Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng từ ngày 28/8 để điều tra về tội về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo quy định tại điều 337 Bộ luật Hình sự.
Trước khi bị bắt, dư luận từng có nhiều đồn đoán về sức khỏe Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Trong một lần chia sẻ, ông Nguyễn Đức Chung cho biết: Từ năm 2015 bản thân ông phát hiện polyp áp sát trực tràng và sang Pháp để phẫu thuật. Sau đó ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục phát hiện trong phổi có nốt và tiếp tục phải mổ, tuy nhiên thời điểm đó các giáo sư ở Pháp cho biết chỉ số ung thư phổi của một người bệnh là từ 2.5 trở lên, còn chỉ số của ông Nguyễn Đức Chung chỉ mới 1.18.
Liên quan đến những dấu hiệu vi phạm của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ngày 11/8, Bộ Chính trị đã quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và tạm đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Công an, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên quan đến 3 vụ án.
Đối với vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, ngoài ông Nguyễn Đức Chung, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam đối 3 bị can, trong đó có 2 bị can công tác tại UBND Thành phố Hà Nội và là những người giúp việc thân cận của ông Nguyễn Đức Chung.
Những tài liệu bị lấy cắp liên quan đến việc điều tra vụ án thứ hai liên quan ông Nguyễn Đức Chung là Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, hàng loạt quan chức, cựu quan chức ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đã bị bị bắt như ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội; bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Tiến Học, cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư...
Đối với vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội.
Theo thông tin ban đầu, ông Võ Tiến Hùng có hành vi vi phạm liên quan đến việc Công ty TNHHH Một thành viên thoát nước Hà Nội mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Vụ mua bán chế phẩm Redoxy-3C từng gây nghi vấn trong dư luận về những dấu hiệu bất minh, đặc biệt là nghi vấn về vấn đề chỉ định thầu hay đấu thầu.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Luật sư Trịnh Anh Dũng, Trưởng Văn phòng luật sư Trịnh cho biết: Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp bị can đang trong quá trình điều tra xin tại ngoại điều trị bệnh trước hết cần phải giám định bệnh tật. Nếu trường hợp bị can bị mắc bệnh hiểm nghèo có thể sẽ tính đến phương án đình chỉ điều tra.
“Đối với nguyện vọng của ông Nguyễn Đức Chung và gia đình, các cơ quan tố tụng có thể sẽ xem xét, giám định sức khỏe và điều kiện điều trị, quyết định cho tại ngoại hay không là căn cứ theo nhu cầu tố tụng”, luật sư Trịnh Anh Dũng nói.
Mới đây, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương cũng được cho là bị ung thư tiền liệt tuyến, được cơ quan điều tra đề nghị giảm nhẹ tội trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Bộ Công thương và Thành phố Hồ Chí Minh.