra, hệ thống nước uống và dây chuyền máng ăn hoàn toàn tự động cũng giúp cho người lao động đỡ công sức và thời gian cho vịt ăn uống.
Cầm trên tay con vịt săn chắc nặng hơn 3,5kg chuẩn bị xuất chuồng, ông Duẫn phấn khởi cho biết, hầu hết người dân địa phương có bề dày kinh nghiệm trong nuôi heo, bò, gà… nhưng nói đến nuôi vịt trong nhà là khá xa lạ, nhưng bằng những kinh nghiệm học hỏi được, năm 2022 ông bắt đầu nuôi vịt công nghệ cao.
Theo ông Duẫn, với hệ thống cho ăn uống hoàn toàn tự động, vịt ít tiếp xúc với bên ngoài cũng như con người nên hạn chế được dịch bệnh. Môi trường trong lành, mát mẻ cũng giúp vịt sinh trưởng đồng đều, tỷ lệ hao hụt giảm hẳn so với cách nuôi truyền thống.
Nhân rộng mô hình
Ông Cao Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết thêm, là xã nông nghiệp, Phước Sang xác định kinh tế trang trại theo hướng công nghệ cao là “chìa khóa” góp phần tăng thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Nhằm trợ lực cho các chủ trang trạng, địa phương tích cực hỗ trợ cơ sở pháp lý để xây dựng trang trại. Đồng thời, tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, chính sách hỗ trợ các trang trại vừa và nhỏ, hộ gia đình để họ tiếp cận vốn ưu đãi.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện các hộ liên kết sản xuất, từng bước hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã tăng sức cạnh tranh, tiếp cận các thị trường tiêu thụ ổn định như sàn thương mại điện tử và hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch…
Theo ông Hòa, dù mới hình thành trong những năm gần đây, mô hình nuôi vịt công nghệ cao trên sàn được xem là mô hình hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi tại địa phương. Từ những trang trại ban đầu đến nay, Phước Sang đã có trên 20 trang trại và nông hộ nuôi vịt công nghệ cao.
“Nhờ các trang trại, kinh tế địa phương đang dần chuyển từ sản xuất số lượng sang gia tăng giá trị, chất lượng và hiệu quả. Chuyển từ mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết chủ yếu ở quy mô hộ gia đình sang sản xuất quy mô lớn.
Hiện bình quân mỗi trang trại nuôi trên 10.000 con vịt, đem lại thu nhập từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/trang trại/năm”, ông Cao Trung Hòa phấn khởi nói.
“Chi phí đầu tư cho mỗi chuồng vịt 1000m2 tất tần tật khoảng 1,2 tỷ đồng, sử dụng trong vòng 5 - 7 năm, đổi lại nhờ ăn uống hoàn toàn tự động giảm được nhiều chi phí nhân công. Đặc biệt, vịt không tồn dư kháng sinh nên thương lái cũng sẵn sàng thu mua với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường”, ông Duẫn chia sẻ.