| Hotline: 0983.970.780

Phân hữu cơ có thay thế hoàn toàn được phân hoá học trong sản xuất lúa?

Thứ Năm 12/05/2022 , 06:45 (GMT+7)

Phân hữu cơ và vô cơ mỗi loại đều có vai trò, ưu thế và tầm quan trọng khác nhau. Vấn đề là cần sử dụng cân đối, hợp lý giữa 2 loại.

Phân hữu cơ cũng cần dùng đúng cách

Bài liên quan

Phân bón hữu cơ có thể thay thế hoàn toàn cho phân bón hóa học hay không?” Đây là câu hỏi, cũng là trăn trở của ngành nông nghiệp nhiều địa phương vùng ĐBSCL, bởi lẽ, tập quán canh tác lâu nay của nông dân trong vùng là hầu như chỉ sử dụng phân hóa học bón cho đất lúa.

Trong điều kiện sản xuất theo định hướng thị trường, hướng đến phục vụ nhu cầu xuất khẩu hiện nay, tập quán này đã có nhiều thay đổi, nông dân dịch chuyển sang nhiều giải pháp canh tác tiên tiến để giảm chi phí đầu vào như: Sạ thưa để giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất… Đặc biệt trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất, giảm sử dụng phân bón hóa học và thay thế dần bằng phân bón hữu cơ.

Phân bón vô cơ lâu nay đã được nông dân ĐBSCL sử dụng thành thói quen khó bỏ. Ảnh: Kim Anh.

Phân bón vô cơ lâu nay đã được nông dân ĐBSCL sử dụng thành thói quen khó bỏ. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Mới đây, tại cuộc họp triển khai quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL do Cục Trồng trọt tổ chức tại TP Cần Thơ, lãnh đạo một số Sở NN-PTNT đã nêu ý kiến băn khoăn về việc sử dụng phân bón hữu cơ hiện nay.

Đối với tỉnh Tiền Giang, quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh về vấn đề canh tác lúa là muốn nông dân có lợi nhuận, thu nhập cao, nên chỉ còn cách giảm giá thành sản xuất, bởi hiện nay năng suất lúa của tỉnh đã đạt ngưỡng. Để làm được điều này, phải giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đưa ra ví dụ điển hình: Đơn vị đã thử nghiệm lấy 350 mẫu đất ở các huyện trong tỉnh, kết quả cho thấy lượng chất dinh dưỡng trong các mẫu đất khác nhau hoàn toàn, từ đó có thể biết được vùng đất nào giàu dinh dưỡng, vùng đất nào bị thiếu dưỡng chất và sẽ bù bồi đắp vào bằng phân bón hữu cơ, góp phần cải tạo đất, kéo theo giảm được lượng phân bón hóa học.

“Phải có phân hữu cơ, vì hữu cơ là cải tạo đất, làm cho đất tơi xốp, tăng cường hút chất dinh dưỡng nhanh nhất để cây lúa tăng năng suất, chứ không phải sử dụng phân hữu cơ để thay thế phân hóa học”, ông Men nêu ý kiến.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cũng nêu quan điểm, cá nhân ông cho rằng canh tác lúa gạo mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ là không thành công. Bởi với đặc thù ngành lúa gạo trồng 3 vụ, nếu chỉ sử dụng phân hữu cơ theo ông Thọ năng suất sẽ không đạt.

Là đồng bằng phù sa, nhưng rất nhiều khu vực ở ĐBSCL hiện nay chất lượng hữu cơ trong đất lúa lại rất thấp. Ảnh: Trọng Linh.

Là đồng bằng phù sa, nhưng rất nhiều khu vực ở ĐBSCL hiện nay chất lượng hữu cơ trong đất lúa lại rất thấp. Ảnh: Trọng Linh.

Bài liên quan

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thông tin: Hiện nay đối với vùng đất lúa canh tác 2 vụ, 3 vụ/năm, chương trình canh tác lúa thông minh của Công ty đã phân tích được hàm lượng hữu cơ trên đất rất phong phú. Tuy nhiên chất lượng hữu cơ trong đất lúa lại không có.

Ông Tâm đặt ra vấn đề, việc sản xuất phân bón hữu cơ hiện nay đa phần là lấy than bùn chưa được hoạt hóa, khi đưa vô đất sẽ không có nhiều tác dụng. Nếu sử dụng phân hữu cơ không đúng cách, sẽ vô tình làm ngộ độc hữu cơ, cây lúa càng chết thêm.

“Nếu sử dụng phân hữu cơ, phải có sự quy hoạch như thế nào, trên vùng đất phèn, vùng đất phù sa, đất trũng có sử dụng được hay không, sử dụng ra sao...? Điều này cần có một hội nghị khoa học để thảo luận và đưa ra kết luận cụ thể về việc sử dụng phân hữu cơ như thế nào cho hợp lý”, ông Tâm cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết sẽ nhanh chóng tổ chức một hội thảo để đánh giá về việc sử dụng phân bón trên cây lúa. Ông Cường nhấn mạnh: “Rõ ràng trong trồng cây ăn quả, việc sử dụng phân bón hữu cơ rất tuyệt vời nhưng chưa hẳn trồng lúa sử dụng hữu cơ đã là tối ưu".

Hữu cơ và vô cơ, cái nào cũng cần

Trao đổi với PGS. TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ông Phụng khẳng định: “Phân bón hữu cơ không thể thay thế hoàn toàn cho phân hóa học”.

Theo PGS. TS Mai Thành Phụng, việc bón phân hữu cơ vừa giúp tăng hiệu quả của việc sử dụng phân hóa học, vừa có thể cắt giảm từ 20 – 30% lượng phân hóa học, nhưng nếu sử dụng phân hữu cơ để thay thế hoàn toàn phân hóa học là điều không thể.

Phân hữu cơ và phân hóa học đều có vai trò quan trọng khác nhau, đồng thời tương hỗ cho nhau nhằm giúp cây trồng cho năng suất, chất lượng sản phẩm tối ưu nhất. Ảnh: Kim Anh.

Phân hữu cơ và phân hóa học đều có vai trò quan trọng khác nhau, đồng thời tương hỗ cho nhau nhằm giúp cây trồng cho năng suất, chất lượng sản phẩm tối ưu nhất. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Giải thích nguyên nhân trên, PGS. TS Mai Thành Phụng cho biết trong phân hữu cơ có nhiều dưỡng chất và vi sinh vật quan trọng, việc bón phân hữu cơ góp phần làm tăng độ tơi xốp của đất, tăng khả năng giữ phân bón, giữ nước của đất. Từ đó khi nông dân sử dụng phân hóa học bón sẽ ít thất thoát hơn.

Khi đất được cung cấp đầy đủ lượng hữu cơ, sẽ góp phần giải phóng nhiều chất dinh dưỡng trong đất. “Cây lúa muốn có năng suất, chất lượng thì phải cân đối giữa các chất cây cần. Phải hoàn thiện bài toán làm sao đất nhả ra cho cây lúa ăn, muốn như vậy nông dân phải thực hiện cho đất nghỉ giữa các vụ lúa, cày ải, phơi

Bài liên quan

đất, tăng cường bón vôi. Cách làm này quyết định được 50% hiệu quả canh tác lúa. Bón thêm phân hữu cơ sẽ tăng thêm 20% hiệu quả. Như vậy, bài toán cuối cùng, chỉ còn lại khoảng 30% dành cho phân hóa học, hoàn thiện quy trình canh tác đạt năng suất, chất lượng tối ưu”, PGS. TS Mai Thành Phụng cho hay.

Đi sâu vào phân tích thành phần dinh dưỡng trong đất, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ: Lâu nay, do nông dân đã quen sử dụng phân bón hóa học trong thời gian dài, khiến đất bị “chai”, do đó cần phải bổ sung phân bón hữu cơ, nhưng phải sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bổ sung các chất trong đất không còn nữa.

“Giống như con người, mình cần phải tiêm chủng mình mới có sức đề kháng các loại bệnh. Cây trồng cũng cần bón phân vi sinh để trả lại các loại vi sinh trong đất bị mất đi”, GS Võ Tòng Xuân giải thích.

GS Võ Tòng Xuân (giữa) cho rằng, nông dân chỉ cần sử dụng 1/3 lượng phân bón hóa học như trước đây vẫn thường sử dụng, đi kèm với bón phân hữu cơ vi sinh vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng lúa. Ảnh: Trọng Linh.

GS Võ Tòng Xuân (giữa) cho rằng, nông dân chỉ cần sử dụng 1/3 lượng phân bón hóa học như trước đây vẫn thường sử dụng, đi kèm với bón phân hữu cơ vi sinh vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng lúa. Ảnh: Trọng Linh.

Vị chuyên gia về cây lúa nói thêm, tác dụng của các loại vi sinh này giúp các chất trong đất phân hủy, đồng thời làm cho rễ của cây lúa bám sâu vào đất để hấp thụ chất dinh dưỡng.

Theo GS Võ Tòng Xuân, đối với cây lúa, có ít nhất 16 loại dưỡng chất giúp chúng phát triển theo đúng đặc tính của cây. Trong đó, nhóm chất đa lượng C có trong khí trời, H có trong nước, không khí; nhóm phân bón hóa học nông dân vẫn hay sử dụng để bón cho đất gồm Ure, DAP, Kali. Như vậy, vẫn còn một nhóm dưỡng chất cây lúa chưa hấp thụ được.

Do đó, quan điểm của GS Võ Tòng Xuân, nông dân chỉ cần sử dụng 1/3 lượng phân bón hóa học trước đây nông dân vẫn hay sử dụng, đi kèm với bón phân hữu cơ vi sinh. Việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh sẽ giúp cây lúa hấp thu tốt dưỡng chất còn lại, cộng với hàng trăm loại vi sinh vật để "tiêm chủng" cho cây.

Tại hội thảo mới đây do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức với chủ đề sử dụng phân bón hiệu quả cho nghề làm vườn ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phân tích: Để phân bón phát huy hiệu quả trên cây trồng, cần cân đối giữ hữu cơ và vô cơ. Bởi ưu thế của hai loại phân bón đều rất khác biệt, việc cực đoan hóa sử dụng một trong hai loại đều sẽ mang hiệu quả tiêu cực cả về mặt kinh tế và môi trường.

GS.TS Bộ cho biết theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ dinh dưỡng 30% từ nguồn phân hữu cơ và 70% từ nguồn phân vô cơ là tối ưu cho phần lớn cây trồng để đảm bảo tăng năng suất, chất lượng, vừa góp phần ổn định độ phì nhiêu của đất. Do vậy, cung ứng phân hữu cơ chất lượng tốt cũng như phân vô cơ thế hệ mới với hiệu quả sử dụng cao là rất cần thiết.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.