Số lượng ốc nhồi bị chết ở xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) ngày càng nhiều khiến thiệt hại tăng, người nuôi ốc sống bất an, lo lắng. Trong khi đó, cơ quan chức năng huyện này đã lấy mẫu nước, mẫu ốc đi kiểm tra xác định nguyên nhân nhưng hiện vẫn chưa thông báo kết quả.
Ngày 5/9, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Ngân Sơn) cho biết, diện tích, số lượng ốc nhồi nuôi tại địa phương bị chết đang gia tăng.
Trước đó, từ ngày 10 - 17/8, 33 hộ nuôi ốc nhồi tại địa phương này đã bị chết hàng loạt, diện tích bị thiệt hại khoảng 2,5ha, số lượng ốc giống đã thả khoảng 240kg (Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 23/8 đã có bài phản ánh).
Những ngày gần đây, ốc tiếp tục bị chết, diện tích thiệt hại đã tăng lên gần 2,8ha (tương đương với lượng ốc giống đã thả gần 300kg). Số liệu này UBND xã Trung Hòa tổng hợp từ các hộ dân cung cấp do không thể thống kê số lượng ốc thịt thương phẩm vì ốc chết đã phân huỷ, một số hộ vớt vỏ lên đổ ở bờ ruộng, bờ ao, bờ suối.
Ốc nhồi bị chết tập trung ở các thôn Bản Phắng, Nà Chúa, Bản Phạc. Tất cả các hộ có ốc bị chết đều dùng chung nguồn nước từ một khe suối. Thời điểm đó, nước lũ về tràn vào ruộng và ao các hộ nuôi ốc, phía thượng nguồn dòng suối có doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản. Cũng tại xã Trung Hòa, những hộ cũng nuôi ốc nhưng dùng nguồn nước từ khe suối khác không xảy ra hiện tượng này.
Năm nay, anh Hà Văn Tập (thôn Nà Chúa) thả hơn 50kg ốc giống, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là được thu hoạch. Sau nhiều năm nuôi ốc, anh Tập cho biết trung bình một kg ốc giống sẽ thu được khoảng 2 tạ ốc thành phẩm, như vậy số lượng ốc thương phẩm bị chết ước tương đương khoảng 10 tấn. Hiện nay ốc nhồi bán được với giá gần 70 nghìn đồng/kg, gia đình thiệt hại trên 600 triệu đồng.
Vụ nuôi ốc năm ngoái, bà Nguyễn Thị Ngà chỉ thả 7kg ốc giống, diện tích ao nuôi khoảng 400m2, trừ chi phí thu lãi hơn 60 triệu đồng. Năm nay, bà Ngà tăng diện tích nuôi, thả hơn chục cân ốc giống. Ốc đang phát triển tốt sắp được thu hoạch bỗng dưng chết hàng loạt, hai ao nuôi ốc của gia đình coi như mất trắng.
“Năm ngoái vẫn dùng nguồn nước này, vẫn nuôi ốc theo quy trình kỹ thuật như vậy nhưng không xảy ra vấn đề gì. Năm nay không hiểu nguyên nhân gì ốc lại chết hàng loạt như vậy”, bà Ngà xót xa.
Hiện tượng ốc bị chết hàng loạt chưa từng xảy ra tại xã Trung Hòa kể từ khi người dân bắt đầu nuôi ốc đến nay.
Người dân các thôn Bản Phắng, Bản Phạc, Nà Chúa (xã Trung Hòa) bắt đầu nuôi ốc nhồi từ năm 2021. Nuôi ốc nhồi xuống ruộng, ao mang lại thu nhập cao, một cân giống mua 1 triệu đồng, khi ốc lớn thương phẩm thu được 2 tạ. Một kg ốc thương phẩm bán được khoảng 70 nghìn đồng.
Những năm gần đây, diện tích nuôi ốc nhồi tại xã Trung Hòa đang mở rộng nhanh vì hiệu quả cao. Tuy nhiên việc ốc chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến người dân vô cùng lo lắng.
Trước thực trạng này, ngày 24/8, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngân Sơn và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ngân Sơn đã lấy mẫu nước tại 3 thôn bị thiệt hại và mẫu ốc tại thôn Nà Chúa đi kiểm tra, xác định nguyên nhân ốc chết.
Tuy nhiên, đến ngày 5/9, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa cho biết, xã chưa nhận được kết quả xét nghiệm các mẫu nước và bệnh phẩm ốc chết nên chưa biết nguyên nhân.
“Nuôi ốc nhồi cho thu nhập cao, đang là hướng phát triển kinh tế giúp người dân xóa nghèo. Vì vậy việc ốc chết hàng loạt ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất tại địa phương. Hiện nay người nuôi ốc rất lo lắng, chán nản, bà con cũng rất mong muốn sớm biết nguyên nhân ốc chết để có giải pháp cho vụ nuôi ốc năm sau cũng như xử lý môi trường như thế nào để đảm bảo an toàn”, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa lo lắng.