| Hotline: 0983.970.780

Phân bón, thịt lợn Trung Quốc- 'thủ phạm' làm tăng lạm phát

Thứ Tư 04/05/2022 , 14:53 (GMT+7)

Cuộc chiến Nga- Ukraine “đổ thêm dầu vào lửa” tạo ra khủng hoảng lạm phát tiêu dùng toàn cầu, nhưng Trung Quốc đã đóng góp phần không nhỏ làm cho vấn đề nghiêm trọng thêm.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho biết, những tác động của Trung Quốc chủ yếu trong ba lĩnh vực phân bón, thịt lợn và thép đã gây ra nạn lạm phát thế giới thêm trầm trọng.

Các nhà phân tích Chad Bown và Yilin Wang của PIIE cho biết: “Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã gây ra thiệt hại rất lớn, gây căng thẳng thêm cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, do Nga cấm xuất khẩu phân bón, trong khi vai trò của Ukraine như là bệ đỡ cho châu Phi và Trung Đông cũng đã bị phá hủy”.

Tuy nhiên có một nguy cơ khác chưa được nhìn nhận xác đáng đối với an ninh lương thực toàn cầu chính là các lệnh hạn chế và chính sách thuế quan của Trung Quốc áp đặt đối với hai mặt hàng chính gồm phân bón và thịt lợn.

“Hiện các chính sách của Trung Quốc thậm chí đã mở rộng vượt cả ra ngoài lĩnh vực lương thực, khi ‘gã khổng lồ châu Á’- một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, cũng đã áp dụng các hạn chế đối với nguyên liệu”, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington lưu ý.

Tất cả những động thái trên đã dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao hơn ở khắp mọi nơi, ngay cả khi chúng mang lại lợi ích cho chính người dân Trung Quốc, theo báo cáo.

“Rắc rối với Trung Quốc là nước này tiếp tục hành động như một nước nhỏ. Các chính sách của Bắc Kinh thường mang lại hiệu quả như ý ở trong nước- chẳng hạn như tiết giảm chi phí đầu vào cho ngành công nghiệp hoặc cho nông dân Trung Quốc hoặc bằng cách tăng lợi nhuận cho một nhóm khác. Nhưng họ cũng có thể là ‘người hàng xóm ăn xin’, với việc lựa chọn chính sách giải quyết vấn đề trong nước bằng cách chuyển chi phí sang người tiêu dùng các nước khác”, các nhà phân tích viết.

Giá phân bón ở Trung Quốc và trên thế giới bắt đầu tăng vào năm ngoái, do nhu cầu tăng mạnh và giá năng lượng cao hơn, và sau đó thậm chí còn tăng cao hơn kể từ cuộc chiến Nga-Ukraine.

Vào tháng 7 năm ngoái, giới chức Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty sản xuất phân bón lớn trong nước tạm ngừng xuất khẩu “để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước”, PIIE lưu ý. Đến tháng 10, khi giá phân bón thế giới tiếp tục tăng, Bắc Kinh thậm chí còn yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động xuất khẩu.

Theo Reuters, các chính sách của Trung Quốc đã tiếp tục diễn ra trong năm nay và có thể còn kéo dài đến ít nhất là sau khi kết thúc mùa hè này. “Sự kết hợp của các rào cản phi thuế quan này đã khiến xuất khẩu phân bón của Trung Quốc giảm mạnh, trong khi nguồn dự trữ trong nước tăng và giá phân bón thế giới được dự báo khó có thể chựng lại trước khi bước vào mùa thu”, theo các nhà phân tích.

“Thị phần xuất khẩu phân bón toàn cầu của Trung Quốc là 24% đối với phốt phát, 13% đối với nitơ và 2% đối với kali, tính đến trước khi có các lệnh hạn chế”, theo PIIE.

Các nhà phân tích của PIIE cho rằng quyết định của Trung Quốc đối với phân bón chỉ “đẩy vấn đề sang người khác”, với giải thích rằng khi có ít phân bón hơn, sản lượng cây trồng sẽ ít hơn. Và điều này lại “xảy ra vào thời điểm tồi tệ” khi cuộc chiến Nga-Ukraine đang đe dọa nguồn cung cấp lương thực toàn cầu (cả Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu lớn các loại cây trồng như lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu hướng dương).

Báo cáo cho biết: “Vào thời điểm quan trọng như vậy, Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn - chứ không phải ít hơn - để giúp thế giới vượt qua thách thức và khủng hoảng nhân đạo tiềm ẩn có thể xảy ra ở nhiều nước nghèo, thường phải nhập khẩu phân bón và lương thực”.

Câu chuyện về giá thịt lợn cao hơn trên toàn cầu bắt đầu vào năm 2018, khi Trung Quốc - nước sản xuất một nửa nguồn cung thịt lợn của thế giới - chứng kiến ​​đàn lợn của họ bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh đã buộc nước này phải tiêu hủy 40% tổng đàn lợn, khiến giá thịt lợn trong nước tăng hơn gấp đôi vào cuối năm 2019. “Giá thịt lợn thế giới cũng theo đó mà tăng 25% do Trung Quốc nhập khẩu nhiều thịt lợn hơn và kéo nguồn cung ra khỏi thị trường”, theo PIIE.

“Tiếp đó Trung Quốc đã giảm áp lực giá nội địa vào đầu năm 2019 bằng các sắc thuế đối với thịt lợn nhập khẩu vào năm 2020 và năm nay khi dịch bệnh thuyên giảm. Các chính sách này đã tiếp tục ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới”, các nhà phân tích của PIIE cho biết.

(CNBC)

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.