| Hotline: 0983.970.780

Bản nghèo sống thấp thỏm trên mỏ đất hiếm

Thứ Năm 18/01/2024 , 10:38 (GMT+7)

LAI CHÂU Sinh sống, canh tác trên mỏ đất hiếm hàng chục năm song chưa khi nào người dân bản Màu thấy thấp thỏm như hiện nay khi có đơn vị thăm dò, tiến tới khai thác.

Một góc bản Màu, xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ, Lai Châu). Ảnh: H.Đ.

Một góc bản Màu, xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ, Lai Châu). Ảnh: H.Đ.

Trồng ngô, lúa trên mỏ đất hiếm

Đất hiếm thực sự có giá trị bởi công dụng của chúng trong các ngành công nghiệp công nghệ cao để sản xuất chip bán dẫn, thiết bị điện tử, ô tô điện... Thế nhưng người dân ở bản Màu, xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ, Lai Châu) không quá quan tâm về những ứng dụng của đất hiếm. Việc bà con quan tâm lúc này là cuộc sống của họ sẽ ra sao sau khi có thông tin toàn bộ bản sẽ phải di dời, nhường chỗ cho Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải (địa chỉ tổ 10, phường Đoàn Kết, TP Lai Châu) triển khai dự án khai thác đất hiếm tại đây.

'Các con tôi đi công tác hết rồi nhưng ở đâu cũng phải có chỗ ở sạch sẽ rộng rãi một tí, có nước, có vườn, ruộng nương để làm ăn. Cũng mong doanh nghiệp sẽ đền bù thích đáng cho người dân. Tôi cũng nghe sẽ có Công ty Hưng Hải vào khai thác nhưng đến nay không rõ thế nào', bà Sừn Thị Lỳ ở bản Màu, xã Nậm Xe nói.

Người dân bản Màu sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Cuộc sống của bà con cũng không dư giả, trồng cấy quanh năm để có cái ăn hằng ngày. Xung quanh khu vực này không có những nhà máy lớn, khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm khác thay thế. Nhiều người trẻ trong bản muốn có thu nhập đều đặn theo tháng đã ‘khăn gói’ đi xuôi tìm việc ở các công ty, xa quê, vất vả. Số người ở lại thì tất tả với cuộc sống ruộng đồng.

Lo lắng Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải sẽ vào khai thác đất hiếm, người dân phải dời đi nơi ở, bà Nùng Thị Yến sống ở bản Màu, xã Nậm Xe cho biết, 'gia đình tôi có ít đất sản xuất, khoảng một hécta trồng lúa, ngô và sắn. Giải tỏa để nhường đất cho dự án thì chúng tôi đồng ý thôi nhưng mong muốn di dời tới chỗ ở mới đàng hoàng hơn và có ruộng đất để canh tác. Chúng tôi không có bằng cấp gì nên công ăn việc làm cũng khó khăn. Ở đây, ruộng đất nhà mình có thì làm nương, làm ruộng để có cái ăn, để có tiền nuôi con’.

Cũng theo bà Yến, có thông tin giải toả ở ruộng trước để xây nhà máy, nên người dân cũng lo không có chỗ để trồng lúa. Mỗi năm gia đình bà phải cấy 2 vụ lúa, được 30 bao thóc, vì cấy một vụ là không đủ ăn.

Người dân lo lắng vấn đề di dân, đất canh tác sau khi dự án khai thác đất hiếm đi vào hoạt động. Ảnh: H.Đ.

Người dân lo lắng vấn đề di dân, đất canh tác sau khi dự án khai thác đất hiếm đi vào hoạt động. Ảnh: H.Đ.

Đối tác công ty dính líu vụ án về đất hiếm

Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải được UBND tỉnh Lai Châu cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án khai thác chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe (huyện Phong Thổ) ngày 29/4/2022; được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản số 269/GP-BTNMT ngày 18/2/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường… Theo đó, công ty này được lập dự án khai thác quặng kim loại đất hiếm và khoáng sản đi kèm với công suất 600 nghìn tấn/năm trên diện tích đất cho dự án là 181,95ha, trong đó gồm đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa nước, đất nương rãy… Khoảng 100 hộ dân sinh sống trong khu vực dự án bị ảnh hưởng (hơn 70 hộ thuộc bản Màu) nên chủ đầu phải có phương án bố trí tái định cư…  

Ông Trang Văn Giàng ở bản Màu cho hay, 'trước đây dân làng chúng tôi đất sản xuất là đủ ăn, nếu di dân chúng tôi thì phải có chỗ ăn chỗ ở ít nhất như cũ chứ đừng mang đi xa quá. Chúng tôi người Giáy ở đây làm chỗ nào cũng như nhau cả thôi nhưng chỗ nào đất của nhà nước thì nhà nước lấy, đất của dân thì đền bù. Nương rãy chúng tôi trồng sắn, trồng ngô, trồng hoa màu còn nhà hơn trăm mét vuông thôi'.

Cũng theo ông Trang Văn Giàng, bà con ở đây chưa bao giờ đào lên để lấy đất hiếm xem nó như thế nào bởi đây đều là nơi canh tác của bà con. Đối với họ có lẽ những mảnh ruộng, mảnh nương nuôi sống họ còn giá trị hơn tất cả.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải và cơ quan tư vấn Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim, công ty khẳng định có công nghệ chế biến phù hợp với đặc điểm và tính chất quặng đất hiếm mỏ Bắc Nậm Xe; đồng thời, công ty cũng đã tìm kiếm và là đối tác Công ty Cổ phần đất hiếm Việt Nam...

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần đất hiếm Việt Nam là đơn vị có liên quan đến vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, buôn lậu... 

Điều đó, khiến những người dân ở bản Màu càng lo lắng cho việc thực hiện dự án của chủ đầu tư là Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải. Khi mà ở Lai Châu, Công ty Hưng Hải được biết đến nhiều với vai trò chủ đầu dự án thủy điện. 

Những bao mẫu quặng đất hiếm chứa trong kho ngay đầu bản Màu. Ảnh: H.Đ.

Những bao mẫu quặng đất hiếm chứa trong kho ngay đầu bản Màu. Ảnh: H.Đ.

Khu vực mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe đã có tuyến đường nhựa chạy qua, thuận lợi để bà con lên nương, làm rãy, trồng chuối... Đây cũng là tuyến đường đến trung tâm khu mỏ, đi qua các khối trữ lượng trong ranh giới khai thác mỏ. 

Theo chính quyền địa phương, Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải đã bắt đầu công tác lấy mẫu. Các mẫu này được đóng vào bao tải về để trong khu nhà tôn nằm phía đầu của bản Màu. Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp từ dự án.

Ông Nùng Văn Mằn, Bí thư kiêm Trưởng bản Màu cho biết, công ty vào tận bản lấy ý kiến tham vấn cộng đồng về tác động môi trường. Một số ý kiến bà con nhất trí nhưng cũng chưa lấy ý kiến được cả bản; nhiều ý kiến chưa tham khảo được. Công ty có tư vấn nếu khai thác phải di dời toàn bộ, không ở được chỗ cũ, mặc dù hiện nay bà con vẫn đang canh tác bình thường. 

Trong khi đó, ông Đỗ Huy Thanh, cán bộ Đồn biên phòng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) đặt câu hỏi, tại sao dự án chỉ di dời người dân ở bản Màu mà không di dời bản khác; nước mưa chảy tràn ảnh hưởng nguồn nước của địa phương thế nào? Khói bụi trong quá trình vận chuyển có ảnh hưởng đến giao thông hay không? Bản Màu đang có đất quốc phòng, bên Công ty Hưng Hải thu hồi như thế nào?

Ông Phàn Tiến Nghị ở bản Po Chà, xã Nậm Xe cho rằng, trong đất hiếm có phóng xạ thì khi khai thác có ảnh hưởng đến người dân không? Các biện pháp giảm thiểu thế nào? Chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm ra sao nếu để ảnh hưởng đến người dân?

Trước các vấn đề nêu trên, ông Đèo Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Nậm Xe cho hay, ‘công ty mới có chủ trương đầu tư, họp bản lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư, các đơn vị liên quan đang vào khảo sát, xã cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước thực hiện đầu tư. Đối với dự án có định hướng di dân tái định cư và tạo nguồn đất để sản xuất.

Tuy nhiên, có ý kiến của bà con trong quá trình khai thác sẽ ảnh hưởng môi trường và đời sống nhân dân thì sẽ xử lý thế nào? Xã hiện đang tiếp nhận ý kiến nhân dân và phối hợp cùng công ty để làm sao trong quá trình tổ chức thực hiện hạn chế việc ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là đất sản xuất phải được đảm bảo’.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.