| Hotline: 0983.970.780

Ốc nhồi chết hàng loạt, nghi do ký sinh trùng

Thứ Năm 28/09/2023 , 06:06 (GMT+7)

BẮC KẠN Qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn đánh giá ốc nhồi bị chết tại xã Trung Hòa do chưa có kinh nghiệm nuôi, môi trường không đảm bảo, dẫn tới ốc bị ký sinh trùng.

Từ ngày 10/8, trên địa bàn xã Trung Hòa (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) đã xảy ra hiện tượng ốc nhồi chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Đến ngày 5/9 số diện tích nuôi ốc nhồi bị chết là gần 2,8ha, với tổng số ốc giống thả tại thời điểm tháng 3 đến tháng 4/2023 là gần 300kg, gồm 36 hộ nuôi. Tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi đến ngày 11/9/2023, trên địa bàn xã Trung Hòa tiếp tục xuất hiện ốc chết hàng loạt, diện tích bị thiệt hại tiếp tục tăng.

Ốc nhồi bị chết hàng loạt tại xã Trung Hòa (huyện Ngân Sơn) gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ốc nhồi bị chết hàng loạt tại xã Trung Hòa (huyện Ngân Sơn) gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bài liên quan

Trước tình trạng này, UBND huyện Ngân Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với xã Trung Hòa lấy mẫu ốc chết và mẫu nước tại ruộng một số hộ dân đi xét nghiệm.

Ngày 15/9, huyện Ngân Sơn đã thông báo kết quả phân tích. Theo đó các mẫu ốc chết tại xã Trung Hòa âm tính với Vi khuẩn Aeromonas sp. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm mẫu nước của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên nước và Môi trường (Sở TN-MT tỉnh Bắc Kạn) cũng cho thấy, tất cả các chỉ số chất lượng nước trong giới hạn cho phép theo QCVN (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt). Các mẫu xét nghiệm cũng không phát hiện nước có chứa hàm lượng Xyanua và các chất hóa học độc hại.

Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Ngân Sơn) cho biết đã thông báo kết quả xét nghiệm đến bà con, nhưng người nuôi ốc chưa thực sự yên tâm. Bà con rất mong muốn tìm được nguyên nhân chính xác, cụ thể nhất để có hướng cho những vụ nuôi ốc tiếp theo. Hiện nuôi ốc mang lại thu nhập cao, nếu không tiếp tục nuôi sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế tại địa phương.  

Nuôi ốc nhồi mang lại lợi nhuận cao, song người nuôi cần nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho ốc. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nuôi ốc nhồi mang lại lợi nhuận cao, song người nuôi cần nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho ốc. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bài liên quan

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Do chưa biết nguyên nhân cụ thể dẫn đến ốc bị chết hàng loạt nên huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn và chính quyền xã vận động, tuyên truyền bà con chuyển sang nuôi trồng những loại cây, con khác. Vì chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nên tạm thời không tiếp tục nuôi ốc nhồi ở những khu vực đã xảy ra hiện tượng ốc chết hàng loạt trong thời gian vừa qua.

Tại xã Trung Hòa, vài năm gần đây, nuôi ốc nhồi mang lại thu nhập cao, thả 1kg ốc giống (giá 1 triệu đồng) thu được 2 - 2,5 tạ ốc thương phẩm, giá bán mỗi kg khoảng 70 nghìn đồng. Với 1.000m2 ruộng, người dân thả từ 10 - 12kg ốc giống, sau 100 ngày sẽ cho thu hoạch khoảng trên 2 tấn ốc. Sau khi trừ chi phí giống (khoảng 10 triệu đồng), lợi nhuận đạt trên 140 triệu đồng.

Theo nhiều người nuôi ốc có kinh nghiệm, ốc nuôi hay bị bệnh sưng vòi, biểu hiện là ốc nhồi ít di chuyển hơn so với bình thường, khả năng tiêu thụ thức ăn ít đi nhanh chóng. Sau đó, ốc nổi trên mặt nước, ở giai đoạn này có thể quan sát thấy vòi của ốc bắt đầu bị thâm, sưng (dễ quan sát nhất là chiều tối và sáng sớm). Tiếp đến ốc khép miệng lại nổi trên mặt nước và có dấu hiệu mất thăng bằng, nằm nghiêng trên mặt nước, khi vớt ốc lên có mùi hôi.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh sưng vòi là do môi trường bị ô nhiễm ở diện rộng khiến ốc không thể di chuyển, hay tìm những nơi có môi trường sống phù hợp để né tránh.

Nhiều hộ nuôi ốc thiệt hại hàng trăm triệu đồng trong vụ vừa qua. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nhiều hộ nuôi ốc thiệt hại hàng trăm triệu đồng trong vụ vừa qua. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ngoài ra, ốc nuôi cũng hay bị nhiễm ký sinh trùng, dấu hiệu dễ nhận biết là vỏ ốc bị ăn mòn thành các đường rãnh nhỏ như đường chỉ kim, ăn đục vào bên trong phần thân của ốc. Bên cạnh đó miệng ốc bị ăn mòn làm mỏng miệng (nắp) của ốc. Nguyên nhân là do môi trường nước bị ô nhiễm hoặc mật độ nuôi quá dày khiến cho ốc nhồi không có nhiều không gian để di chuyển, từ đó các loại ký sinh trùng dễ dàng tất công và gây hại cho ốc.

Để xử lý hai bệnh này, người nuôi cần định kỳ dùng vôi để khử trùng nước và ổn định độ pH ao nuôi với lượng từ 1 - 2kg/100m2, mỗi tháng 2 lần. Ngoài ra người nuôi ốc cũng có thể sử dụng các loại thuốc sát khuẩn để khử trùng ao nuôi như Iodine hoặc chế phẩm sinh học làm sạch nước ao nuôi.

Ngày 12/9/2023, UBND huyện Ngân Sơn đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Trung Hòa kiểm tra tình hình ốc nhồi bị chết của 3 hộ dân tại xã Trung Hòa. Qua kiểm tra sơ bộ thấy rằng các hộ này chưa có kinh nghiệm nuôi, chưa tạo môi trường nuôi đảm bảo cho ốc sinh trưởng và phát triển bình thường dẫn tới ốc bị ký sinh trùng và bị bào mòn vỏ ốc, đít ốc. 

UBND huyện Ngân Sơn cũng chỉ đạo xã Trung Hòa triển khai thu gom, chôn lấp ốc đã chết, hướng dẫn nuôi, phòng chống bệnh cho ốc, hướng dẫn người nuôi chuyển đổi phương án sản xuất đối với diện tích nuôi ốc nhồi...

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.