| Hotline: 0983.970.780

Nuôi vịt Cổ Lũng mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng

Thứ Sáu 01/09/2023 , 19:18 (GMT+7)

Thanh Hóa Chăn nuôi vịt Cổ Lũng mang về thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng. Mô hình này đem lại giá trị kinh tế cao so với mô hình truyền thống.

Anh Lò Văn Phú (36 tuổi) là người nuôi vịt Cổ Lũng đã có kinh nghiệm hơn 5 năm qua. Hiện anh đang quản lý hai trang trại vịt tại xã Ban Công, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Giống vịt Cổ Lũng này có ngoại hình khá tương đồng với vịt bầu, nhưng thực chất lại sở hữu những đặc điểm riêng biệt đáng chú ý.

Điều đặc biệt ở loài vịt này là cổ rụt, chân nhỏ lùn và ngắn, hài hòa trong tổng thể hình dáng của chúng. Cổ và đầu thường được bao phủ bởi lớp lông khoang mịn. Đặc biệt, con trống vịt Cổ Lũng có lông đuôi xoăn và lông cổ xanh. Được biết, vịt Cổ Lũng có quá trình nuôi dưỡng kéo dài hơn so với các loại vịt khác, từ 4 tháng trở lên nên đảm bảo chất lượng thịt tốt nhất.

Cũng theo anh Phú, trọng lượng của vịt Cổ Lũng dao động từ 1,8kg đến 2kg, anh thường xuyên phơi trộn thức ăn bao gồm cỏ, lá chuối, ngô, bột gạo và cám công nghiệp cho vịt ăn. Cùng với đó là việc đặc biệt chú trọng đến phòng dịch cho vịt, thực hiện các biện pháp tiêm vacxin để đảm bảo sức khỏe cho đàn vịt.

Khí hậu và sinh thái ở xã Ban Công mát mẻ, có suối cùng nhiều sinh vật nhỏ dưới nước như cá, tôm, tép, do vậy, đây cũng là một nguồn thức ăn khác cho vịt. Điều này tạo nên sự khác biệt về hương vị của vịt Cổ Lũng so với vịt từ các địa phương khác.

Hiện tại, trang trại của anh có gần 3.000 con, mỗi năm xuất chuồng được khoảng 3 lứa, trung bình khoảng 10.000 đến 12.000 con. Vịt Cổ Lũng có giá bán cao hơn so với các loại vịt khác, mức giá của thịt khoảng 180 đến 200.000 đồng/con. Sau khi khấu trừ các chi phí nuôi, thu nhập của anh Phú dao động từ 200 đến 300 triệu đồng một năm.

Tuy nhiên, vấn đề đầu ra ổn định đang là thách thức, bởi còn phụ thuộc nhiều vào các nhà hàng và thương lái nhỏ lẻ tại huyện Bá Thước để tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, anh Phú cũng đang xem xét khả năng đưa sản phẩm này đến thị trường Hà Nội và các địa phương khác để tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng về mô hình chăn nuôi vịt Cổ Lũng. Ông cho rằng, về chăn nuôi, các vật nuôi truyền thống lâu nay đang chăn nuôi trên toàn huyện như trâu bò thì thời gian gần đây, huyện đã tập trung phát triển chăn nuôi trong rừng và tập trung phát triển chăn nuôi các vật nuôi lợi thế của huyện như là vịt Cổ Lũng. Mô hình mới được huyện triển khai, bước đầu đã đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các mô hình truyền thống.

Có thể thấy, từ việc chọn lọc thức ăn, chăm sóc và tạo môi trường sống phù hợp, anh Phú đã khẳng định sự chú tâm để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Đây cũng là mô hình mang tính bản địa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế doanh nghiệp cũng như địa phương.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.