| Hotline: 0983.970.780

Phải có những "thành phố nhỏ" giữa nông thôn

Thứ Năm 15/12/2011 , 11:03 (GMT+7)

Đó là phát biểu của ông Lee Sang Mu, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Nông - Lâm - Ngư nghiệp Hàn Quốc - trong chuyến thăm Việt Nam gần đây,...

Từ trái qua: Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Lê Minh Đức, ông Hồ Xuân Hùng và ông Lee Sang Mu thăm vườn thanh long VietGap tại Long An

Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông Lee Sang Mu, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Nông - Lâm - Ngư nghiệp Hàn Quốc cho rằng: "Trong tương lai, NTM ở Việt Nam sẽ rất phát triển nếu Nhà nước tiếp tục có sự quan tâm như những năm qua, đồng thời phát huy tốt những thế mạnh là tinh thần đoàn kết, tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi của người nông dân”. 

Muốn có NTM bền vững thì nông nghiệp phải phát triển

Cơ sở nào khiến ông có nhận xét như vậy?

Mục đích xây dựng NTM là thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống mọi mặt cho người nông dân. Và việc đầu tiên cần làm là tăng thu nhập. Muốn tăng thu nhập thì phải phát triển nông nghiệp. Nền nông nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh rất lớn, nhiều mặt hàng thế mạnh, đứng hàng “top ten” trên thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, điều... Cho nên, tương lai phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Vừa qua, trong quá trình tư vấn về “tam nông” cho Việt Nam, tôi đã tìm hiểu kỹ và thấy rằng việc phát triển nông nghiệp của các bạn không gặp quá nhiều khó khăn như Hàn Quốc. Những năm qua, Việt Nam đã làm rất tốt vấn đề an ninh lương thực. Các bạn có những cánh đồng mênh mông và màu mỡ, những người nông dân hiền lành, chất phác, luôn sẵn lòng giúp người khác khi cần…

Vừa rồi tôi đến thăm một vườn thanh long của người dân ở miền Tây (xã Dương Xuân Hội, Châu Thành, Long An) và được biết kỹ thuật trồng thanh long trái vụ là do họ tự mày mò, tìm ra chứ không phải do có hỗ trợ từ cán bộ nông nghiệp. Điều đó cho thấy, người nông dân Việt Nam rất cần cù, thông minh, chịu khó, thấy ở đâu có cái gì hay là họ tìm tòi, học hỏi cho bằng được, và chỉ bằng kinh nghiệm thôi họ cũng có những thành tựu về nông nghiệp rất đáng nể. Đó là những cơ sở để tôi khẳng định về một tương lai tươi sáng của nông thôn Việt Nam.

Theo ông, cần chú ý những điểm nào trong xây dựng NTM?

Như tôi nói ở trên, muốn có một NTM phát triển bền vững thì trước mắt phải có một nền nông nghiệp phát triển. Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng làm cơ sở cho một nền nông nghiệp, nông thôn mới hiện đại. Điều lưu ý đầu tiên để phát triển nông nghiệp bền vững, đó là đầu tư vào cơ sở hạ tầng nói chung. Ví dụ phải có đường giao thông thuận lợi, hệ thống thủy lợi đồng bộ và hiện đại. Có cơ sở hạ tầng tốt, người nông dân mới có thể sử dụng máy móc công nghiệp để sản xuất, chuyên chở sản phẩm, vật tư…

Cần có chế độ, chính sách hợp lý, có mối liên kết chặt chẽ hơn giữa người dân và chính quyền để giảm chi phí cho người dân sản xuất khi họ không có khả năng về vốn. Tôi thấy một điểm yếu cơ bản cần khắc phục nhằm tăng năng suất cây trồng lên, đó là việc cập nhật những giống cây trồng mới, họ vẫn chưa làm được, hoặc làm còn chậm.

Có rất nhiều việc các bạn phải làm nhằm giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân. Ví dụ đơn giản nhất là người nông dân trồng thanh long phải mở điện sáng suốt đêm cho thanh long, một đêm như thế hao tốn rất nhiều điện năng, vừa tăng chi phí sản xuất, lại vừa hao phí nguồn năng lượng chung của quốc gia. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng loại bóng đèn LED tiết kiệm điện?

Hoặc tôi thấy trái thanh long ruột đỏ ngon hơn loại ruột trắng rất nhiều, nhưng chưa chưa phát triển thị trường được, lý do là khách hàng lo ngại màu đỏ của nó không phải là tự nhiên, vậy tại sao chúng ta không tìm cách chứng minh cho họ thấy đó là màu đỏ tự nhiên?

Những "thành phố nhỏ" giữa lòng thôn, xã

Những yếu tố nào để duy trì NTM bền vững, thưa ông?

Ngoài những vấn đề nêu trên, để NTM bền vững, ngay từ bây giờ phải có chiến lược giữ chân lao động trẻ cho vùng nông thôn. Họ sẽ là lực lượng nòng cốt trẻ khỏe, có kiến thức về nông nghiệp để làm chủ những mảnh vườn, không chỉ của họ mà còn của cả địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định và thật tốt cho những thanh niên trẻ trên chính mảnh đất quê hương, nơi họ đã sinh ra.

Muốn giữ chân họ thì phải thu hút nhà đầu tư về vùng nông thôn, và để thu hút được nhà đầu tư thì phải có cơ sở hạ tầng thật tốt (đường sá, điện nước, công nghệ thông tin, cơ sở y tế, cơ sở đào tạo, bệnh viện tốt, bác sỹ giỏi…), đó là những mối liên hệ không thể tách rời, không thể thiếu một trong các yếu tố đó. Hay nói cách khác là phải xây dựng những “thành phố nhỏ” giữa lòng thôn, xã. Ở đó có đầy đủ mọi thứ như trường học, bệnh viện, rạp hát nhỏ, nhà máy sản xuất, cơ sở chế biến nông - thủy sản… và những người nông dân ở vùng xa xôi, hẻo lánh nhất cũng chỉ mất chừng 30 phút là có thể đến được “thành phố nhỏ” này.

Khi xây dựng NTM, Hàn Quốc chỉ quan tâm đến duy nhất một điều là làm thế nào để kiếm được thật nhiều tiền. Cho nên, hôm nay Hàn Quốc đã có một nền kinh tế khá mạnh, nhưng ở các vùng nông thôn hầu như không còn nhũng người trẻ tuổi sống, bây giờ về vùng quê rất ít khi nghe được tiếng trẻ con.

Điều quan trọng nhất là khi làm một việc nào đó thì phải xác định rằng việc đó hợp lòng dân, việc đó người dân mong muốn. Nhưng, nhà nước không thể tự làm tất cả những việc này, mà cần có sự tham gia của người dân. Cho nên, phải có những chương trình như “Chính phủ và người dân cùng làm”, ví dụ như để làm một con đường, Nhà nước bỏ tiền ra, và sau đó, người dân sẽ bỏ công ra làm phần việc mà lẽ ra phải thuê một Cty làm đường nào đó làm…

Những điều ông nói ở trên có phải là kinh nghiệm rút ra từ chương trình phát triển nông thôn của Hàn Quốc?

Đúng thế. Tôi là người trực tiếp thực hiện chương trình NTM ở Hàn Quốc nên nắm rất rõ. Kinh nghiệm xây dựng NTM của Hàn Quốc cho thấy, phát huy sức mạnh tập thể, nội lực của nhân dân là yếu tố quan trọng nhất. Và, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, phải xác định những việc cần làm trước (tiêu chí - PV), đó là tập trung hoàn thiện điều kiện sống của người dân; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho dân, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất phù hợp.

Xây dựng các vùng chuyên canh nuôi trồng, lập các cơ sở tiêu thụ sản phẩm và đào tạo một đội ngũ “kỹ sư nông dân” lành nghề, những người lãnh đạo giỏi. Bên cạnh đó, cần chú ý tôn vinh những người có nhiều cống hiến trong xây dựng NTM, như ở Hàn Quốc, những người này đã được đích thân Tổng thống khen tặng.

Hiện nay, ở Hàn Quốc có hẳn một Học viện Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cho chương trình NTM. Các lớp học được mở chung cho tất cả những người lãnh đạo, không phân biệt chức danh, từ Bộ trưởng đến ông Trưởng thôn. Ở đó, họ cùng học, cùng ăn, cùng ở với nhau. Từ đó, ông Bộ trưởng nắm rõ hơn về tình hình thực tế ở nông thôn nhằm đưa ra những quyết sách phù hợp nhất.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm