Sau nhiều năm bôn ba, lăn lộn đủ nghề để mưu sinh, anh Nguyễn Văn Hiệp, thôn Đại Lợi, xã Hà Vinh (Hà Trung, Thanh Hóa) đã quyết định trở về quê, ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.
Nhận thấy đồng đất của gia đình trũng, trồng lúa kém hiệu quả, anh đã bàn với bố mẹ chuyển đổi sang đào ao nuôi ốc nhồi.
Anh Hiệp kể: Sở dĩ anh chọn nuôi ốc nhồi vì dễ nuôi, chi phí đầu tư không cao, có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, nhu cầu của thị trường lớn..., trong khi lượng ốc tự nhiên ngoài đồng, ao, hồ ngày càng khan hiếm do biến đổi khí hậu, nguồn nước bị ô nhiễm...
Tuy nhiên, dự định của anh gặp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình vì cho rằng bản thân anh không có chút kiến thức, kinh nghiệm nào về nuôi ốc, nếu làm thì chỉ “mang tiền đổ xuống ao”.
Không nản chí, anh miệt mài tìm hiểu thêm kiến thức nuôi ốc thông qua sách, báo, internet. Nghe nói ở đâu trong huyện, tỉnh có trang trại nuôi ốc hiệu quả là anh lặn lội đến xem, xin học kinh nghiệm. Cuối cùng, sự quyết tâm của anh đã thuyết phục được gia đình.
Năm 2019, anh đầu tư xây dựng 2 ao lớn, thả 2 vạn ốc giống nuôi thử lứa đầu tiên. Sự non nớt về kinh nghiệm ngay lập tức bộc lộ khi ao nuôi không được xử lý kỹ lưỡng, ốc hay bị bệnh, chết nhiều; ấp nở trứng tại ao bị tác động của thời tiết, vật nuôi khác phá hoại nên tỷ lệ thành công rất thấp.
“Lúc lên ý tưởng, học hỏi kinh nghiệm tự tin bao nhiêu thì khi chứng kiến tất cả vốn liếng đầu tư vào ốc đang có nguy cơ mất trắng lại càng hụt hẫng, lo lắng bấy nhiêu. Cứ nghĩ mình đã nắm vững hết kiến thức về nuôi ốc nhưng quả thực những gì mình biết mới chỉ như muối bỏ bể. Vậy là một lần nữa mình lại phải cắp sách đi tìm thầy học tiếp”, anh Hiệp bộc bạch.
Kiên trì học hỏi, rút bài học xương máu ở lứa nuôi đầu, ở các lứa ốc sau, tất cả các khâu trong quá trình nuôi đều được anh thực hiện một cách cẩn thận. 2 ao lớn được anh chia thành 4 ao nhỏ, đồng thời xây dựng hệ thống ao nuôi, bể ương giống, bể sinh sản nổi bằng xi măng để thuận lợi kiểm soát sự ảnh hưởng của thời tiết và xử lý nguồn nước dễ dàng hơn.
Anh Hiệp chia sẻ: Ốc nhồi tuy sống ở dưới bùn nhưng lại ưa sạch, mật độ nuôi dao động từ 70 - 100 con/m2 (cũng có thể nuôi mật độ cao hơn tùy vào kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc của mỗi người). Do đó, ao nuôi phải có hệ thống cấp thoát nước thuận lợi cho việc thay nước thường xuyên, cấp đủ nước khi hạn hán và thoát nước nhanh khi có mưa lớn, ngập, lụt.
Bên cạnh đó, trước khi thả ốc phải hút cạn nước, khử sạch tạp chất, vi khuẩn, không để các thiên địch như cá, cua, ốc bươu vàng... lọt vào ao nuôi. Ngoài ra, nguồn nước phải được xử lý sạch sẽ mới tiến hành đưa vào ao.
Mặt khác, miền Bắc có mùa hè nắng nóng gay gắt, mùa đông lại lạnh kéo dài, nếu nhiệt độ xuống dưới 15 độ C thì ốc bỏ ăn, dưới 10 độ C kéo dài ốc sẽ chết. Do đó, ao nuôi phải được che chắn kỹ lưỡng để hạn chế những tác động tiêu cực của thời tiết.
Thức ăn của ốc nhồi hoàn toàn bằng nguồn tự nhiên, dễ tìm như rau, củ, quả, bèo tấm... nên quanh ao nuôi có thể trồng thêm rau, bầu, bí để vừa có tác dụng che mát vừa tạo nguồn thức ăn cho ốc, giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi phải bảo đảm lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, tránh tình trạng dư thừa gây ô nhiễm nước khiến ốc dễ mắc bệnh, chết.
Cũng theo anh Hiệp, sau khoảng 8 tháng nuôi, ốc nhồi bắt đầu sinh sản, mỗi con ốc mẹ đẻ từ 6 - 7 ổ trứng/năm, trung bình mỗi ổ trứng dao động từ 100 - 150 quả. Sau khi ốc đẻ, trứng ốc cần được gom lại đưa về thùng ấp để giảm thất thoát do các loài vật khác ăn, phá hoại, nhất là chuột. Bên cạnh đó, trong quá trình ấp, thường xuyên quan sát, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp để đảm bảo tỷ lệ nở trứng cao.
Với cách làm như vậy, từ những diện tích ban đầu, hiện anh Hiệp đã mở rộng quy mô trại nuôi ốc lên 5.000m2, mỗi năm xuất bán ra thị trường 2 - 3 tấn ốc thương phẩm và hơn 100 vạn ốc giống.
Với dự định phát triển nghề nuôi ốc nhồi bền vững, ngoài việc bán con giống, anh Hiệp còn hỗ trợ các hộ mới nuôi trong và ngoài xã kiến thức, kinh nghiệm, bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, anh dự định sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi ốc, đẩy mạnh chế biến ốc tươi thành các sản phẩm như giò, chả ốc... hướng tới được cấp các chứng nhận VietGAP, OCOP để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm ốc nhồi địa phương.