Tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo Nga được loan đi sau khi ông Putin tiếp tục cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang tái diễn khi dòng chảy ngũ cốc “không đến đúng địa chỉ”.
“Moscow đã làm mọi cách để đảm bảo Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc của mình, tuy nhiên các vấn đề trên thị trường lương thực toàn cầu đang dường như chệch hướng và nguy cơ một thảm họa nhân đạo đang rình rập”, ông Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga đã ký thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine vào tháng 7 vừa qua, do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc làm trung gian, vì hiểu rằng nó sẽ giúp làm hạ nhiệt giá lương thực đang tăng cao ở các nước đang phát triển. Nhưng thay vào đó, các quốc gia phương Tây giàu có đang lợi dụng thỏa thuận này.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok hôm thứ Tư, ông Putin cho rằng: “Nếu chúng ta loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ là nước trung gian, thì hầu như tất cả nguồn ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine không được chuyển đến những nơi cần đến là các nước nghèo nhất đang khủng hoảng lương thực mà lại đến các nước thuộc Liên minh châu Âu”.
Theo ông Putin, chỉ có hai trong số 87 tàu hàng chở 60.000 tấn sản phẩm đến các nước nghèo, đồng thời cáo buộc phương Tây đang hành động như các quốc gia thuộc địa. "Một lần nữa, các nước đang phát triển đã bị lừa gạt và tiếp tục bị lừa dối. Rõ ràng là với cách tiếp cận này, vấn đề lương thực thế giới sẽ chỉ phức tạp thêm ... có thể dẫn đến một thảm họa nhân đạo chưa từng có", ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết, ông sẽ xem xét lại việc "hạn chế các điểm đến xuất khẩu ngũ cốc và thực phẩm khác" và sẽ thảo luận ý tưởng này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người đã giúp môi giới bản thỏa thuận hồi tháng Bảy để mở nút thắt xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng phía nam của Ukraine.
Cùng diễn biến, một số quan chức hàng đầu của Nga, bao gồm Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng cho rằng, Moscow không hài lòng với các điều khoản của bản thỏa thuận và rằng phương Tây không thực hiện nghĩa vụ của mình.
Giới chức Nga cũng nhắc lại cam kết dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt hậu cần làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu nông sản và phân bón của Moscow, để đổi lại việc nới lỏng phong tỏa quân sự đối với các cảng phía nam của Ukraine nhằm khơi thông dòng chảy hàng hóa của Nga. Tuy nhiên ông Lavrov cho biết, ông không thấy phương Tây có bất kỳ biện pháp nào để xoa dịu tình hình.
Kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine vào ngày 24/2, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế với Moscow và cá nhân Tổng thống Putin. Mới đây nhất, vào ngày 2/9, khối các nước G7 đã nhất trí về bản kế hoạch ấn định mức giá trần đối với dầu mỏ Nga. Động thái này nhằm gây áp lực kinh tế lên Moscow nhằm phản đối cuộc chiến ở Ukraine.
Ukraine được ví là “ổ bánh mì” của châu Âu, đồng thời là nước xuất khẩu lớn lúa mì, dầu hướng dương và ngô khi cung cấp khoảng 10% lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu, 15% lượng ngô và gần một nửa lượng dầu hướng dương ra thế giới. Tuy nhiên kể từ khi nổ ra xung đột, đặc biệt là việc Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen đã khiến cho hoạt động xuất khẩu của nước này trở nên khó khăn. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không được tháo gỡ sớm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực và giá cả tăng chóng mặt ở nhiều quốc gia và có thể đẩy hàng chục triệu người rơi vào cảnh thiếu đói.