Các thay đổi lớn trên sông Mê Kông đang thu hẹp môi trường sinh sống của loài cá đặc hữu này. Ngày nay, đứng trên bờ Cửu Long người ta không còn nhìn thấy cảnh chúng di cư thành đàn về phía thượng nguồn tìm chỗ đẻ trong các tháng 4, tháng 5 lúc bắt đầu mùa mưa, và về phía hạ nguồn để vỗ béo trong các tháng 11, 12 khi kết thúc một mùa nước nổi.
Cá tra khổng lồ có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đạt đến 150-200kg trong vòng 6 hoặc 7 năm. Thực phẩm chính của chúng là rong tảo tích tụ trong các đầm bùn đáy sông và một số loài thực vật thủy sinh trên đường chúng di cư hằng năm.
Thực ra bên trong vóc dáng to lớn kềnh càng, cá tra khổng lồ là một loài rất hiền. Khác với các loài cá tra Pangasius hung dữ, tên gọi Pangasianodon của chúng có nghĩa là “cá-tra-không-răng”.
Người ta rất dễ tiếp cận chúng kể cả sau khi bị vướng vào lưới, và các ngư dân kinh nghiệm sẽ thực hiện vài động tác làm quen trước khi dùng tay dắt chúng bơi về sông cái ở Vĩnh Xương, Tân Châu hay Vàm Nao.
Đêm 13/11/2007, dân chài trên sông Cửu Long bắt được một con dài 2,4 mét cân nặng 204kg và họ cũng dùng cách đó đưa nó trở lại biển hồ Tonle Sap.
Đầu tháng 5/2005, một con cá tra khổng lồ khác cũng bị vướng vào lưới ở Chieng Khong phía sau con đập. Người ta gọi điện báo cho nhóm bảo tồn, nhưng con cá quá yếu và chết sau đó, mặc dầu vậy nó vẫn được ghi vào kỷ lục Guiness loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới với chiều dài 2,7m và cân nặng 293kg.
Cho đến nay người ta chưa biết nhiều về cách sống và chế độ di trú hàng năm của cá tra khổng lồ. Có thể các con cá trưởng thành di chuyển ngược dòng đến nơi có dòng nước trong chảy xiết để đẻ trứng rồi trở lại các dòng sông có nhiều thức ăn để sinh sống.
Thực ra số lượng cá tra khổng lồ trong khoảng 25kg vẫn còn khá nhiều trong đoạn sông từ cửa khẩu Vĩnh Xương đến ngã ba Vàm Nao, và nhiều con cá chưa trưởng thành vẫn còn được bắt gặp trong các bò cá hay lưới cá gần bờ.
Nhưng người ta rất khó phân biệt các con cá tra khổng lồ chưa trưởng thành với các loài cá tra khác tại đó, chỉ đến khi chúng đạt kích thước 30-50cm thì da chúng mới sáng hơn, bóng hơn, bộ râu thoái hóa và hàm răng dần dà biến mất: Con vật không còn kiếm sống trong các vũng bùn gần bờ mà chuyển ra sống nơi vùng nước trong giữa dòng, sử dụng các nguồn rong tảo ở đáy sông sâu, và bắt đầu chu trình di trú hàng năm tương tự các vị tổ tiên đời trước.