Theo các kết quả nghiên cứu cơ bản về dinh dưỡng cho thấy, cây trồng có nhu cầu sử dụng từ 18 đến 23 chất dinh dưỡng khác nhau. Trong đó, có 3 - 4 chất dinh dưỡng được cây sử dụng nhiều nhất là đạm, lân, kali, silic.., gọi là dinh dưỡng đa lượng.
Một số chất cây sử dụng ít hơn như Ca, Mg,... gọi là chất trung lượng. Nhiều chất khác tuy sử dụng rất ít, song lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động sống của cây trồng như: Mo, Bo, Zn,.... gọi là vi lượng.
Khi được cung cấp đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng đa - trung - vi lượng, cây trồng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, thích ứng tốt với ngoại cảnh bất thuận, ít bị sâu bệnh gây hại và cho năng suất, chất lượng cao.
Nhằm giúp cho bà con nông dân lựa chọn được sản phẩm phân bón phù hợp với đồng ruộng và trên từng loại đất, điều kiện thâm canh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, vụ đông xuân 2023 - 2024, Công ty TNHH Light Of Success phối hợp với Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển thực hiện xây dựng mô hình trình diễn phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển trên cây lúa tại xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Quy mô trình diễn 1ha, bón lót 1 tấn phân hữu cơ và 50kg phân đa yếu tố NPK 5:10:3 Văn Điển chuyên lót, bón thúc 46kg phân bón đa yếu tố NPK 12:5:10 Văn Điển.
Thành phần chủ yếu của phân đa yếu tố NPK Văn Điển 5.10.3 gồm: Nts: 5%; P2O5hh: 10%; K2Ohh: 3%; MgO: 1%; CaO: 6%; SiO2: 12%; S: 2%. Ngoài ra, còn có các chất vi lượng khác như: Fe, Al, Mn, Mo…
Thành phần chủ yếu của phân đa yếu tố NPK Văn Điển 12.5.10 gồm: Nts: 12%; P2O5hh: 5%; K2Ohh: 10%; MgO: 1%; CaO: 3%; SiO2: 3%; S: 8%. Ngoài ra còn có các chất vi lượng khác như: Fe, Al, Mn, Mo…
Ruộng đối chứng bón 1 tấn phân hữu cơ và 40kg phân bón NPK 5:10:3 (Lúa 1), bón thúc bằng 10kg ure + 9kg kali. Tất cả đều gieo cấy gống lúa HaNa số 07.
Qua theo dõi nhận xét tình hình sinh trưởng, phát triển của ruộng mô hình bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển với giống lúa HaNa số 07 trên vùng đất ruộng tại xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển là loại phân có dạng viên, dễ sử dụng.
Phân cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng, trung và vi lượng, giúp cây sinh trưởng phát triển đều, khoẻ, cứng cây, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đẻ nhánh tập trung, số bông hữu hiệu và hạt chắc nhiều, lá xanh bền đến giai đoạn cuối vụ tạo tiền đề cho năng suất cao hơn bón phân đơn, năng suất thực thu cao hơn so với ruộng đối chứng (5.600kg/ha so với 5.300kg/ha).
Sau khi hạch toán kinh tế cho thấy, sử dụng phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dùng cho cây lúa có hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng, giúp nông dân có lãi trên 2,8 triệu đồng/ha.
Hiện nay, các tỉnh ở phía Bắc sản xuất lúa mùa chủ yếu bằng các giống lúa cảm ôn, gieo cấy cuối tháng 6 đầu tháng 7, trỗ bông cuối tháng 8 và tháng 9 khi thời tiết còn nóng, ẩm, mưa gió nhiều.
Mưa có sấm sét là bổ sung thêm dinh dưỡng đạm cho cây trồng, nhất là giai đoạn cuối vụ càng làm cho cây lúa thân mềm, lá mỏng, dễ đổ ngã, cộng với gió to làm rách lá tạo điều kiện cho bệnh bạc lá lúa phát sinh nhanh chóng lây lan thành dịch.
Kinh nghiệm của các lão nông các tỉnh phía Bắc cho thấy, để lúa vụ mùa thắng lợi, cần tránh 2 cửa tử là lúa đổ và lúa bị bệnh bạc lá. Ngoài công tác giống lúa và thời vụ gieo cấy, việc cung cấp cân đối đạm, lân, kali, đặc biệt các dinh dưỡng trung, vi lượng mang ý nghĩa quyết định.
Từ kết quả mô hình trình diễn và thực tiễn sản xuất, xin khuyến cáo chăm bón cây lúa mùa 2024 bằng phân Văn Điển ở các tỉnh phía Bắc như sau:
Bón lót: Tùy thuộc chân ruộng, giống lúa và lượng phân hữu cơ, bón khoảng 450 - 550kg/ha phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên bón lót lúa công thức NPK 5:12:3;10:10:5; 3:10:3 hoặc phân đa yếu tố Lúa 1 chuyên bón lót.
Lúa 1 có đủ và cân đối các chất dinh dưỡng NPK và các chất trung, vi lượng cần thiết cho cây lúa giai đoạn làm đòng, trỗ bông, giúp cây lúa tăng sức chống chịu, tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Để phân bón lót phát huy tối đa hiệu quả nên rải đều ra ruộng trước khi bừa cấy hoặc trước lượt bừa cuối cùng. Nếu lo mất nước, mất phân có thể rải phân ngay sau khi bừa xong, khi nước còn đục, bùn còn lỏng. Không nên bón phân lót sau khi nước đã trong, bùn đã lắng.
Bón thúc: Căn cứ vào chân ruộng, lượng phân đa yếu tố NPK Văn Điển đã bón lót và tình hình sinh trưởng của mỗi giống lúa mà bón 30 - 40kg/ha phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên bón thúc cho lúa, công thức NPK 13:3:10; 12:5:10; 16:5:17,...
Ruộng lúa cấy dày, cấy to, chân ruộng thấp trũng bón khoảng 30 - 35kg/ha, ruộng vàn, vàn cao, hay mất nước, cấy giống lúa cao sản cần bón khoảng 35 - 40kg/ha
Với lúa cấy cả cấy thủ công hay cấy máy cần bón phân thúc đẻ sớm ngay khi lúa ra lá non hoặc ra rễ trắng. Riêng chân ruộng cao ghềnh, giống lúa cứng thân, phương thức gieo vãi có thể bón thúc làm 2 lần.
Lần 1: Thúc đẻ nhánh, bón 60-70% lượng phân bón thúc. Lần 2: Khi lúa chuẩn bị phân đốt, bón hết lượng phân còn lại.
Chỉ những ruộng lúa cao sản và sức chống chịu kém như giống lúa BC15, TBR225,... cuối vụ được bón thêm 2-3kg kali/sào, còn lại tất cả đều không được bón phân đạm đơn phòng rầy nâu và bệnh bạc lá có thể phát dịch giai đợn cuối vụ.