| Hotline: 0983.970.780

OCOP ‘giữ lửa’ làng sơn mài Tương Bình Hiệp

Thứ Năm 19/11/2020 , 08:20 (GMT+7)

Trải qua hàng trăm năm, nghệ thuật sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương) vẫn giữ được vốn quý về mĩ thuật, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nét đẹp truyền thống độc đáo

Nằm cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một gần 10 km, làng sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ được xem là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật của tỉnh Bình Dương mà của cả vùng Nam Bộ.

Theo lời kể của người dân địa phương, vào những năm đầu của thế kỷ 18, trong quá trình di dân, các thợ sơn mài từ các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung đã mang theo nghề gia truyền vào miền Nam lập nghiệp, trong đó, Tương Bình Hiệp được xem là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố về địa, linh, nhân, kiệt để làng nghề phát triển. Trải qua hàng trăm năm tuổi, nhiều thế hệ người dân nơi đây vẫn giữ được nét đẹp truyền thống bên trong sản phẩm sơn mài Việt Nam, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á đông.

Các nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện sản phẩm sơn mài tại cơ sở sản xuất của bà Lê Mộng Thắm. Ảnh: Tr.Huy.

Các nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện sản phẩm sơn mài tại cơ sở sản xuất của bà Lê Mộng Thắm. Ảnh: Tr.Huy.

Để được “mục sở thị” từng công đoạn của nghề truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam, chúng tôi đến thăm gia đình bà Lê Mộng Thắm, một trong những gia đình gắn bó lâu đời nhất với nghề sơn mài tại địa phương.

Bà Thắm cho biết, để sản xuất ra một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh phải qua một quy trình với 25 công đoạn. Theo đó, trước hết nghệ nhân phải chọn chất liệu cốt nền từ các vật liệu tre, gỗ, gốm và sứ… tiếp đến là phác thảo bố cục, tùy vào thị hiếu của người tiêu dùng có thể là bức tranh về làng quê, con người hay động thực vật… Sau đó các nghệ nhân sẽ lên vóc, thông thường nguyên liệu để lên vóc là vỏ trứng, ốc, sò…

Các nghệ nhân thực hiện các công đoạn phác thảo và cẩn vật liệu vào sản phẩm sơn mài. Ảnh: Tr.Huy.

Các nghệ nhân thực hiện các công đoạn phác thảo và cẩn vật liệu vào sản phẩm sơn mài. Ảnh: Tr.Huy.

Song song đó là quá trình phun sơn và mài sản phẩm, quá trình này được thực hiện lặp đi lặp lại 7 lần đến khi nào bề mặt sản phẩm đạt được sáng mịn và bóng loáng như gương thể hiện sắc nét các họa tiết được in hoặc vẽ trên đó là thành công.

“Để tạo nên giá trị của tác phẩm, mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. Trong từng thao tác đều cần đến sự chính xác gần như tuyệt đối. “Để bảo đảm độ phẳng, bóng láng, nghệ nhân phải gia công rất kĩ lưỡng từng công đoạn và trung bình mỗi sản phẩm phải mất khoảng 3 tới 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng”, bà Thắm  tiết lộ.

Công đoạn mài sản phẩm là một trong những công đoạn tối quan trọng giúp sản phẩm toát lên chất mỹ thuật. Ảnh: Tr.Huy.

Công đoạn mài sản phẩm là một trong những công đoạn tối quan trọng giúp sản phẩm toát lên chất mỹ thuật. Ảnh: Tr.Huy.

Theo bà Thắm, hiện nay, trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sản phẩm sơn mài truyền thống của địa phương cũng đối mặt với nhiều thách thức do thị hiếu thị trường cũng như ngày còn có nhiều loại sản phẩm cạnh tranh với sơn mài như tranh, ảnh 4D….

Để hòa nhập với cơ chế thị trường, dựa trên nền tảng sơn mài truyền thống, làng nghề không ngừng cải tiến trang thiết bị sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm để phục vụ mọi tầng lớp nhân dân. Từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp… Thông qua nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… kết hợp trên nhiều chất liệu khác như nhựa,gỗ, gốm, tre…

Để tạo nên một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh:Tr.Huy.

Để tạo nên một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh:Tr.Huy.

“Có thể nói Tương Bình Hiệp là vùng đất duy nhất cả nước chứa đựng đầy đủ 3 loại hình của sơn mài truyền thống, đó là: sơn mài trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài. Thông qua các đặc điểm nghệ thuật và kĩ thuật làm sơn mài, các nghệ nhân, họa sĩ đã khéo kết hợp giữa truyền thống và cách tân để tạo nên một địa danh nghệ thuật, một thương hiệu nổi tiếng, đó là sơn mài Bình Dương”, bà Thắm cho biết thêm.

Để làng nghề “cất cánh”

Đến thăm làng sản xuất sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp trong những ngày làng nghề vừa được đón nhận niềm vui kép, Theo đó, tỉnh Bình Dương vừa chọn sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh trong chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đồng thời công bố đề án đầu tư 105 tỉ đồng để bảo tồn và phát triển làng nghề, chúng tôi cảm nhận rõ được không khí vui mừng phấn khởi hăng say thi đua lao động sản xuất của người dân nơi đây.

Ông Lê Bá Linh chiêm ngưỡng các sản phẩm sơn mài do các nghệ nhân của làng nghề tạo ra. Ảnh: Tr.Trung

Ông Lê Bá Linh chiêm ngưỡng các sản phẩm sơn mài do các nghệ nhân của làng nghề tạo ra. Ảnh: Tr.Trung

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc tỉnh Bình Dương cho biết, để hỗ trợ làng nghề phát triển, tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai nhiều cơ chế chính sách dành cho làng nghề, đơn cử như dự án phát triển du lịch liên kết với làng sơn mài, xây dựng nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất bảo đảm môi trường…

Đặc biệt, bên cạnh đề án đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề 105 tỷ đồng, việc tỉnh chọn sơn mài là sản phẩm chủ lực thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP sẽ “phục hưng” làng thủ công mỹ nghệ vốn từng vang danh trong và ngoài nước.

Ông Linh mong muốn, trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, địa phương cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp, chủ cơ sở sơn mài nắm bắt thực hiện. “Chương trình OCOP được thực hiện sẽ là làn gió mới  góp phần tích cực cho sự phát triển làng nghề vừa theo xu hướng mới, vừa bảo tồn để bắt kịp nhu cầu mới của khách hàng, của thị trường”, ông Linh chia sẻ.

Một trong những sản phẩm sơn mài truyền thống tiêu biểu của làng nghề. Ảnh: Tr.Trung

Một trong những sản phẩm sơn mài truyền thống tiêu biểu của làng nghề. Ảnh: Tr.Trung

Ông Văn Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, thành viên ban chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP tỉnh Bình Dương cho biết, chủ trương của tỉnh là phải bảo tồn để giữ gìn những giá trị truyền thống. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ linh hoạt vận dụng các cơ chế chính sách nhằm tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, đầu tư lại các cơ sở vật chất bảo tồn, bảo tàng của tỉnh gắn kết với bảo tồn dân gian ở các địa phương đang lưu giữ cần phải phát huy, trong đó có làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp.

Thăm dò ý kiến: Theo bạn sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đạt tiêu chuẩn nào?

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.