| Hotline: 0983.970.780

Phải có hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập siêu sản phẩm gia cầm

Thứ Tư 17/05/2023 , 11:10 (GMT+7)

Nhập khẩu thịt gia cầm tăng liên tục, tác động lớn tới ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam nên rất cần giải pháp kiểm soát có lợi cho chăn nuôi trong nước.

Một trại gà lớn ở Đồng Nai phải 'treo chuồng' do giá gà xuống thấp đầu năm nay. Ảnh: Sơn Trang.

Một trại gà lớn ở Đồng Nai phải "treo chuồng" do giá gà xuống thấp đầu năm nay. Ảnh: Sơn Trang.

Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan, kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA, thời gian qua, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA cho thấy, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Đây không những là một trong các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Trước thực trạng gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu gia tăng, ngày 4/5/2023, Bộ NN-PTNT đã gửi văn bản cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương, đề nghị tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới và các sản phẩm chăn nuôi tạm nhập tái xuất vào Việt Nam.

Tuy nhiên, để tình trạng trên không tái diễn sau mỗi lần kết thúc chiến dịch ra quân của các bộ, ngành, địa phương, VIPA đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Ngoài nhập lậu, cũng trong thời gian qua, có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi gia cầm có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng (còn được gọi là gà dai, loại gà này phần lớn tại các nước phát triển không sử dụng làm thực phẩm cho người) vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam để làm thực phẩm cho người.

Mặt khác, đang tồn tại một nghịch lý là trong khi Việt Nam cấm sử dụng Ractopamine, Cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi (160 quốc gia trên thế giới cũng đã có lệnh cấm tương tự), thì hàng năm, một lượng lớn thịt lợn, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng hai chất nêu trên cho gia súc, gia cầm vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt từ các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của nước ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay tại thị trường trong nước.

Chân gà nhập khẩu giá rẻ bán ở TP. HCM. Ảnh: Sơn Trang.

Chân gà nhập khẩu giá rẻ bán ở TP. HCM. Ảnh: Sơn Trang.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 năm gần đây, lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục, ước tính chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở nước ta.

VIPA cho rằng, nếu những tình trạng nêu trên không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam.

Do vậy, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước, đặc biệt là không tạo ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.

Đồng thời, VIPA kiến nghị Bộ NN- PTNT cùng các bộ, ngành liên quan triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất gia cầm và sức khỏe người tiêu dùng.

Theo đó, sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế (có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số nước trong khu vực) nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.