| Hotline: 0983.970.780

Ơi dòng Gianh…

Thứ Sáu 14/10/2022 , 10:26 (GMT+7)

Trong dòng chảy lịch sử, sông Gianh từ lâu được biết đến là lằn ranh chia cắt nhức nhối nằm giữa lòng nước Việt.

Bạn tôi có cái tên rất rắn - Đinh Thiếu Sơn, nhưng lại có nụ cười rất hiền. Hiền đến nỗi tôi bảo đó là nụ cười “cầu tài” mà Sơn vẫn cười nhè nhẹ. Chúng tôi ngồi bên dòng sông khi những tia nắng chiều dần tắt. Gió thổi mát cả lòng bàn tay. Sơn bảo: “Sông Gianh bi tráng và anh dũng là vậy, mỗi mùa chở nặng phù sa nuôi nhiều thế hệ người dân quanh vùng đất này. Vậy mà, đâu đã có ai hiểu nhiều…”.

Nơi 99 con phượng hoàng quay đầu về núi…

Sơn cũng là người thích đọc sử, chắc vì vậy mà biết nhiều sử hơn đám chúng tôi. Ngồi với nhau giữa không gian bao la, một bên là dòng Giang đang cần mẫn xuôi dòng và bên là cánh đồng lúa thơm mùi non xanh. Sơn nói là kể lại theo sách thôi, tên sử của sông là Linh Giang.

“Ấy là vào khoảng thập niên những năm 80, khi tôi chập chững theo mấy anh lớn tuổi cùng làng mang gạo lên rừng đi tìm trầm hương”, giọng Sơn rỉ rả bắt đầu câu chuyện.

Sông Gianh chảy qua thị xã Ba Đồn. Ảnh: P. Thép

Sông Gianh chảy qua thị xã Ba Đồn. Ảnh: P. Thép.

Từ ngầm Ka Tang (nhánh chính con sông Gianh ở thượng nguồn, thuộc xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa), xuyên rừng theo đường bò của nhánh sông để lên đỉnh dải Trường Sơn hùng vĩ. Đi khoảng hai ngày đường thì chạm đến réc nước “sơn cùng thủy tận” của sông Gianh. Giữa một vùng rừng núi hiểm trở bỗng như ngân vút lên tiếng nước rào rào và màn sương mỏng mềm như dải lụa trắng len qua từng tầng lá xanh ngăn ngắt. “Khe Nước Rụng đấy", tiếng ông Hồ Xoi dẫn đường vang lên.

Trong cái mát lạnh của màn sương mỏng, mọi người cũng chỉ đứng nhìn từ xa xa. Những mạch nước rịn ra từ những dãy đá kết lại cho đến khi nặng như trái chín thì rụng xuống rào rào. “Đến nước rụng là coi như đã đến đầu ngọn sông Gianh rồi”, tiếng ông Hồ Xoi vang lên trong tiếng rào rào nước rụng.

Đua thuyền trên sông Gianh. Ảnh: P.Thép

Đua thuyền trên sông Gianh. Ảnh: P.Thép.

Khe Nước Rụng len qua núi, vòng qua sườn rừng và lớn dần để về xuôi. Sông Gianh dài 160km chỉ chảy duy nhất qua địa bàn tỉnh Quảng Bình, thành hệ thống sông lớn nhất ở địa phương này.

Trong dòng chảy lịch sử, sông Gianh từ lâu được biết đến là lằn ranh chia cắt nhức nhối nằm giữa lòng nước Việt. Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã lấy sông Gianh làm ranh giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong, thành một lằn ranh đớn đau chia cắt. Qua bao đời, sông vẫn miệt mài về biển, gội rửa cho biết bao thân phận trong triền miên đau thương của cuộc chiến tương tàn chia cắt trong hơn 150 năm lịch sử phân tranh.

Xuôi về phía hạ, dòng sông mang nhiều huyền tích. Khi băng mình qua được dãy Trường Sơn thì dòng sông uốn mình thành một nét vẽ ôm lấy làng Lệ Sơn. Lưng của làng tựa vào 99 ngọn núi, mặt hướng ra sông Gianh. Hàng trăm năm nay, đây là làng văn hóa đứng đầu trong “bát danh hương” Quảng Bình về tinh thần hiếu học và lễ nghĩa.

Tương truyền, từng có 100 con chim phượng hoàng rủ nhau bay về đậu ở núi làng Lệ Sơn, cho nên địa danh này là vùng địa linh, cảnh sắc sơn thủy hữu tình nổi tiếng ở Quảng Bình. Nhưng, dãy núi chỉ có 99 ngọn nên một con phượng hoàng không có chỗ đậu phải bay đi. Vậy là, 99 con phượng hoàng kia cũng vỗ cánh bay theo về hướng núi…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phà Gianh là “tọa độ lửa” và để rồi những ai đã từng một lần qua đây trong những năm tháng cả nước ra trận đều không khỏi bùi ngùi, xúc động chẳng thể phai mờ.

Nơi những cây cầu là niềm thương nỗi nhớ…

Khi chuyến phà cuối cùng đưa khách qua sông để đi vào hoài niệm và cầu Gianh đã xóa đi sự cách trở trên con đường thiên lý bắc - nam. Các địa phương phía bắc cũng được kéo lại gần hơn với trung tâm tỉnh lỵ Quảng Bình. Nhưng ngược dòng sông Gianh vẫn còn miên man trong khoảng cách bên này sông với bên kia. Muốn sang thì phải đợi đò…

“Ăn cơm cho no mà chờ đò Phù Trịch”, ấy là câu truyền từ trước về bến đò chèo qua sông Gianh.

Chiều bình yên bên bờ sông Gianh. Ảnh: H.Giang

Chiều bình yên bên bờ sông Gianh. Ảnh: H.Giang.

Còn nhớ, vào năm 2000, tôi và nhà báo Nguyễn Hồng Lam (Báo An ninh thế giới), viết phóng sự "Gia đình có 6 người điên" ở làng Cao Cựu, xã Quảng Phúc. Bài báo được hơn tháng thì bạn đọc cả nước “xếp hàng” gửi tiền ủng hộ gia đình này. Số tiền ủng hộ lên tới hơn nửa tỷ đồng. Ba tháng sau, tôi chạy xe máy, vai mang ba lô tiền bạn đọc ra cho gia đình ông Phúc.

Làng nằm bên kia sông, phải qua đò Phù Trịch. Nhiều lần đi về đợi đò cũng mất cả ngày. Mà tiền bạn đọc gửi nhiều nên gần như tháng nào tôi cũng mang tiền ra cho gia đình. Có bữa vừa dừng xe trên bến đò thì có tiếng nhẹ nhàng gọi: “Anh ơi, vào em mời nước”. Cô chủ quán lúng liếng đôi mắt tròn, lúm đồng tiền duyên trên má phính hồng. Tôi như dịu lòng trước em, trước cái nắng hè như hắt lửa.  Tôi mua cái bánh chừng ăn đỡ đói. Em đưa chiếc bánh rồi cười rụt tay lại. “Em đổi cho anh cái bánh còn nóng kẻo tội. Anh đi cứu trợ cho nhà ông Phúc “điên” đúng không. Thôi anh không trả tiền bánh mô. Em mời đó”...

Cũng trên đoạn sông này, một ngày giáp tết, chuyện bi thương đã ập đến. Xã Quảng Hải nằm giữa cồn sông Gianh. Muốn qua chợ thị xã Ba Đồn phải xuống bến đò. Chuyến đò định mệnh vào sáng 30 tết đã không đến được bờ. 49 người dân xã Quảng Hải đi chợ tết đã không còn được đón xuân. Vụ chìm đò bi thương trong ngày 30 tết năm ấy đã gây chấn động cả nước. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo gấp rút thi công xây cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh. Bây giờ hệ thống cầu Quảng Hải vẫn giữ vị trí quan trọng nhất để kết nối đôi bờ sông Gianh của thị xã Ba Đồn.

Có cầu Quảng Hải, bến đò Phù Trịch cũng vắng dần và cũng chỉ còn lại trong hoài niệm. Có một đôi lần, tôi ra đến tận mép sông để bồi hồi. Bến đò Phù Trịch người ta bỏ đi nhưng cũng đã nhanh chóng dựng lên mấy quán nhậu bình dân ven sông đầy gió. Tôi vào quán năm nào cũng chỉ toàn người lạ. Hỏi cô chủ quán với lúm đồng tiền năm đó cũng chẳng ai hay. Chỉ có gió thổi từ sông Gianh vào là vẫn vậy. Mát như nụ cười em trưa nào…

Sau cầu Gianh, cầu Quảng Hải được xây dựng để thay cho bến đò ngang nhiều giai thoại Phù Trịch trong sự vui mừng của người dân 2 bên bờ sông. Sau cầu Quảng Hải, bằng nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của Trung ương, Quảng Bình xây dựng được 10 cây cầu nối những bờ vui trên dòng Gianh để nỗi buồn xưa đã hoá lời câu hát “Bây chừ sang sông không phải đợi đò. Bắc cầu sông quê cho đôi lứa hẹn hò…”.

Nơi miếng ngon lưu đến muôn đời…

Dòng Gianh trong mát, xanh biếc được bao quanh những núi đá vôi sừng sững tạo nên một khung cảnh thật yên bình. Vào mùa mưa, nước ngập tràn bờ, khi đó, dòng sông trĩu nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng, những bãi bồi để cho màu xanh ngô, lúa bồi bồi trỗi dậy.

Từ ngã ba sông tại Văn Phú, cách cửa biển non hai cây số là con nước giao thoa của hai chiều ngọt mặn, vẫn mang nhiều tôm cá, nhưng hai bên sông lại sinh ra loài sinh vật có tên gọi chắt chắt. Người dân hai bên bờ sông xem đây là “báu vật” trời cho để nuôi nấng bao thế hệ vững chân đi khắp muôn nẻo đường.

Cào chắt chắt trên sông Gianh để có được món đặc sản truyền đời. Ảnh: H.Giang

Cào chắt chắt trên sông Gianh để có được món đặc sản truyền đời. Ảnh: H.Giang.

Nhẩn nha trong chiều bên sông, Sơn bảo, nhiều người nhầm tưởng chắt chắt là con hến nhưng không phải vậy. Chắt chắt chỉ nhỉnh hơn chiếc cúc áo, vỏ mỏng hơn hến, lại sống trong khu vực nước “lập lờ” mặn - ngọt và hầu như riêng có ở đoạn sông này. Với người dân nơi đây, dường như trong mỗi con chắt chắt luôn chất chứa vị ngọt ngào của phù sa dòng Gianh, giọt mồ hôi chát mặn của người đi cào nên có vị riêng không lẫn vào đâu được.

“Chắt chắt sông Gianh có thể chế biến nhiều món khác nhau như xào với hành tây hoặc mít non xúc bánh tráng, nấu canh rau tập tàng ngọt, mát vô cùng. Chắt chắt sông Gianh tuy dân dã nhưng đã trở thành đặc sản Quảng Bình”, Sơn cứ kể để tôi cứ xuýt xoa.

Bạn tôi nói thêm, không chỉ chắt chắt mà sông Gianh còn có sản vật giá trị nữa là con sá sùng mà dân gian tương truyền dùng để tiến vua trong các bữa ngự yến xa xưa. Sá sùng còn được gọi là giun biển. Chúng na ná giun đất nhưng có phần to hơn, sống ở các đụn cát tại nơi giao nhau giữa sông và biển.

Muốn săn được sá sùng, ngoài việc tốn công dò dẫm thì còn phải tinh mắt, nhìn đúng hang mà chúng sống. Khi thấy hang thì dùng lưỡi mai cắm thật sâu và chặn bắt. Săn sá sùng không đơn giản vì khi bình minh chưa lên chúng đã rúc sâu vào hang để trốn nắng. Sá sùng đang là món ngon cho du khách khi có dịp trải nghiệm trên dòng sông chứng tích lịch sử này.

Mùa chắt chắt ngon nhất là vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm (nhưng vì miếng cơm manh áo nên hầu như người ta khai thác quanh năm). Hầu hết cư dân của những làng nổi trên sông Gianh này gần như nhà nào cũng có người sung vào đội quân khai thác chắt chắt. Để lấy được chắt chắt từ lòng sông người ta thường dùng cào bằng sắt, gắn thêm mảnh lưới thật dày rồi đưa xuống sát đáy sông.

Một xóm nhỏ vạn chài bên sông. Ảnh: T.Phùng

Một xóm nhỏ vạn chài bên sông. Ảnh: T.Phùng.

Chúng tôi cùng lên chiếc thuyền gỗ nhỏ nhoi của chị Luyến, chị Mai. Chiếc nón sụp xuống trên đầu, cán cào tựa vào vai, hai tay dồn sức đè lên cán, chị Luyến, chị Mai cứ bước thụt lùi như thế. Vừa đi, hai bàn chân cũng vừa quẩy lớp bùn nhão để con chắt chắt phơi lên lọt vào cào. Đi thụt lùi được vài chục bước chân, hai chị kéo cào lên đổ cả bùn đất, lẫn chắt chắt vào rổ chao nước rửa sạch. Kê chiếc rổ tre lên mạn thuyền, các chị nhặt tiếp những viên sỏi, đá lẫn vào.

Chị Luyến gạt mớ tóc xõa trên trán đẫm mồ hôi rồi nhẩm tính: “Gắng cào đến trưa cũng được đầy một rổ, làm ra bán cũng được vài chục ngàn. Tranh thủ chút nữa rồi nước sông lên thì hai chị em về kẻo con nhỏ đang đợi mẹ ở nhà”.

Chiều muộn, tôi ngồi với Sơn trên bờ, mặt hướng ra sông Gianh. Những tia nắng muộn cuối cùng đã tắt chừng như lâu lắm. Mặt sông bật lên màu tím sẫm với những ngọn sóng nhỏ như đùa giỡn với ngọn gió nồm mơn man lả lướt vào bờ. Quán dân dã chỉ bộ bàn ghế nhựa xếp vội mà đông khách.

Dĩa chắt chắt xào nóng hôi hổi bày ra lên khói nhẹ tỏa mùi ngọt mặn của sông. Mấy cái bánh tráng mè (đa vừng) tròn như trăng rằm mời mọc. Sơn bảo tôi bẻ bánh tráng mè rồi xúc chắt chắt mà ăn. Ôi cái vị giòn bánh gạo quyện cái cay xé cùng vị ngọt đậm đà đầu lưỡi. “Rượu Ba Đồn chính cống đây nhé”, tiếng Sơn như bị chao đi trong men nồng…

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!