| Hotline: 0983.970.780

Nhếch nhác cảng cá

Nâng cấp hạ tầng nghề cá góp phần xóa 'thẻ vàng'

Thứ Tư 23/03/2022 , 10:05 (GMT+7)

Hà Tĩnh phấn đấu giữa quý 2/2022 tổ chức khởi công xây dựng cảng cá Cửa Nhượng và mở rộng cảng cá Thạch Kim, tạo tiền đề chống khai thác bất hợp pháp IUU.

Cầu cảng chưa được xây dựng, ngư dân Hà Tĩnh phải chuyển cá thủ công, tiềm ẩn nguy hiểm cho người lao động. Ảnh: Thanh Nga.

Cầu cảng chưa được xây dựng, ngư dân Hà Tĩnh phải chuyển cá thủ công, tiềm ẩn nguy hiểm cho người lao động. Ảnh: Thanh Nga.

Lao động "tăng bo" hải sản nhiều lần rơi xuống biển

Tháng 3 biển động, hàng trăm chiếc thuyền phải luồn lách mãi mới vào được khu neo đậu cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) để tránh áp thấp nhiệt đới.

Thuyền viên Nguyễn Văn Phấn, trú tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, người có 20 năm kinh nghiệm lái tàu chia sẻ, những năm gần đây, việc ra vào cảng Cửa Sót gặp nhiều khó khăn do luồng lạch bị cát bồi lắng. Đặc biệt, cảng nhỏ, trong khi lượng tàu thuyền neo đậu lớn nên mùa mưa bão không ít lần các tàu bị sóng đánh va đập vào nhau dẫn đến chìm tàu, thiệt hại tài sản vô cùng lớn.

Đối với hoạt động giao thương, buôn bán hải sản, vì chưa có cầu cảng nên ngư dân nơi đây phải thuê người “tăng bo” cá, tôm lên bờ khiến chi phí gia tăng, lợi nhuận thu về giảm đi đáng kể.

Thương lái Nguyễn Thị Huyền, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà hành nghề thu mua cá thu, mực các loại tại cảng Cửa Sót ngót nghét hai thập kỷ tâm sự, từ trước đến nay, mỗi lần tàu cập cảng chị phải thuê 3, 4 công nhân chuyển cá, mực từ dưới tàu lên bờ để cấp đông trước khi đổ hàng cho các chợ đầu mối bán lẻ. Tuy nhiên, việc “tăng bo” thủ công này tiềm ẩn nguy hiểm cho người lao động và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Nhiều hôm biển động, trời mưa, công nhân chuyển cá rơi xuống biển, rất may cứu lên bờ kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Còn việc cá, mực trộn nước mưa, rơi rớt xuống nền đất, dính cát bẩn rất khó tránh khỏi”, chị Huyền thẳng thắng nói.

Khi được hỏi về hạ tầng tại cảng cá Cửa Sót, cả anh Phấn và chị Huyền đều cùng chung ý kiến là đang thiếu và yếu.

Theo anh Phấn, cảng cá Cửa Sót không chỉ nhỏ về quy mô mà con thiếu rất nhiều hạ tầng cơ bản, cần thiết như: Hệ thống kho, bãi lưu giữ hàng hóa; trang thiết bị bốc xếp hàng hóa; hệ thống điện, cấp thoát nước; hệ thống xử lý nước thải; thiết bị báo tín hiệu, đèn chiếu sáng; khu dịch vụ hậu cần...

Thiếu hạ tầng bảo quản, chế biến sau khai thác nên giá trị kinh tế thu được của ngư dân Hà Tĩnh bị hạn chế đi đáng kể. Ảnh: Thanh Nga.

Thiếu hạ tầng bảo quản, chế biến sau khai thác nên giá trị kinh tế thu được của ngư dân Hà Tĩnh bị hạn chế đi đáng kể. Ảnh: Thanh Nga.

Nhếch nhác hơn là gò cá Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Địa phương này có khoảng 1.000 tàu thuyền hoạt động, trên 3.900 lao động trực tiếp khai thác, đánh bắt trên biển và tham gia dịch vụ hậu cần nghề cá nhưng hoạt động giao thương buôn bán phải tổ chức trên một gò cát không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Gò Cửa Nhượng quy mô nhỏ, liên tục bị bồi lắng nên chỉ có tàu công suất nhỏ mới vào được. Hơn nữa, vì không có hệ thống cảng nên việc mở rộng nghề cá tại địa phương bị hạn chế rất nhiều, không thể tập trung theo hướng hiện đại hóa”, ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Xuyên nói.

Đồng thời, ông Danh cho rằng, việc đồng bộ hóa hạ tầng là xu thế tất yếu, cấp bách để đáp ứng nhu cầu phát triển của nghề cá, nhất là trong bối cảnh ngành thủy sản cả nước đang nỗ lực thực hiện các giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU.

Ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, khoảng 3 năm nay, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm đến công tác khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại các cảng cá.

Trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT thực hiện 2 dự án xây dựng mới cảng cá Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên và mở rộng cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà, với tổng mức đầu tư 340 tỷ.

Ngoài ra, Ban này cũng đang lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh và nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân.

Hướng tới nghề cá nhân dân

Ông Hà Văn Trà, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết, hiện Ban đang khẩn trương hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn nhà thầu để giữa quý 2 tổ chức khởi công dự án mở rộng cảng cá Cửa Sót và xây dựng cảng cá Cửa Nhượng, phấn đấu cuối năm 2022 hoàn thành đưa vào sử dụng.

“Đây là 2 dự án cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngư dân nên chúng tôi đã dồn nhân lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Hi vọng rằng, sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần thay đổi tư duy sản xuất của ngư dân từ truyền thống sang nghề cá nhân dân”, ông Trà nói.

Theo quyết định phê duyệt, cảng cá Cửa Sót được xây dựng nhằm đáp ứng các tiêu chí của cảng cá cấp II. Dự án sẽ mở rộng bến tàu đáp ứng nhu cầu cập cảng cho tàu cá từ 90 CV đến 400 CV; xây dựng kè bảo vệ từ loại 1 đến loại 3; nạo vét luồng lạch; xây dựng hệ thống đường giao thông với tổng chiều dài hơn 487 m.

Tỉnh Hà Tĩnh vừa đầu tư 60 tỷ đầu tư mở rộng cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà. Ảnh: Thanh Nga. 

Tỉnh Hà Tĩnh vừa đầu tư 60 tỷ đầu tư mở rộng cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà. Ảnh: Thanh Nga. 

Xây dựng hệ thống thoát nước mưa; hệ thống xử lý nước thải; các công trình vệ sinh; tường rào; hệ thống cấp điện, cấp nước...

Đối với dự án cảng cá Cửa Nhượng, quy mô xây dựng đáp ứng công suất tàu 400 CV, năng lực cập tàu 100 lượt/ngày; lượng thủy sản qua cảng khoảng 16.000 tấn/năm, đáp ứng cảng các cấp II.

Các hạng mục chính được đầu tư gồm: Bến cập tàu (kể cả mùa kiệt) từ 150 CV đến 400 CV; bến cập tàu dưới 150 CV; bãi tiếp nhận thủy sản diện tích 2.400 m2; nạo vét tuyến luồng vào cảng và vùng nước trước cảng; hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa; kè bảo vệ bờ.

Xây dựng tuyến đê ngăn cát dài 780m, 3 tuyến đường nội bộ trong cảng, xây dựng nhà điều hành, nhà tập kết thủy sản, nhà tập kết chất thải rắn, nhà cập bến tàu liền bờ, các hạng mục cấp điện, cấp thoát nước... với tổng mức đầu tư dự án lên tới 280 tỷ đồng.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 3.600 tàu thuyền đăng ký hoạt động. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên 115 chiếc; tàu từ 12m - 15m có 636 chiếc; số còn lại là tàu có chiều dài dưới 12m.

Ngoài phục vụ hoạt động neo đậu, giao thương buôn bán của đội tàu Hà Tĩnh, việc đầu tư xây mới, nâng cấp cảng cá của Hà Tĩnh chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn tàu thuyền của ngư dân các tỉnh lân cận như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, thậm chí Quảng Ngãi, Quảng Nam đến cập cảng, gia tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.