105 hay 107?
Sương đầm đìa trên ngọn cây, lá cỏ. Sương lộp bộp như mưa trên mặt đất, mặt người. Mây sà xuống, sương bốc lên khiến khu vườn mận đại thụ càng giống chốn bồng lai tiên cảnh.
Ông lão đầu đội mũ, lưng dắt dao, ngẩng cao đầu cất tiếng gọi. Những thanh âm trầm trầm, đầy nội lực cất lên, phá tan sự im lặng của núi rừng: “H…ố, h…ố, h…ố”. Gọi chừng ba bốn hồi, từ trong màn sương vọng lại, tiếng trâu mẹ ậm ò, tiếng nghé con ậm ọ.
Ông Xía dắt trâu lên núi
Những cái sừng ngúc ngoắc, những cái lưng rùng rùng chuyển động. Chúng tiến lại, khịt khịt bên ông, cọ mũi cọ má, hít hà hơi quen như chờ đợi được chủ nhân gãi tai, gãi cổ. Bàn tay của ông nhanh chóng xỏ dây thừng qua mũi con trâu mẹ rồi dắt qua một cái dốc đá cao vút để lên bãi chăn thả tít trên núi.
Bàn chân người khua mềm mại trên đá, bàn chân vật khua từng nhịp lộp cộp theo sau. Với người Mông thì không có một ngọn núi nào cao quá đầu gối. Ông lão lặng lẽ đi, miết từ sáng sớm đến tối mịt mới chịu về, dọc đường không ăn, không uống gì cả. Nhìn cái dáng đi vững chắc như tạc vào núi đá ấy, không ai ngờ rằng ông đang bước vào tuổi 105.
Tôi cũng chỉ chịu tin khi đứa cháu nội ông tìm trong đáy hòm, lôi ra được cái chứng minh thư đã ố vàng, từ năm 1979, trong đó ghi rõ Sùng A Xía, dân tộc Mèo, sinh năm 1912, nguyên quán Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là bản Chà Đáy xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).
Chứng minh thư của ông Xía
Cứ theo như lời ông bảo, mình còn giấu bớt đi 2 tuổi so với tuổi thật. Số là năm 1979 mấy anh em ông đi làm chứng minh thư, người em trông già hơn anh nên cán bộ cứ không tin rằng ông sinh 1910 nên đành phải khai rút đi thành 1912. Vậy là giờ đây ông phải 107 tuổi ta, 106 tuổi tây?
Một thuở tập bay
Nhà ông Xía nổi tiếng khắp các bản Mông vùng Hang Kia, Pà Cò bởi sự gia truyền của tuổi thọ. Bố ông thọ tới 103 tuổi, mẹ ông thọ tới 104 tuổi, các anh em đều là người thọ cả nên khi em trai Sùng A Sào mất ở tuổi 90 còn bị cho là… đoản thọ.
Cuộc đời dài hơn cả con dốc từ rừng già lên đỉnh Pà Cò của ông có lắm thăng trầm. Theo cách mạng từ thời còn trẻ, đi du kích, liên lạc rồi ông làm Ủy viên Mặt trận tỉnh, để lại nhà người vợ cả sinh được 4 người con rồi mất, người vợ hai sinh được 8 người con rồi cũng về trời.
Năm đó 1974, khi vợ hai chết, đứa con út Sùng Thị Chư mới chưa tròn 6 tháng tuổi. Nó đỏ hỏn, suốt ngày oe oe khóc khiến cho ông phải bỏ dở công việc trên tỉnh để về quê nấu cháo đặc, bón cho ăn. Hồi ấy tuy đã ngoại lục tuần nhưng sức khỏe của ông Xía thì nhiều thanh niên trong bản còn không bì kịp. Tuy vậy, ông cũng không dám lấy thêm vợ ba vì sợ vợ mới ghét đám con cháu riêng của chồng, ăn gì cũng không cho ăn, uống gì cũng không cho uống.
Những năm trước đó, người Mông ở Hang Kia, Pà Cò bị “vua Mèo” Vàng Pao rủ rê thành lập một vùng tự trị riêng, một quốc gia không làm cũng có ăn, con người tự do như chim chóc, có thể chao liệng trên trời. Mọi người náo nức nghe theo tay chân của Vàng Pao để đi… tập bay. Ông Xía cùng hai đứa con trai đầu cũng vậy.
Thầy dạy bay khi đó là một ông tên là Vàng. Ông ta bảo ai ăn tốt thì nặng người không bay được nên trước muốn tập chỉ được ăn mỗi bữa một bát mà thôi. Mọi người tụ họp trong một cái nhà lớn, ở đó kê sẵn mấy cái ghế và một cái giường. Lúc mới tập sẽ nhảy từ ghế thấp lên giường rồi sau đó nhảy từ ghế cao lên giường.
Tập đến khi nào thành thạo thì có thể cặp hai cái lá cọ vào nách mà bay được như chim. Ngoài tập bay, thầy Vàng còn dạy tập võ. Cách dạy cũng vô cùng lạ là thầy ngậm một ngụm nước trong miệng rồi phun vào mặt học trò. Chỉ thế thôi mà cũng run lên, nhảy múa như những người điên.
Sự kỳ lạ của học võ ấy không bằng học bắn súng bằng những… ngón tay. Hai ngón trỏ và cái của bàn tay trái khum lại thành vòng tròn rồi lấy ngón trỏ của bàn tay phải xuyên qua là thành một khẩu súng, “bòm” cái là quân địch chết tươi. Thế là khi bộ đội kéo lên, dân Mông cứ xúm đông, xúm đỏ vòng tròn ngón trỏ và cái của bàn tay trái rồi xuyên ngón tay trỏ của bàn tay phải lên “bòm bòm” mãi mà không thấy ai suy suyển.
Đến khi bộ đội Cụ Hồ “bòm” lại bằng súng thật thì ai nấy đều sợ hãi bỏ chạy túa lên núi. Chuyện lầm lỡ theo vua Mèo tan theo làn khói súng của ngày hôm đó thì lại đến chuyện nghiện thuốc phiện. Thuốc phiện theo chân du mục của người Mông tự ngàn đời nhưng chỉ bùng phát cách đây mấy chục năm khi có chủ trương phát triển cây anh túc ở miền núi để làm hàng hóa xuất khẩu.
Hồi ấy có những huyện vùng cao còn được thưởng cả cái xe ô tô U Oát vì thành tích… trồng nhiều thuốc phiện. Thế rồi người nghiện la liệt khắp bản trên, xóm dưới. Ông Xía cũng là một nạn nhân với thâm niên nghiện tới 30 năm. Thuốc phiện bào mòn một con người vạm vỡ trở thành một cái xác sống dật dờ.
Biết được tác hại của thuốc phiện, ông cấm ngặt các con không được mon men đến gần cái bàn đèn lúc mình hút. Đến khi Sùng A Già - con trai ông làm Chủ tịch xã nói nhiều quá, nói đến đầy cả hai cái lỗ tai thì ông mới chịu cai để chí thú vào việc nương rẫy.
Lao động cho đỡ buồn
Nương ở tận Bao La, ông Xía phải cõng trên lưng con Chư cùng mấy cái xoong nồi, đi một ngày ròng mới tới. Trồng ngô thì con khỉ, con chuột cắn buổi sáng, con gấu cắn buổi tối. Trồng lúa thì lợn rừng về ủi tan. Đói quá, nhiều khi ông phải thu hoạch non để mà nấu cháo cầm hơi cho cả nhà.
Chăm lợn Tết để đón con cháu
Cuộc sống cứ lần hồi mà qua cơn khốn khó. Để bây giờ ông có cả trăm con, cháu, chắt, chút. Hầu hết bản đều là dòng máu của họ Sùng. Tết đến thịt một con lợn tạ, ngoảnh đi ngoảnh lại vèo cái là hết. Nhiều đứa họ Sùng khá thành đạt trong đó không ít đại học, cán bộ, có người còn làm cả Chủ tịch xã.
Thế nhưng, đám con cháu bảo thế nào cũng không thể ngăn cản được ông bỏ nghiệp chăn trâu để chịu nghỉ ngơi. Mà đâu phải chỉ có chăn trâu, cho lợn ăn, cho gà ăn ông đều tự làm cả. Đến bữa ông vẫn ăn được hai bát cơm, uống được đôi chén rượu. Ông bảo rằng mình vẫn còn sức khỏe thì còn nhúc nhắc làm để mà giúp con, đỡ cháu. Vả lại luôn tay luôn chân thì chẳng nỗi buồn nào còn len nổi vào đầu. Bạn bè cùng lứa ai cũng về trời cả rồi, người gần nhất cũng cách đây cả vài chục năm có lẻ. Chỉ còn lại mỗi mình ông trên đỉnh Pà Cò, đơn độc như một cây lim, cây nghiến giữa rừng, buồn lắm!
Nói rồi, ông châm thuốc lào, rít sòng sọc. Khói bay mờ cả cái dáng ngồi vững như bàn thạch hắt bên vách bếp. Tôi trộm nghĩ rằng ông còn khỏe hơn cả con trai đầu, con trai thứ - những người năm nay mới ngót nghét 80 tuổi mà xem chừng đã hom hem lắm.