Nông dân băn khoăn
Thời gian qua, giá vật tư đầu vào, nhất là phân bón tăng liên tục khiến chi phí sản xuất của người dân cũng tăng theo. Anh Đoàn Bạch Đằng, ấp Trung Hưng 1A, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Vụ thu đông hàng năm, chi phí sản xuất rơi vào khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/công (1.000m2). Năm nay, giá phân bón, vật tư đều tăng khiến cho chi phí sản xuất cũng tăng lên cao ngất ngưởng. Theo anh Đằng, chi phí sản xuất giá vụ thu đông năm 2021 của gia đình lên tới 2,3 - 2,5 triệu đồng/công, tăng trên 80% so với vụ trước.
Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang thu hoạch vụ lúa thu đông và vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2021. Theo tính toán của bà con nông dân, trong vụ lúa thu đông năm nay, không dân sẽ không có lợi nhuận nhiều, thậm chí là thua lỗ bởi vì buộc phải sử dụng phân bón với giá tăng quá cao.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, đến nay, vụ lúa thu đông đã xuống giống hơn 34.000ha (so với kế hoạch là 44.300ha) và trên 35.000ha lúa trên đất tôm (thấp hơn kế hoạch khoảng 3.000ha). Giá phân bón tăng cao khiến nông dân gặp khó khăn, trong đó nhiều nông dân chấp nhận bỏ vụ.
Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã phải tính đến phương án sản xuất cầm chừng, trong khi đó không ít hộ lại đang tính toán tìm cách cắt giảm lượng phân bón để giảm chi phí đầu tư.
Ông Trần Văn Đảng, ở ấp Thới Phước A, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ có 1,2ha đất lúa. Ông Đảng tính, giá phân bón hóa học hiện nay trung bình là 20.000 đồng/kg, 1 công lúa bón bình quân từ 45 - 50kg thì chỉ chi phí cho phân bón đã 1 triệu đồng/công. Còn tính hết các chi phí khác như giống, thuốc BVTV, công xới đất, công phun thuốc, công thuê máy thu hoạch lúa..., để sản xuất cho 1 công lúa ở vụ đông xuân, nông dân phải đầu tư tầm 2,5 - 2,8 triệu đồng/công.
Những ngày qua, có ý kiến đề xuất về giảm 50% phân bón để giảm giá thành vụ đông xuân tới, ông Trần Văn Đảng băn khoăn: “Mấy ngày nay, nghe thông tin trên báo đài có ý kiến nhà nông nên giảm 50% phân bón nhưng nông dân vẫn lo nếu giảm phân bón năng suất có đảm bảo hay không? Thường nông dân nào giờ có thói quen sử dụng phân thuốc hóa học và xem vụ lúa đông xuân là vụ chính trong năm vì nó cho lợi nhuận cao nhất đối với 2 vụ lúa còn lại”.
"Thật ra nhiều năm nay, nông dân sử dụng phân hóa học trong canh tác nông nghiệp rất lớn và khả năng còn tồn đọng một lượng nào đó trong đất. Vì vậy, nguồn dinh dưỡng trong đất vẫn còn nhiều, vì thế ở vụ đông xuân tới, nếu nông dân thực hiện việc giảm lượng phân bón cho cây trồng thì tôi nghĩ năng suất vẫn còn có thể đảm bảo.
Nếu thực hiện giảm phân bón vô cơ, trước mắt có thể cắt giảm phân urê, song song đó tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ ở từng giai đoạn thích hợp để cải tạo và tăng độ màu mỡ của đất...".
(Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp)
Ngành chức năng địa phương nói gì?
Nói về vấn đề này, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết: Công thức khuyến cáo chung về bón phân của các nhà khoa học cho 1ha lúa là: 90kg đạm; 45kg lân; 30kg kali (90N - 45S - 30K). Tức là 4,5 bao DAP (18%N - 46%P2O5), 1,5 bao kali (61% K2O) và 2 bao urea (46% N); tổng lượng phân bón gần 400 kg/ha.
Thực tế, nhiều vùng bà con sử dụng cao hơn công thức này thì giảm 50% ở những vùng sử dụng 160 hoặc là 200 đạm (N) vẫn đảm bảo theo công thức khuyến cáo và vẫn đạt năng suất tối ưu.
Nếu công thức các nơi đang sử dụng là 150 - 160 N, khi giảm 50% lượng phân bón, xuống còn 75 - 80 N, nếu kết hợp đồng bộ với các biện pháp làm giảm thất thoát phân bón, giúp cây lúa hấp thu nhanh thì có thể chấp nhận được. Chẳng hạn ở giai đoạn đẻ nhánh, bà con có thể chia ra làm nhiều lần bón để giúp cây lúa hấp thu tốt nhất, không bị rửa trôi và có thể giúp giảm thêm một lượng đáng kể phân bón.
“Thông thường trên 1 m2 giai đoạn tới khi lúa trỗ, cây lúa có đến khoảng 1.000 - 1.200 tép. Tuy nhiên, đến khi lúa trỗ xong thì chỉ còn lại 600 - 700 tép. Những tép này ăn phân mà không cho năng suất, làm tiêu hao phân bón. Do đó, mình cứ mạnh dạn khống chế ở giai đoạn đẻ nhánh làm sao đạt 700 - 800 tép, tới khi trổ còn lại 600 tép là vừa. Đó cũng là một cách giảm phân.
Nói chung mình cũng làm nhiều mô hình giảm phân, giảm giống nhưng nông dân chưa mạnh dạn áp dụng. Giảm xuống còn chừng nửa bao phân đến 35 kg/công là tốt nhất”, ông Võ Văn Men cho biết thêm.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long thì cho rằng: “Giảm phân bón trên cây lúa, cây ăn trái đều có thể được, nhưng việc giảm phân hoá học thì cần tăng cường phân hữu cơ hoặc cần bón đúng nhu cầu dinh dưỡng của cây để tiết kiệm phân bón, tránh lãng phí.
Thí dụ trên cây lúa, thông thường nông dân nhận định tới giai đoạn là phải bón, còn bây giờ nông dân bón theo bảng so màu lá lúa. Tức là thấy nhu cầu của cây đang thiếu thì mình bón thì cũng góp phần để mà giảm lượng phân bón".
Cũng theo ông Phúc, ngày xưa, nông dân quen bón 100 kg N, bây giờ có thể giảm xuống song hành với giảm lượng giống gieo sạ. Ngày xưa sạ 15kg giống/công, bây giờ giảm xuống còn 10 - 12kg thì kéo được lượng phân bón xuống.
"Tôi nghĩ nếu giảm 50% lượng phân bón vô cơ như đề xuất thì khả năng vẫn có thể chấp nhận được về mặt năng suất, nhưng muốn giảm được thì nông dân phải nắm được rất chắc về kỹ thuật bón khoa học. Chứ không phải nói giảm 50%, ngày xưa bón 10 bây giờ còn 5 thì chưa có rõ ý cho nhà nông sử dụng. Nông dân phải biết kỹ thuật giai đoạn nào sử dụng cái gì, lúc nào cây cần… để bón đồng bộ theo những phương pháp khác nhau mới có thể giảm được lượng phân bón đáng kể”, ông Phúc nêu quan điểm.
Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cho hay: Việc tiết giảm phân bón trong sản xuất, ngành nông nghiệp Đồng Tháp lâu nay đã khuyến cáo nông dân rất nhiều, giúp giảm giá thành đầu tư, tăng lợi nhuận.
Thay vì trước giờ các vùng trồng lúa chuyên sử dụng phân thuốc vô cơ 100%, giờ giá phân tăng cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ để giảm giá thành. Từ đó đồng nghĩa sử dụng phân bón hóa học giảm đi từ 30 - 40% thì cây trồng cũng không bị ảnh hưởng về mặt năng suất ở vụ đầu giảm phân.
Trong vụ đông xuân tới đây, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang đưa ra khuyến cáo nên bón lót vùi phân bón NPK và kali trước khi xuống giống. Đây cũng là hình thức giảm lượng phân bón trong sản xuất lúa từ 20 - 25% so với truyền thống. Từ việc giảm phân bón vô cơ đó, có thể giúp nông dân dần dần nhận thức mà chuyển sang dùng phân bón hữu cơ sinh học để có hướng đi bền vững.
Doanh nghiệp đồng tình
Ông Nguyễn Văn Đém, Giám đốc Công ty TNHH Phì Nhiêu ở TP Cần Thơ là nhà cung cấp các mặt hàng phân bón cho các đại lý ở ĐBSCL cho hay: Thời gian qua, có ý kiến của lãnh đạo ngành trồng trọt đưa ra ý tưởng đề xuất giảm 50% phân bón cho vụ lúa đông xuân 2021 - 2021 để thích ứng trong tình cảnh giá phân bón tăng cao. Mặc dù ông là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành phân bón nhưng rất đồng tình ủng hộ quan điểm này.
Theo ông Đém, thay vì trước đây nông dân canh tác theo truyền thống, sử dụng phân vô cơ (phân hóa học) ở vụ đông xuân khoảng 45 - 50 kg/công, vụ hè thu khoảng 55 - 60kg phân bón/công. Giờ giá phân bón tăng cao, nông dân có thể thích ứng nên chọn cách áp dụng chuyển sang dùng phân bón hữu cơ và hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học. Điều này có thể giúp nông dân tiết kiệm khoảng 500 - 700 ngàn đồng/công/vụ so với sử dụng 100% phân hóa học.
Theo ông Đém, để nông dân làm và áp dụng theo cách giảm 50% sử dụng phân bón vô cơ ở vụ đông xuân 2021 - 2022 tới đây thành công, ngay từ bây giờ, các nhà chuyên môn và ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh khuyến cáo và có những lớp tập huấn để nông dân có cơ sở và tin tưởng để áp dụng làm theo.