| Hotline: 0983.970.780

Chủ tàu 3,5 tỉ vớt từng cái vỏ lon 100-200 đồng trên biển

Thứ Hai 17/10/2022 , 08:40 (GMT+7)

Tôi leo lên tàu của Trần Văn Cường khi anh chạy từ cửa Thuận An (sông Hương, TP Huế) về âu thuyền Phú Hải khi cơn bão Noru đang sầm sập ập đến.

31 tuổi đời gần 20 tuổi nghề

Ngư dân trẻ mới 31 tuổi này đã có gần 20 tuổi nghề, lăn lộn khắp các cửa Gianh (sông Giang, Quảng Bình), cửa Nhật Lệ (sông Nhật Lệ, Quảng Bình), cửa Tùng (sông Bến Hải, Quảng Trị), cửa Việt (sông Thạch Hãn, Quảng Trị), cửa Đại (sông Thu Bồn, Quảng Nam), cửa Sơn Trà (sông Trà Bồng, Quảng Ngãi)… Có hàng trăm con sông như thế mải miết ngày đêm chảy ra biển Đông, cũng là nơi mà hàng ngàn con tàu, cùng hàng vạn ngư dân vươn khơi, buông lưới, bảo vệ từng tấc nước chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Con tàu của Cường ngoài ăm ắp cá tôm dưới khoang, còn ăm ắp… rác ở trên nóc. Đỗ Văn Nô - một người đi bạn kéo tôi lên đó để thấy cơ man nào là vỏ lon, chai nhựa chứa trong những cái túi lưới cỡ lớn. Trong tiếng máy nổ ầm ì, Trần Văn Ngạnh - em ruột của Cường đồng thời cũng là một thuyền viên nói mà nghe như thét: “Nhà em có sáu anh chị em, bốn trai thì ba đã làm nghề đi biển trong đó có anh Trần Văn Cường sinh năm 1991 và em sinh năm 1992…”.

Empty

Trần Văn Cường đang là chủ của con tàu trị gia 3,5 tỉ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con tàu cứ thế rẽ con sóng nhuộm đỏ màu phù sa, đi giữa bạt ngàn bờ bãi những khu nuôi trồng thủy sản với các túp lều canh lúp xúp, những hàng cọc giăng lơ thơ, trải dài tưởng chừng như không bao giờ dứt trên phá Tam Giang. Ở mũi con tàu là hai lá cờ đỏ sao vàng no gió tung bay phần phật.

Về đến âu thuyền Phú Hải, sau khi cùng các thuyền viên ra sức buộc dây neo tàu cho thật chắc, chèn bạt nylon cho các khoang cho thật kín, Cường thả một chiếc thúng xuống biển rồi với cái vợt để làm công việc như thường lệ: vớt những vỏ chai nước, lon bia, bịch nylon đang trôi dạt lập lờ.

Khi mọi việc đã xong xuôi, chúng tôi cứ thế ngồi bệt ngay trên lối đi bằng bê tông ở khu neo đậu mà chuyện trò giữa tiết trời rất lạ trước cơn bão, yên ả, hanh hao nhưng báo hiệu đầy hiểm nguy rập rình.

Cường kể, mọi chuyện bắt đầu thật tự nhiên, thời học cấp ba, được kết nạp vào Đoàn, anh đã tham gia làm vệ sinh cùng chúng bạn. Lúc ra trường, vào Đoàn phường Thuận An, TP Huế anh lại tham gia làm sạch cho môi trường.

Khi bố đóng được con tàu, anh đi làm cùng và nhận thấy trước đây ở gần bờ thôi mà kéo lưới cũng đánh được nhiều tôm cá, nhưng càng về sau này, mỗi mẻ lưới kéo lên, chiếm đến 30-40% là rác thải.

Empty

Anh Đỗ Văn Nô khoe một nóc tàu đầy rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Mình đem rác xả ra ngoài biển, gió lại đẩy trôi rác vào bờ, phải vớt. Cứ luân phiên người vứt rác lại có người dọn rác như vậy khiến tôi nghĩ, tại sao không thu gom rác ở ngay ngoài biển để giảm tác động đến môi trường, giảm lượng rác trôi cho con cá nó thêm sinh sôi, nảy nở? Vứt một vỏ lon, vỏ chai trên biển con cá lúc nhỏ chui vô, khi lớn lên, đâu có ra lại được nên chịu chết ở trong đó luôn.

Từ ý tưởng đó mà năm 2016 tôi bắt đầu thu gom rác thải nhựa về bán làm từ thiện cho các học sinh nghèo vượt khó ở phường Thuận An. Trong nhà ai cũng nói hết, bảo: “Rảnh hỉ? Làm việc bao đồng. Không có việc này thì mi làm việc khác, tự nhiên sao lại đi vớt rác như rứa?”. Tôi mới trả lời rằng: “Con có việc riêng của con, không ai cản được vì con làm theo suy nghĩ của mình”.

Nhiều bà con thấy thế bảo: “Mi làm việc tào lao, lượm chi mấy cái ve chai như rứa? Đối với mi thì thiếu chi tiền? Một cái lon bán có 200đ, để tau cho mi 10.000đ, 20.000đ mà làm từ thiện chứ mần chi mà phải khổ?”.

Tôi trả lời rằng: “Tôi làm việc này là có mục đích, có ý nghĩa riêng chứ không phải là anh cho tôi 10.000đ, 20.000đ để lấy bỏ vô làm từ thiện. Đó là tiền của anh, còn đây là tiền của tôi, mồ hôi công sức của tôi bỏ ra để vớt ve chai và việc làm đó còn tốt cho môi trường nữa. Trái đất này đang nóng dần lên cũng một phần là vì những rác thải nhựa đấy!”.

Empty

Anh Đỗ Văn Nô khoe một nóc tàu đầy rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc đầu những người đi bạn trên tàu vẫn giữ thói quen ăn, uống cái gì là thẳng tay quẳng ngay vỏ lon, vỏ chai xuống biển, phần vì ý thức kém, phần bởi trên tàu chật chội không có chỗ để. Thấy vậy, Cường không thể nào mà làm ngơ được, mới khuyên can: “Anh em ăn uống gì có vỏ cứ vứt ngay trên tàu đi, để đó tí nữa tôi lượm lại, dọn dẹp sạch cho, để rác đó còn bán làm từ thiện chứ đừng quăng xuống biển”.

Năm 2018, Cường dành dụm được gần 1 tỉ, vay thêm bạn bè đóng được con tàu 1018 CV trị giá 3,5 tỉ, lớn thuộc vào loại nhất vùng để làm dịch vụ thu mua hải sản trên biển. Khi có tàu riêng, chuyện vớt rác của anh đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Những thời gian rảnh như buổi trưa, buổi chiều, anh thả trôi tàu, thấy rác nổi lềnh bềnh trên biển là đứng trên boong cầm vợt vớt, nếu thấy rác ở xa thì thả thúng xuống để bơi ra vớt. Lúc tàu cập bờ anh lại tranh thủ lượm lon, lượm rác ngay trên cảng cá hay ở trong các lò nước đá quanh vùng. Làm theo tâm nguyện của mình, dù ai chê cười, nói này nói nọ Cường cũng cứ mặc kệ.

Empty

Trần Văn Cường đang vớt rác trên biển. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trần Văn Cường tâm sự, đời sống của ngư dân bây giờ đang khó khăn bởi giá dầu tăng cao, lúc trước mỗi chuyến đi mất 40 triệu, nay phải 60 triệu, trong khi cá mỗi lúc một ít đi, mà rác lại nhiều. Bởi thế, niềm vui của anh chỉ giản dị là khi những người đi bạn gặp trúng luồng cá, được chủ tàu chia cho nhiều tiền sau mỗi chuyến ra khơi.

Rác, không chỉ đời mình mà đời con cháu sẽ chịu hậu quả

Khi nhận thấy làm một mình dù chăm chỉ đến mấy cũng khó có thể dọn xuể lượng rác nhiều vô kể trên biển, anh lại thuyết phục những người đi bạn trên tàu của mình rằng: “Nếu cứ vứt rác lung tung không chỉ là đời của mấy anh, mà đời của con cháu mấy anh sẽ phải chịu hậu quả, môi trường sẽ càng ngày càng xấu đi, gây ra bao bệnh hoạn cho con người. Mấy anh vứt một cái chai ni, phải 100 năm hắn mới phân hủy; một cái bì nylon ni, phải 50 năm hắn mới phân hủy. Vứt xuống dưới nớ (đó) rồi thì con cá, con tôm dưới biển cũng chết, mình sẽ mất đi quyền lợi về lâu dài. Bởi thế việc vớt rác có rất nhiều ý nghĩa…”.

Sau khi nghe phân tích, những người đi bạn đều đồng lòng làm theo Cường. Không chỉ trên tàu của mình, mỗi khi đi uống cà phê hay đi nhậu anh lại tranh thủ tuyên truyền cho các chủ tàu khác rằng: “Em có làm chương trình đổi rác lấy bóng điện, lấy cờ. Mấy anh em coi thử vớt rác mà tận dụng lại, đừng có vứt xuống biển nữa. Em làm cái ni con của những người đi bạn với mấy anh trên tàu hắn nghèo khổ, sẽ mua quà, mua sách vở mà tặng cho”.

Empty

Trần Văn Cường đang neo tàu để tránh bão Noru. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Mưa dầm thấm lâu”, lần hồi thuyết phục như thế, dần dần cũng có 15-17 chủ tàu trong vùng học tập theo mô hình vớt rác trên biển của Cường, nhiều tàu còn trang bị cả thùng rác - thứ hoàn toàn xa lạ với ngư dân trước đây. Thời gian để gom được đầy một nóc tàu rác vào khoảng 3-4 tháng, mỗi lượt đem bán được khoảng 500.000-600.000đ. Mỗi lần đi chợ, có tiền lẻ Cường thường để vào một con heo đất cất ở ngay trên khoang tàu, để khi nào thành tấm, thành món thì lại đem ra làm quỹ học bổng cho các học sinh nghèo.

Mọi việc từ thiện anh đều ẩn ở phía sau, không muốn lộ diện mà chỉ giao cho Bí thư Đoàn phường trực tiếp tặng quà. Sau đó UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, phường Thuận An xây dựng phong trào “Ngôi nhà xanh trên biển” kêu gọi ngư dân đi biển nhặt các loại rác có thể tái chế để bán, gây quỹ giúp học sinh nghèo thì Cường và những người bạn lại càng thấy có thêm động lực.

Empty

Trần Văn Cường đang cùng neo buộc tàu tránh bão Noru. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Từ hồi tôi phát động vớt rác trên biển tình hình nói chung cũng đỡ, nhưng bớt được bao nhiêu phần trăm thì lại không biết bởi chỉ làm việc theo quán tính mà thôi. Nếu mà lan tỏa được ý nghĩa của công việc này ra cộng đồng thì chuyện vớt rác sẽ có hiệu quả hơn, chứ giờ sau mỗi cơn bão, nhìn lượng rác trôi vào bờ mà thấy ớn.

Việt Nam có hàng vạn ngư dân đang làm nghề đánh bắt hải sản trên biển, chỉ cần mỗi người cùng chung tay vớt rác, hoặc ít nhất là có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi xuống biển thì môi trường sẽ ngày càng sạch hơn, biển sẽ ngày càng có nhiều cá hơn…”.

Sống nương tựa vào biển, Cường thấu hiểu nỗi cơ hàn của những người dân nghèo miền Trung mỗi mùa bão lụt. Không có tiền để mua thuyền, giữa bốn bề toàn là nước ngập đến bụng, đến ngực, họ phải lội ra hay bơi bì bõm ra đón lấy những gói mì tôm, những chai nước uống của các đoàn từ thiện. Anh nhận thấy, rác trên biển phần lớn là các loại vật liệu nhẹ và dễ nổi như xốp, chai nhựa, bình nước… nên có thể thiết kế những cái thuyền chống lụt bằng cách kết dính chúng lại với nhau thành một khối. Mỗi chiếc thuyền chống lụt như thế có thể chở được tải trọng 2-3 tạ, giúp cho người nghèo chủ động trước mỗi mùa mưa bão. Hơn thế nữa, các loại rác nhựa đó còn có độ bền rất cao, có thể dùng được trong nhiều năm liền.

Những tổ đội bám biển

Chuyện vớt rác là thế còn chuyện hình thành tổ đội trên biển, Cường kể: “Từ năm 2013 tôi đã có ý tưởng cứ 3-4 tàu hình thành 1 tổ đội để đi biển, có sự cố gì thì sẽ hỗ trợ nhau. Mỗi khi như thế, chỉ cần liên lạc bằng bộ đàm hoặc icom sẽ có những tàu khác đến cứu, nếu hỏng máy thì lai dắt về. Mới ra biển mấy ngày mà phải lai dắt tàu khác vào bờ là bỏ lỡ một chuyến đi, là thiệt hại về kinh tế nhưng ngư dân tự thỏa thuận với nhau, chỉ lấy chút ít tiền thôi, có khi là biếu đùm cá, vài cân mực cũng xong.

Empty

Những con tàu ở âu thuyền Phú Hải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm nghề đi biển, lắm rủi ro nên anh em mới phải cần đùm bọc lấy nhau. Đã có 6 tổ đội bám biển được hình thành như thế. Các tổ đội còn không ngại ngần khi chia sẻ nhau ngư trường thu mua, đánh bắt để thêm hiệu quả. Ở những ngư trường xa xôi như Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ những lúc phải bám biển dài ngày, nhu yếu phẩm, nước ngọt, đá và dầu không chuẩn bị đủ, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ với nhau…”.

Mỗi chuyến đi thu mua hải sản kéo dài mấy trăm hải lý trên các ngư trường từ Thanh Hóa đến Quảng ngãi mất 3-4 ngày, đôi khi thiếu cá còn ra cả Vịnh Bắc Bộ mất 1 tuần, ra Hoàng Sa mất 15 ngày. Mỗi chuyến đi như vậy, con tàu của Cường chở được 30-40 tấn cá, chỉ khi nào hết đá để ướp mới chịu quay về bờ.

Empty

Nét bình yên ở cuối nguồn sông Hương. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Đôi lúc ra ngoài Hoàng Sa, gặp tàu lạ nó đuổi mình. Nó bắc loa nói cái chi mình đâu có hiểu, rồi nó cầm cờ phất hướng nào thì mình phải chạy theo hướng đó. Mình không chạy là nó sáp vô xịt vòi rồng. Rất sợ nhưng chúng tôi vẫn không từ bỏ ngư trường của mình, vùng biển của mình. Ba đời nhà tôi đã làm nghề biển, nếu không đi biển nữa thì chẳng biết việc chi để làm cả”. Cường trải lòng. Và giữa khơi xa như thế, bao giờ anh cũng tranh thủ “một công đôi việc” là thu mua cá và thu gom rác luôn.

Hiện Trần Văn Cường đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ ngư dân trẻ vươn khơi bám biển của phường Thuận An với gần 30 thành viên. Năm 2019, anh là 1 trong số 34 gương nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của vì đã có sáng kiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu một cách chính đáng. Năm 2020, anh lại vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng cũng của Trung ương Đoàn trao tặng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.