Theo kế hoạch, quân đội sẽ được bàn giao 405.000ha đất ở tỉnh Punjab, phần lớn trong đó là đất sa mạc khó canh tác. Lực lượng vũ trang Pakistan sẽ sở hữu diện tích đất khổng lồ này trong 30 năm để trồng các loại cây như lúa mì, bông và mía, cùng nhiều loại rau và trái cây.
Những người ủng hộ kế hoạch này cam kết sẽ tạo ra năng suất cây trồng tốt hơn và sử dụng ít nước tưới tiêu hơn. Đây là điều Pakistan đang rất cần trong bối cảnh dự trữ ngoại hối giảm và vật giá leo thang.
Khoảng 20% lợi nhuận thu được từ việc bán các loại cây trồng sẽ được dành cho nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Phần còn lại sẽ được chia đều cho quân đội và chính quyền bang, Nikkei Asia đưa tin trích dẫn các tài liệu chính phủ bị rò rỉ.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đang phải đối mặt với những thách thức cũng như chỉ trích trong nước. Nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng quân đội, vốn có nguồn lực dồi dào, lại có thể kiếm tiền từ việc đẩy mạnh an ninh lương thực, trong khi 25 triệu người nghèo không có đất ở nông thôn.
Nhiều chỉ trích cho rằng việc giao đất cho quân đội nhằm củng cố vị thế của lực lượng vũ trang Pakistan là chủ đất lớn nhất của đất nước.
"Thông thường, các sĩ quan quân đội có kiến thức rất hạn chế về nông nghiệp. Họ sẽ sử dụng các phương pháp canh tác thông thường hoặc cho nông dân địa phương thuê lại đất. Có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp trường nông nghiệp đang thất nghiệp và họ có kỹ năng để làm công việc này", chuyên gia nông nghiệp Asif Riaz Taj cho biết.
Tuy nhiên, Rafay Alam, một luật sư về môi trường, cho rằng an ninh lương thực có thể được cải thiện bằng cách đầu tư cho các hộ nông dân nhỏ và trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết. Thay vào đó, quân đội, vốn đã có ảnh hưởng lớn ở Pakistan, đang được trao nhiều quyền lực hơn với mục đích thúc đẩy "tăng trưởng quốc gia và lợi ích chiến lược".
"Công việc của quân đội là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa bên ngoài và hỗ trợ chính phủ dân sự khi được yêu cầu", ông Alam nói với Nikkei Asia. Theo luật sư Alam, kế hoạch này cho thấy chính quyền Pakistan đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lương thực.