Viện Chăn nuôi heo Pháp (IFIP) đã đưa ra một phân tích sâu giúp định hình ngành công nghiệp chăn nuôi heo cũng như thị trường thịt lợn trong tương lai.
Theo các chuyên gia IFIP, cuộc chiến ở Ukraine là nguồn cơn dẫn đến căng thẳng hiện nay trên thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó rất có thể nó sẽ còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chăn nuôi. Còn đối với thị trường thịt lợn, tác động chính hầu hết là gián tiếp.
Nguyên nhân là do cán cân thương mại các sản phẩm thịt lợn giữa EU với Ukraine vốn đã bị hạn chế, trong khi với Nga đã “thất thường” kể từ năm 2014 liên quan đến lệnh cấm vận đầu tiên, sau đó là dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên trước những diễn biến mới trên mặt trận ngoại giao và kinh tế mới có thể sẽ tăng cường xuất khẩu thịt lợn và lúa mì từ Nga sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc- điều này có thể làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh trong lĩnh vực này đối với các nhà xuất khẩu châu Âu và Mỹ.
Tác động đến chi phí thức ăn chăn nuôi
Hậu quả chính của cuộc khủng hoảng Nga- Ukraine lần này liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu thô, nhất là giá lúa mì và ngô, trong đó Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Kể từ khi sự kiện bùng phát, thị trường kỳ hạn đã tăng mạnh. Ngoài ra xung đột dự kiến sẽ dẫn đến sự biến động và không chắc chắn trên thị trường khiến các nhà nhập khẩu lúa mì Nga và ngô Ukraine sẽ tìm kiếm các nguồn cung cấp khác (Argentina, Mỹ), trong khi trục Trung-Nga có thể củng cố.
Các lệnh trừng phạt kinh tế của các cường quốc phương Tây đã khiến tỷ giá đồng rúp Nga giảm mạnh. Nếu đồng rúp vẫn yếu, thì lợi thế cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu của Nga có thể bù đắp sức nặng của các lệnh trừng phạt và các tác động hậu cần của cuộc xung đột. Hàng hóa xuất khẩu của Nga cũng phải tuân theo chính sách hạn ngạch, và số lượng cũng phải bị kiểm soát chặt cho đến tháng 6 năm 2022.
Cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất thịt lợn của Ukraine, cũng như hoạt động nhập khẩu của nước này. Điều đó sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức đến thị trường châu Âu, mặc dù nó sẽ được nhắm mục tiêu và có giới hạn.
Trong những năm gần đây, sản xuất thịt lợn ở Ukraine khá ổn định, với gần 750.000 tấn hàng năm. Nhu cầu tiêu thụ nội địa chậm do sức mua hạn chế, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng năm 2014, dẫn đến mức tiêu thụ dưới 20 kg thịt/đầu người/năm, thấp hơn nhiều so với nước láng giềng Ba Lan.
Lượng nhập khẩu chỉ giới hạn ở nguồn cung cấp bổ sung thịt, nội tạng và mỡ cho các nhà chế biến và chiếm khoảng 5% nguồn cung trong nước. Sản lượng cả nước cũng bị hạn chế trong những năm gần đây do sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi. Cuộc xung đột đang diễn ra sẽ tạm thời gián đoạn hoạt động sản xuất thịt lợn của Ukraine, cũng như hoạt động thương mại với các đối tác của nước này.
Mỗi năm EU xuất khẩu khoảng 93.000 tấn thịt lợn và các sản phẩm phụ sang Ukraine. Ukraine được ví là thị trường thoát hiểm cho thịt lợn châu Âu khi nguồn cung ở EU quá dồi dào và nhu cầu châu Á suy yếu. Năm 2021, doanh số xuất khẩu thịt lợn sang Ukraine tăng gần 16%. Do đó, chiến sự Nga-Ukraine có thể là một khó khăn thực sự đối với các nhà xuất khẩu thịt của Ba Lan, quốc gia bán tới 55.3000 tấn mỗi năm.
Một tác động khác đối với hoạt động sản xuất của Ukraine: dự kiến sẽ giảm nhập khẩu động vật sống, đặc biệt là nhu cầu đàn lợn giống. Năm 2021, Ukraine nhập khẩu 6.200 con giống, trị giá 4,9 triệu euro. Các công ty cung cấp giống của Đan Mạch chiếm tới 58% nguồn cung và Pháp 37%, tương đương 2.260 con giống (trị giá 1,3 triệu euro) rất có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng tới.
Chiến sự dự báo cũng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và xuất khẩu của Nga vốn đã chậm lại do dịch tả lợn Châu Phi tái xuất. Chiến lược dài hạn của nước này là tiếp tục mở rộng ngành thịt lợn và trở thành nhà thịt hàng đầu thế giới. Xung đột có thể dẫn đến việc Nga giảm xuất khẩu ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì do những khó khăn về hậu cần từ các lệnh trừng phạt quốc tế, nhất là tình hình hoạt động tại Biển Đen, một điểm trung chuyển cho xuất khẩu nguyên liệu thô của Nga và Ukraine. Do vậy nguồn nguyên liệu dồi dào trên đất Nga, có thể là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành lượng thịt lợn dư thừa lớn hơn đối với các thị trường xuất khẩu.
Về thương mại, Ukraine và Belarus là những cửa ngõ chính cho thị trường Nga. Những xáo trộn địa chính trị ở khu vực này sẽ tác động đến hoạt động buôn bán thịt lợn. Dòng chảy sang Ukraine, vốn đang ở mức 4.000 tấn mỗi tháng đã bị dừng lại.
Trong bối cảnh thị trường châu Á cạnh tranh gay gắt, sự phát triển của thị phần Nga sẽ tác động đến các nhà xuất khẩu châu Âu. Kể từ khi Nga đạt được khả năng tự cung tự cấp, nước này đã phát triển xuất khẩu sang các thị trường thế giới. Năm 2021, Nga đã xuất khẩu 250.000 tấn thịt lợn và các sản phẩm cùng loại. Thị trường chính không chỉ ở châu Âu (Ukraina, Belarus) mà còn ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Kazakhstan và Hồng Kông...
Trong nhiều năm, Nga từng là đối tác lớn của EU trong lĩnh vực chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, kể từ lệnh cấm vận năm 2014, mối quan hệ giữa hai khối gần như không tồn tại. Nga nhập khẩu số lượng tối thiểu thịt lợn và các sản phẩm phụ (14.700 tấn), và EU chỉ chiếm 10% nguồn cung của nước này.
Năm 2021, EU và Canada đã xuất khẩu gần 14.100 con lợn sang Nga, với giá trị 12 triệu euro. Dự báo thương mại sang Nga có thể bị gián đoạn, điều này sẽ khiến Đan Mạch (25% nguồn cung) và Hà Lan (37%) bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn nữa, các công ty cung cấp giống hiện đang phải hứng chịu việc đóng cửa không phận của Nga, trong khi các phương án thay thế máy bay của các công ty hàng không Nga rất khan hiếm và chi phí đắt hơn.
Tóm lại, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ làm gián đoạn dòng chảy thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tác động trực tiếp của cuộc xung đột là hạn chế đối với hầu hết các nhà xuất khẩu quốc tế lớn, do Ukraine và Nga tham gia tương đối ít vào thương mại quốc tế đối với các sản phẩm thịt lợn.
Các công ty giống lợn châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do bị mất dòng tiền bán đàn lợn giống sang Ukraine và Nga trị giá 13,7 triệu euro mỗi năm. Dự báo trong trung hạn, căng thẳng giữa Nga và phương Tây có thể tạo lợi thế cho ngũ cốc và thịt lợn xuất xứ từ Nga, do đó sẽ cạnh tranh với các nước khác, bao gồm cả EU.