Trong cuộc phỏng vấn với đài RSI của Thụy Sĩ được phát sóng hôm 9/3, Giáo hoàng Francis được hỏi về quan điểm của ông về tranh cãi liệu Ukraine có nên bỏ cuộc và chấp nhận đàm phán để kết thúc cuộc xung đột hay không. Người dẫn chương trình Lorenzo Buccella đã sử dụng cụm từ "giương cờ trắng" khi đặt câu hỏi.
"Điều đó là đúng theo cách diễn giải nào đó. Nhưng tôi nghĩ rằng bên mạnh mẽ nhất là bên biết đánh giá tình hình, nghĩ cho người dân, dũng cảm giương cờ trắng và sẵn sàng đàm phán", Giáo hoàng giải thích.
"Khi bạn nhận thấy rằng mình đã thua trận và mọi thứ không diễn ra suôn sẻ, bạn phải có dũng khí để đàm phán. Bạn có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng cuối cùng sẽ có bao nhiêu người phải chết? Hãy đàm phán kịp thời và tìm quốc gia làm trung gian hòa giải", Giáo hoàng Francis nói.
Giáo hoàng cũng cho biết nhiều quốc gia sẵn sàng đứng ra hỗ trợ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua giữa Nga và Ukraine.
Phát ngôn của Giáo hoàng Francis được công bố trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 8/3 đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình giữa Moscow và Kiev.
Ukraine khẳng định sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu Moscow chấp nhận các yêu cầu từ phía Kiev, trong đó có việc phải trả lại các vùng lãnh thổ đã sáp nhập và rút quân vô điều kiện. Trong khi đó, các đồng minh phương Tây tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine "chừng nào nước này còn cần".
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev rơi vào bế tắc từ đầu năm 2022, khi cả hai bên cáo buộc lẫn nhau đưa ra những yêu cầu không thực tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga trong các cuộc đàm phán ở Istanbul hồi tháng 3/2022, nhưng sau đó đột ngột rút khỏi thỏa thuận.
Hồi đầu tháng 2/2024, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nếu Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán, Kiev sẽ phải chấp nhận "thực tế mới", trong đó phải chấp nhận việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ cũ của Ukraine, gồm Zaporozhye, Kherson, Donetsk và Lugansk, vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2022.