| Hotline: 0983.970.780

Nhếch nhác cảng cá

Đầu tư nâng cấp cảng cá vô cùng bức thiết

Thứ Sáu 18/03/2022 , 09:00 (GMT+7)

Để đáp ứng các yêu cầu gỡ 'thẻ vàng' IUU của Ủy ban châu Âu - EC, việc đầu tư nâng cấp cảng cá với các tỉnh miền Trung bức thiết hơn bao giờ hết.

Để gỡ thẻ vàng của EC, các tỉnh ven biển Nam Trung bộ cần hiện đại các cảng cá sớm ngày nào tốt ngày đó. Ảnh: KS.

Để gỡ thẻ vàng của EC, các tỉnh ven biển Nam Trung bộ cần hiện đại các cảng cá sớm ngày nào tốt ngày đó. Ảnh: KS.

Bình Định xác định nâng cấp cảng cá là điều kiện đủ để gỡ thẻ vàng EC

Xác định cần phải đầu tư nâng cấp các cảng cá trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu của EC tháo gỡ 'thẻ vàng' IUU, giữa năm 2019, Sở NN-PTNT Bình Định tham mưu UBND tỉnh có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến nhu cầu đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025), báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các công trình thủy lợi, thủy sản đăng ký sử dụng nguồn vốn của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) là dự án ưu tiên số 1 thuộc lĩnh vực thủy sản với tổng mức đầu tư 472 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 90% (tương đương 425 tỷ đồng), vốn ngân sách tỉnh 10% (tương đượng 47 tỷ đồng).

Dự án sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cảng cá Tam Quan đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I. Hình thành 11 khu dịch vụ hậu cần đáp ứng nhu cầu tàu thuyền khai thác khi bình thường cũng như khi neo đậu trú tránh bão, là tiền đề cho việc phát triển kinh tế biển tại Hoài Nhơn nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung.

Cải tạo và mở rộng khu vực neo đậu đạt cấp vùng, tạo ra khu neo đậu có sức chứa trên 2.000 tàu có công suất từ 400 - 1.000CV tránh trú bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của ngư dân Bình Định và khu vực miền Trung trong mùa mưa bão.

“Dự án kết hợp phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ các chuyến biển, giúp ngư dân an tâm sản xuất trên vùng biển xa. Nâng cao năng lực giám sát và hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân. Đặc biệt là hỗ trợ năng lực quản lý cho việc xây dựng và phát triển chuỗi cá ngừ đại dương tỉnh Bình Định. Nâng cao năng lực quản lý giám sát môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.

Cũng theo ông Phúc, ngành nông nghiệp Bình Định còn hướng đến dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đầm Đề Gi kết hợp cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 90% (tương đương 405 tỷ đồng), vốn ngân sách tỉnh 10% (tương đương 45 tỷ đồng).

Hiện nay tàu thuyền ở các tỉnh miền Trung khá lớn nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh: KS.

Hiện nay tàu thuyền ở các tỉnh miền Trung khá lớn nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh: KS.

Dự án sẽ xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đầm Đề Gi đạt quy mô cấp vùng, tạo ra khu neo đậu có sức chứa trên 2.000 tàu có công suất từ 300 - 1.000 CV, bao gồm các hạng mục: Xây dựng kè bảo vệ bờ, chống bồi lấp khu neo đậu, kết hợp bến cập tàu dài 2.500m; xây dựng kè chắn cát chống sạt lở, bảo vệ luồng vào cửa Đề Gi dài 900m.

Dự án cũng tiến hành nạo vét luồng chạy tàu và khu neo đậu có bề rộng, cao độ đáy đảm bảo cho tàu có công suất 1.000CV, có chiều dài trên 15m lưu thông và neo đậu. Xây dựng trụ neo tàu đảm bảo cho các tàu có công suất đến 1.000CV neo đậu an toàn.

Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng hệ thống trụ đèn báo cửa, đèn báo cầu đê, phao báo hiệu luồng và cột báo hiệu nhằm đảm bảo an toàn cho tàu khi ra vào khu neo đậu và hệ thống thông tin liên lạc cứu hộ cứu nạn.

Phú Yên tham vọng cảng cá ngừ chuyên dụng có chợ đấu giá

Phú Yên, cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương đang đau đáu gắn nghề này với quy hoạch cảng cá. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành Nghị quyết số 99 về Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Phú Yên sẽ có 7 cảng cá loại III, 3 cảng cá loại II, 1 cảng cá loại I và 7 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có 1 khu neo đậu cấp vùng.

Tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu chen chúc trong Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: LK.

Tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu chen chúc trong Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: LK.

Cũng theo ông Phương, để đảm bảo điều kiện thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về IUU, đồng thời tạo điều kiện cho tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn, thuận lợi, bốc dỡ hàng hóa tại các cảng cá, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương hỗ trợ nâng cấp cảng cá Đông Tác thành cảng cá ngừ chuyên dụng và chợ đấu giá cá ngừ tỉnh Phú Yên với tổng mức đầu tư khoảng 219 tỷ đồng.

Cùng với đó, Phú Yên còn đầu tư khu neo đậu tránh trú bão Lạch Hòa Hiệp Nam (thị xã Đông Hòa) gắn với cảng cá Phú Lạc, tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng; khu neo đậu tránh trú bão Lạch An Hải (huyện Tuy An) gắn với cảng cá Lễ Thịnh với tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Vạn Cũi (huyện Tuy An) với tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng gắn với cảng cá Tiên Châu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tri Phương, điều hạn chế hiện nay tại các cảng cá ở Phú Yên là luồng lạch bị bồi lấp cạn hẹp, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào nhưng chưa được thực hiện nạo vét. Nguyên nhân là do ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa bố trí được cho nhu cầu nạo vét luồng lạch các cảng cá.

Trong khi đó, việc nạo vét bằng hình thức xã hội hóa đang vướng mắc về quy định hiện hành nên gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tại các khu neo đậu tránh trú bão cũng cạn hẹp, chưa có công trình neo và phụ trợ, ngư dân gặp nhiều khó khăn trong mùa mưa bão.

Tàu cá của ngư dân Bình Định chuẩn bị xuất bến tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: LK.

Tàu cá của ngư dân Bình Định chuẩn bị xuất bến tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: LK.

Quảng Nam thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cảng cá

Trước thực trạng hạ tầng nghề cá vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu neo đậu, bốc dỡ sản phẩm khai thác ở địa phương, tỉnh Quảng Nam đã có những giải pháp cụ thể để khắc phục. Theo đó, trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ có cơ chế thu hút nguồn đầu tư từ trong và ngoài nước để hình thành Trung tâm nghề cá cấp vùng tại Tam Quang (huyện Núi Thành) và Trung tâm nghề cá Hồng Triều thuộc xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên).

Cảng cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang trong quá trình đầu tư giai đoạn 2 để đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I. Ảnh: L.K.

Cảng cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang trong quá trình đầu tư giai đoạn 2 để đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I. Ảnh: L.K.

Quảng Nam sẽ thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng cảng cá; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh của cảng cá theo quy định của pháp luật như: Xây dựng nhà máy nước đá, trạm xăng dầu cung cấp cho tàu cá.

Đồng thời thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ mới trong xây dựng, bảo trì các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; nâng cao tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong các hoạt động, nhất là trong bốc xếp hàng hóa, bảo quản, sơ chế thủy sản tại các cảng cá.

“Đối với giải pháp về vốn đầu tư, Quảng Nam thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật để thu hút vốn của các thành phần kinh tế đầu tư các dự án thuộc danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư theo quy hoạch và các dự án kết cấu hạ tầng có khả năng sinh lợi như: Hạ tầng khu chế biến tập trung, xây dựng kho lạnh, khu dịch vụ vật tư ngư cụ, máy móc thiết bị, nhà máy nước đá, trạm xăng dầu…”, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, việc nâng cấp hệ thống cảng cá trước tiên là để đáp ứng việc gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban Châu Âu - EC theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai là phát triển kinh tế biển của Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc nâng cấp hệ thống cảng cá đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương, cân bằng giữa chính sách phát triển tàu cá có công suất lớn vươn khơi với hạ tầng cảng cá, đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm hải sản sau khai thác, đồng thời từng bước hiện đại hóa trong lĩnh vực khai thác thủy sản.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.