| Hotline: 0983.970.780

Ông Tổng giám đốc& dự án rau sạch rộng bằng một... huyện

Thứ Sáu 12/02/2010 , 09:06 (GMT+7)

Ông Tổng giám đốc comple, giầy da xịn, cưỡi trên chiếc xe Lexus 460 nhưng lại lội ruộng phăm phăm, bốc những tảng đất vừa cày lật, vê vê, hít hít rồi xuýt xoa rằng: “Đất mịn, đẹp quá” thực sự ấn tượng với tôi...

I. Ông Tổng giám đốc comple, giầy da xịn, cưỡi trên chiếc xe Lexus 460- xe từng được giải tốt nhất thế giới của năm nhưng lại lội ruộng phăm phăm, bốc những tảng đất vừa cày lật, vê vê, hít hít rồi xuýt xoa rằng: “Đất mịn, đẹp quá” thực sự ấn tượng với tôi. Ông nguyên Chủ nhiệm HTX Nam Sơn 4 năm, 3 năm trưởng phòng nông nghiệp huyện rồi do kinh tế eo hẹp quá, rẽ ngang sang ngành xây dựng.

Đùng cái, ông lại làm xôn xao dư luận với đại dự án quy mô 2.000 ha đất trên địa bàn 3 huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỉ để trồng rau. Đến nay, doanh nghiệp Sơn Trường đã ký xong hợp đồng với 5.431 hộ dân của 6 xã gồm An Tiến, Cổ Am (huyện An Lão); Vĩnh Tiến, Tam Đa, Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) và xã Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng) thuê diện tích 454,1 ha đất. Tôi hỏi, người ta đua nhau chạy trốn khỏi nông nghiệp, ông đã chạy trốn và rất thành công, giờ sao quay lại với chân lấm, tay bùn? Ông cười: “Sắp 60 tuổi đáng lẽ tớ nghỉ hưu để cho con cháu tiếp quản công việc nhưng lại nghĩ phải để lại một cái gì cho nông nghiệp- nghề mà khi xưa mình gắn bó”.

Lúc đầu ông Thắng mất hàng trăm buổi đi lại vận động cho “đại dự án”. Giờ mọi thứ đã vào guồng quay. Ông còn thuê 6 kỹ sư nông nghiệp trực tiếp đốc thúc công việc. Công ty Sơn Trường tổ chức sản xuất kiểu liên minh nông trang với nông dân ở các xã trong đó công ty thuê đất, lo tài chính, tiêu thụ sản phẩm. Nông dân trực tiếp sản xuất (nông trang viên) được hưởng lương khoán, quyền lợi như luật quy định, độ tuổi xê dịch từ 18-50 tuổi.

Anh Phạm Xuân Nghĩa- Phòng Kế hoạch cho biết cứ 2 ha sẽ có 1 nông trang viên. Tất nhiên làm rau màu 2 ha 1 người làm không xuể nên phải thuê thêm người. Về tiêu thụ sản phẩm, công ty sẽ hình thành khoảng 100 cửa hàng ở thành phố và các thị trấn của toàn Hải Phòng trong đó ngoài bán rau sạch sẽ có những thực phẩm khác như thuỷ sản (đơn vị có cỡ trên 200 ha đã nuôi ở Cát Bà, Tiên Lãng). Để đảm bảo không có “rau bẩn” tuồn vào, toàn bộ nhân viên bán hàng sẽ là người của công ty. Công nghệ được áp dụng chủ yếu là dùng màng phủ, tưới bằng vòi phun mưa.

II. Hôm tham dự khoá đào tạo nông trang viên của Sơn Trường, hội trường chật kín nông dân. Ai cũng tò mò đến để nghe ông Tổng giám đốc nghe bảo có tài sản cả ngàn tỉ ấy biết gì về cây lúa, củ khoai: “Không biết ai còn nghi ngờ về chuyện Sơn Trường làm nông nghiệp không? Các cấp lãnh đạo cũng chưa tin thì chắc còn nhiều người chưa tin lắm! Không sao cả. Đừng tưởng tôi không biết làm nông mà còn giỏi hơn rất nhiều người. Cái này các vị về Nam Sơn, những người 50-70 tuổi, người ta sẽ bảo cho biết ông Chủ nhiệm Thắng ngày xưa thế nào”.

“Việc Công ty TNHH Sơn Trường mạnh dạn đầu tư xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước và thành phố, cần được khuyến khích và tạo điều kiện” (Trích văn bản số 771 của ông Bùi Trọng Tuấn- Giám đốc Sở NN- PTNT Hải Phòng)

Rồi ông cứ thao thao nói: “Tôi xin kể câu chuyện này. Đó là khi nghe bên Trung Quốc làm ống bê tông loại mà Công ty Sơn Trường có 2 nhà máy đang làm, họ bảo nhà máy 25 công nhân sản xuất 500 sản phẩm/ngày trong khi đó công ty tôi có 200 sản phẩm mà 90 công nhân làm không nổi. Thấy lạ quá liền sang thì quả nhiên họ có 25 công nhân mà ¼ là nữ mà cũng làng nhàng, nhỏ nhỏ người như chúng ta nhưng người ta làm không một phút ngẩng mặt lên. Tôi không tin là với chừng đó người mà sản xuất được nhiều thế.

Ông Giám đốc đưa cho tôi cái biểu kê năng suất rồi hỏi: “Công nhân của ông ngày làm bao nhiêu chiếc?”. Thực sự cũng không biết nhưng tôi vẫn nói cứng: “Tôi là Tổng giám đốc, không biết chuyện nhỏ nhặt này”. Ông ta bảo nếu không biết được công nhân ngày làm ra bao nhiêu sản phẩm thì làm sao có năng suất? Đấy, sản xuất công nghiệp khác sản xuất ở ta ở năng suất lao động. Một công nhân Trung Quốc đánh đổ 4 công nhân Việt Nam. Tôi 90 người không bằng 25 công nhân của họ”.

III. Nói về chuyện sản xuất nông nghiệp, ông Thắng tự tin: “Dù tất cả còn ở phía trước nhưng tôi rất tin là sẽ đạt được mục tiêu. Cái này không phải ai cũng nghĩ được như vậy, ngay các vị lãnh đạo còn nhắc nhở tôi chớ có để đất hoang đấy. Tôi nghĩ để phủ kín đất khó gì đâu. Nó quá đơn giản, cứ cấy lúa là được. Nhưng làm lúa là hiệu quả thấp nhất, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Đài báo cứ nói VN chúng ta xuất khẩu đứng thứ hai thế giới về gạo. Ghê nhỉ? Nhưng thưa rằng chưa đủ tiền nhập cám về cho chăn nuôi”.

Nhưng ông cũng không vì thế mà không nhận thấy cả núi khó khăn trước mắt. Khó đầu tiên là khâu tiêu thụ bởi vì sản phẩm rau “sáng tươi, trưa héo, chiều đổ đi”. “Chúng tôi đang chật vật ở khâu này. Nói thì dễ chứ làm không dễ chút nào. Nếu tiêu thụ tốt phấn đấu chỉ tiêu 100-200-300 triệu đồng/ha đơn giản lắm. Rau sạch đang là nhu cầu bức xúc của xã hội”. Làm rau sạch không khó cũng không dễ. Ông Thắng sang nhà máy làm salat của Nhật có 5 loại rau để trộn vào gồm cải bắp, cải tím, tỏi tây, cà rốt, dưa chuột. Nhà máy được đầu tư 20 triệu USD, sản phẩm ra cứ 1 túi 2 lạng bán 70 yên, tương đương 170.000đ mỗi kg chỉ có mấy thứ đấy thôi.

“Khi tôi đến cũng gần hết giờ làm việc của công nhân, trong nhà máy rộng lớn tất cả máy móc làm hết chỉ có 8 người phụ nữ khi thấy rau chạy trên băng chuyền, họ cứ ngồi gẩy gẩy. Tôi hỏi họ làm cái gì kia? Đang bới sâu. Tôi bảo làm gì có sâu? Họ bảo đúng, có khi hàng tuần, hàng tháng không tìm được một con sâu nào nhưng vẫn cứ phải 8 người bới. Bởi vì họ tính nếu không có chi phí cho 8 người này biết đâu có một con sâu nó lọt vào thì khách hàng kiện thôi rồi, thậm chí bị phá sản. Đấy các vị xem 1kg của họ 170.000đ, trong khi đó chúng ta chỉ vài ngàn đồng là thoải mái cũng đủ mọi thứ nhưng không thể là rau sạch được. Rau sạch của người Nhật như thế đấy”.

Ông Nguyễn Văn Biêm- nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Tam Đa đồng thời trong ban điều hành của xã cho biết, lúc đầu khi thấy công ty muốn thuê đất đầu tư, thuê nhân công ông cứ ngỡ Sơn Trường làm… từ thiện: “Trước chín người mười ý, nông dân muốn làm gì thì làm, việc tập trung xây dựng vùng sản xuất hàng hoá rất khó nay công ty tập trung được đất thì triển khai cái gì cũng dễ. Hồi những năm 80, mọi nơi còn trồng khoai tây bằng củ, tôi sang HTX Nam Sơn của ông Thắng đã ngạc nhiên khi thấy khắp trong kho, ngoài nhà đều tăm tắp những khay gỗ đựng đầy cây giống. Nông dân mua về chỉ việc quẩy ra đồng mà trồng, rất tiện lợi mà thông minh. Ông ấy hay đi đầu trong cái mới lắm”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm