| Hotline: 0983.970.780

Ông Đoàn Văn Vươn bán được vịt biển giá gấp 3 thị trường

Thứ Ba 18/07/2023 , 06:13 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Từng 'nổi tiếng bất đắc dĩ' và đã phải trả giá, hiện ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng đang thành công với mô hình nuôi vịt biển với giá bán gấp 3 thị trường.

Ông Đoàn Văn Vươn nuôi vịt biển tại khu đầm nước lợ rộng mênh mông tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Đoàn Văn Vươn nuôi vịt biển tại khu đầm nước lợ rộng mênh mông tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Ảnh: Quang Dũng.

Từ 100 con vịt biển giống được tặng...

Tôi gặp ông Đoàn Văn Vươn, nhân vật nổi tiếng bất đắc dĩ năm nào ở Tiên Lãng (Hải Phòng) để tìm hiểu vì sao ông bán vịt với giá gấp 3 vịt thông thường. Sau những giây phút ỳ ạch vượt qua các cung đường đê, bờ ao, tôi đã đến được khu nuôi trồng thủy sản và nuôi vịt của gia đình ông.

Dù chưa gặp bao giờ nhưng qua điện thoại một vài lần, ông Vươn tỏ ra khá hào sảng, thiện chí: “Chú qua đi, xe vào thoải mái, hôm nay tôi tiếp chú cả ngày được”.

Gặp tôi, ông Vươn cười tươi, đon đả mời khách vào nhà. Ấn tượng đầu tiên, ông Vươn không giống như một lão nông như một số hình ảnh trên mạng, ông ăn mặc sạch sẽ, chải chuốt, có nét giống doanh nhân hơn là lão nông.

Sau một hồi trò chuyện trên trời dưới đất, khi câu chuyện đã “ngấm” ông Đoàn Văn Vươn bắt đầu trải lòng về cuộc đời, sự nghiệp, việc nuôi vịt biển, lấn biển, trồng rừng ngập mặn… thậm chí là cả những câu chuyện đáng để quên đi.

Thì ra ông Vươn từng theo học chuyên ngành chăn nuôi năm 1992 nên ông vốn đã tìm hiểu những giống vịt phù hợp với vùng nước mặn, lợ nơi gia đình ông đang sinh sống. Sau sự cố năm 2012, ngày 31/8/2015, anh, em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý được trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục với nghiệp nhà nông.

Vịt biển được nuôi theo phương pháp riêng của ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Đinh Mười.

Vịt biển được nuôi theo phương pháp riêng của ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Đinh Mười.

Qua giới thiệu, ông Đoàn Văn Vươn được anh Nguyễn Việt Hồng tặng 100 con vịt biển (Vịt biển 15 - Đại Xuyên) do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) nghiên cứu, chuyển giao cùng một cuốn sách hướng dẫn quy trình nuôi.

Anh Nguyễn Việt Hồng lúc đó là một cán bộ ngân hàng nhưng đam mê thực phẩm sạch. Thời điểm đó anh Hồng đang thu hút vốn để thiên nhiên hóa các vật loại vật nuôi. Vậy là anh đi dọc ven biển tìm hiểu để hỗ trợ người dân con giống rồi hướng dẫn quy trình nuôi, phát triển con vịt biển

Sau khi nhận được 100 con vịt biển giống từ anh Nguyễn Việt Hồng tặng, ông Vươn cho ăn và chăm sóc theo quy trình hướng dẫn nhưng được tuần lễ đàn vịt có biểu hiện xù lông và ốm.

Do đã có kinh nghiệm nuôi vịt cỏ nhiều năm, nhận thấy quy trình có chỗ chưa phù hợp với điều kiện đặc thù tại địa phương, ông Vươn liên hệ anh Nguyễn Việt Hồng và đề nghị được tự nuôi theo phương pháp truyền thống, cốt sao vẫn lấy tiêu chí là tự nhiên, sạch, đảm bảo chất lượng, dư lượng.

Ông Đoàn Văn Vươn cho biết, vịt biển nuôi theo quy trình của ông có khối lượng to, thịt thơm ngon đặc biệt. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đoàn Văn Vươn cho biết, vịt biển nuôi theo quy trình của ông có khối lượng to, thịt thơm ngon đặc biệt. Ảnh: Đinh Mười.

“Lúc đó, tôi pha trộn cám và đạm hữu cơ, bổ sung thêm tôm cá, men sinh học. Sau đó, vịt biển trở lại bình thường và thành công. Khi mọi thứ đã ổn, tôi quyết định tăng đàn lên 1.000 con”, ông Vươn nhớ lại.

Ông Vươn chia sẻ, sở dĩ quyết định chọn vịt biển vì nó thích nghi với điều kiện tự nhiên khu vực đầm của gia đình, nơi có nguồn nước thường xuyên biến động bởi mặn. Qua thời gian nuôi thực tế, giống vịt biển thích nghi rất tốt với môi trường khắc nghiệt, có sức chống chịu bệnh tật, tăng trưởng nhanh, cho phép đáp ứng được quy trình chăn nuôi sạch, đảm bảo sản phẩm thịt ngon, trứng thơm.

Môi trường luôn sạch sẽ, kết hợp nuôi sen thủy hải sản sau nhiều năm, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, khách hàng trên nhiều tỉnh thành yêu mến, đặc biệt là các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội…và rất nhiều các thương lái đặt hàng…

Vịt biển Đoàn Văn Vươn (thương hiệu của ông Vươn) đã có mặt và khá nổi tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Để bảo vệ uy tín, thương hiệu, ông Đoàn Văn Vươn quyết định chỉ bán vịt cho hệ thống nhà hàng độc quyền.

Dù bán đắt nhưng vẫn thường xuyên cháy hàng. Ảnh: Quang Dũng.

Dù bán đắt nhưng vẫn thường xuyên cháy hàng. Ảnh: Quang Dũng.

...Đến bán vịt theo con đắt hàng

Với cách nuôi và nguồn thức ăn của riêng mình, chỉ nuôi 2 tháng, vịt biển đã lớn đã đạt 2kg có thể xuất chuồng. Nhưng ông Vươn cho biết, lúc này do vịt còn non, lượng mỡ nhiều nên tiêu thụ khó, cần tiếp tục nuôi và tìm cách điều chỉnh lượng mỡ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Vịt được 90 ngày tuổi, ông Vươn cẩn thận chọn những con vịt đầu đàn nặng 2kg, đem lên Hà Nội nhờ những người bạn đã giới thiệu giống vịt cho mình thẩm định đánh giá chất lượng thịt.

Những người bạn của ông Vươn đã tìm những chuyên gia tốt nhất để thẩm định, đánh giá và đưa ra những lời khuyên xác đáng, câu nói khiến ông buồn phiền nhất lúc đó là “vịt còn nhiều mỡ, cần điều chỉnh tỷ lệ mỡ của vịt để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”.

Vịt biển phải cho ăn nhiều và thông thường lắm mỡ, làm thế nào để vịt lớn đúng độ tuổi và ít mỡ. Câu hỏi này khiến ông Vươn mất ăn mất ngủ nhiều đêm và tìm tòi khắp nơi để xây dựng quy trình chăm sóc vịt bài bản, từ khâu tuyển chọn con giống, phòng dịch, vệ sinh môi trường và sau đó ông đã thành công.

Hỗn hợp thức ăn đã giúp vịt biển phát triển tốt với trọng lượng trung bình 2,5 - 2,8 kg/con, được bán với giá 280.000 đồng/con. Từ thành công ban đầu, ông Vươn tiếp tục nhân giống và đàn vịt biển tăng chóng mặt, có lúc lên đến hàng nghìn con nhưng vẫn cháy hàng.

“Do chi phí đội lên rất cao nên tôi bán ra thị trường trung bình cứ 280.000 đồng/con tại Hải Phòng và các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội,… Nhiều người chưa biết cứ nói tôi bán vịt đắt nhưng thực tế nếu dùng rồi sẽ không chê nữa”, ông Vươn trải lòng.

“Tôi nuôi gối, trung bình lúc nào trong đàn cũng có khoảng 2.000 con, năm khoảng vạn con. Vịt biển có khả năng chịu được môi trường khắc nghiệt và chịu được độ mặn, phàm ăn, dễ nuôi”, ông Vươn chia sẻ.

Nguồn thức ăn độc đáo chính là bí quyết thành công của ông Vươn. Ảnh: Đinh Mười.

Nguồn thức ăn độc đáo chính là bí quyết thành công của ông Vươn. Ảnh: Đinh Mười.

Theo tiết lộ của ông Vươn, phương pháp nuôi vịt biển của ông khác với các trang trại, ông tự làm ra thức ăn, nuôi bằng dinh dưỡng sạch, có nguồn gốc tự nhiên, đạt tiêu chuẩn hữu cơ và không dùng chất độc hại.

Vịt biển phù hợp với vùng nước lợ, có thể nuôi liên tục, sức chụi đựng của vịt này hơn vịt bình thường khác về thời tiết, dịch bệnh, trọng lượng khá to, từ 2,5kg trở lên.

Dịch bệnh có một số bệnh thông thường, phải tiêm vacxin phòng bệnh và theo dõi diễn biến các loại bệnh mới. Quy trình nuôi nghiêm ngặt, chuồng trại phải khử trùng tiêu độc, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Với vịt con, úm là giai đoạn quan trọng, phải đủ ấm, dinh dưỡng sẽ đảm bảo.

“Tôi nhập giống từ Viện Chăn nuôi, tỷ lệ hao cũng thấp, khi làm được các yếu tố vacxin phòng dịch không đáng lo ngại. Ở Hải Phòng có nhiều người nuôi nhưng vướng ở chỗ không làm ra được thức ăn, không đảm bảo dinh dưỡng cho vịt biển”, ông Vươn chia sẻ.

Vịt biển được ông Vươn nuôi với thời gian khá dài, thường phải từ 3 tháng trở lên. Nếu với vịt cánh trắng chỉ 45 - 50 ngày là có thể xuất chuồng, vịt biển ít nhất phải 70 ngày, muốn thịt ngon 90 ngày. Do đó chi phí đội lên rất cao.

Ông Đoàn Văn Vươn đã làm lại cuộc đời từ đàn vịt 100 con. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Đoàn Văn Vươn đã làm lại cuộc đời từ đàn vịt 100 con. Ảnh: Quang Dũng.

Cũng theo ông Vươn, vịt biển rất kén khách, những năm qua dịch Covid-19 gần như lỗ, ở Hải Phòng trước có mua nhiều nhưng giờ chủ yếu nhập ở Thái Bình do gia đình ông không có hàng thường xuyên.

Nuôi thủy sản tốt hơn, hiệu quả cao hơn nuôi vịt nhưng không ổn định, có năm được có năm mất, nhiều khi thả xuống không chắc chắn là sẽ được hay không.

“Trừ hết chi phí thì lãi khoảng 50.000 đồng/con. Nhiều chi phí, không phải bán một lúc hết luôn trong khi đó thời gian nuôi rất dài. Khách hàng thường kêu trời khi nói đến giá nhưng khi ăn rồi mới biết nó xứng đáng”, ông Vươn bộc bạch.

Dù thương hiệu đã có, chất lượng đã được khẳng định, chính quyền địa phương tạo điều điều kiện nhưng các thủ tục để công nhận vịt biển trở thành sản phẩm OCOP ông Vươn cho biết đang gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc do liên quan đến quy hoạch sân bay Tiên Lãng.

“Quy hoạch sân bay Tiên Lãng có từ năm 2010, với tổng diện tích trên 40 ha, chưa biết bao giờ xây. Chúng tôi làm kinh tế ở đây đang bị kẹt do quy hoạch, muốn làm OCOP lắm nhưng đành chịu chú ạ”, ông Đoàn Văn Vươn chia sẻ.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.