| Hotline: 0983.970.780

OCOP như một 'làn gió mới' về Bình Dương

Thứ Hai 02/11/2020 , 08:54 (GMT+7)

Chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ là “làn gió mới” góp phần đưa ngành nông nghiệp Bình Dương cất cánh.

Trả lại thương hiệu “bưởi đường lá cam”

Nhắc tới bưởi đường lá cam người ta nghĩ ngay đến Tân Triều (Đồng Nai). Thế nhưng, từ lâu, Bình Dương cũng là thủ phủ loại cây này, mặc dù đã có tiếng nhưng nhìn chung đầu ra của sản phẩm còn phụ thuộc phần nhiều vào thương lái. Với việc bưởi được chọn làm sản phẩm OCOP, bà con nông dân nơi đây kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho người trồng bưởi.

Ông Đào Văn Minh phấn khởi khi bưởi địa phương được đưa vào chương trình mỗi sản một sản phẩm Ocop. Ảnh: Trần Trung.

Ông Đào Văn Minh phấn khởi khi bưởi địa phương được đưa vào chương trình mỗi sản một sản phẩm Ocop. Ảnh: Trần Trung.

Đang chăm bẵm vườn bưởi đường lá cam của gia đình, ông Đào Văn Minh (60 tuổi), xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên) cho biết, gia đình ông có 4 đời sống ở vùng đất này. Ông cũng không biết cây bưởi có từ lúc nào, chỉ nghe qua lời kể của ông ngoại rằng vào những năm đầu thế kỷ 19, thấy đất đai ở đây khá màu mỡ do phù sa của dòng sông Đồng Nai bồi đắp, từ đó, dân tứ xứ đổ về khai hoang, lập nghiệp và đưa nhiều giống cây ăn quả về đây trồng. Thế nhưng chỉ có cây bưởi tồn tại đến ngày hôm nay. Những năm gần đây bưởi liên tục được mùa, được giá, nhiều gia đình đã khấm khá nhờ bưởi.

Còn tại xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên), hòa cùng bưởi da xanh của Bến Tre, bưởi năm roi của Vĩnh Long, bưởi đường lá cam tại Bạch Đằng cũng đã khẳng định được thương hiệu bởi gần 400 ha bưởi nơi đây được trồng theo mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân mà còn là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng sạch và an toàn của vùng đất Bình Dương.

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc  HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát  huyện Bắc Tân Uyên cho hay, bưởi đường lá cam ở vùng đất này rất đặc biệt, tuy có trái rất nhỏ, mỗi quả trung bình 1 kg nhưng được tiếng là thơm ngon bởi vỏ mỏng, nhiều nước, vị ngọt có hậu chua nhẹ và thơm không nơi nào có được.

Ông Trịnh Minh Thành (trái), Giám đốc  HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát  tham quan vườn bưởi của xã viên HTX. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trịnh Minh Thành (trái), Giám đốc  HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát  tham quan vườn bưởi của xã viên HTX. Ảnh: Trần Trung.

Ông Thành tiết lộ, trước đây, đa số bà con canh tác theo hướng tự phát, lợi dụng thuốc BVTV nên giá bán không được cao. Qua nhiều năm, bà con đã rút ra được kinh nghiệm, áp dụng KHKT vào chăm sóc bưởi theo hướng hữu cơ sạch nên sản phẩm làm ra được thương lái săn đón, giá lại ổn định. Tuy nhiên, để thuận lợi xuất bán bưởi, một số người dân địa phương có lúc phải gắn mác bưởi của nơi khác, đây là điều trăn trở của bà con. “Chúng tôi kỳ vọng Chương trình OCOP sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho HTX và người dân địa phương trong việc quảng bá thương hiệu, nhất là cơ hội để tiếp cận thêm nhiều đầu ra và mở rộng thị trường.

“Ngoài việc hướng đến sản xuất hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, các thành viên trong HTX sẽ cùng nông dân tiếp tục nỗ lực đưa trái bưởi sạch của Bình Dương đi xa hơn bằng mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững và hướng đến vùng quy hoạch chuyên canh đặc sản bưởi đường lá cam”, ông Thành chia sẻ.

OCOP là hướng đi tất yếu

UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1166/QĐ- UBND ngày 29/4/2020 về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Theo đó, qua kết quả thống kê, toàn tỉnh có 4 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 30 sản phẩm tiềm năng 3 sao, 75 sản phẩm tiềm năng 1 - 2 sao. Để thực hiện chương trình, tỉnh Bình Dương cũng đã phê duyệt tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình của tỉnh trong giai đoạn 2020 – 2025 là 68 tỷ đồng trong đó, vốn huy động 28 tỷ đồng.

Ông Văn Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, cho biết: Tỉnh xác định “Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP” là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn của địa phương.

OCop là một hướng đi tất yếu. Ảnh: Trần Trung.

OCop là một hướng đi tất yếu. Ảnh: Trần Trung.

Với mục tiêu trong năm 2020, địa phương có ít nhất 30 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên, được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Qua quá trình triển khai đồng bộ, quyết liệt, đến thời điểm hiện tại huyện Bến Cát đã hoàn tất công tác đánh giá sản phẩm lần 1, huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên đang hoàn tất thủ tục, dự kiến trong tháng 11/2020 cả 3 địa phương này hoàn tất công tác đánh giá lần 2.

“Lợi thế của Bình Dương khi triển khai chương trình OCOP là phần lớn các sản phẩm chủ lực đã được các địa phương xúc tiến đăng ký các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Việc triển khai thực hiện tốt chương trình OCOP là một hướng đi tất yếu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tỉnh nhà theo hướng bền vững”, ông Hậu nói.

Thăm dò ý kiến: Theo bạn, sản phẩm bưởi Tân Triều đạt được mấy sao?

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất