| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2019);

'Phao cứu sinh' của chị em

Thứ Tư 27/02/2019 , 08:37 (GMT+7)

Những ai theo nghề y đều hiểu rằng, đó là con đường vô cùng gian nan, đầy chông gai, vất vả. Làm bác sĩ đã khó, các bác sĩ nam chuyên điều trị các bệnh nan y về phụ khoa càng khó trăm bề. 

Ngoài chuyên môn giỏi, phải là người thật yêu nghề, tận tâm với bệnh nhân mới có thể vượt qua tất cả, để “đổi lấy” sự mến mộ, ánh nhìn đầy kính trọng, và nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân. Tại Bệnh viện Ung Bướu (BVUB) TP.HCM thì bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, trưởng khoa Ngoại 1 là 1 người như thế.
 

Giành giật sự sống từ tử thần

Tiến sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông con, cha mẹ làm nghề nông tại xã Mỹ Tân, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Nhớ lại tuổi thơ khốn khó, anh kể: “Hồi ấy, em út của tôi bị bệnh, nó đã chết trên tay tôi. Thương cha mẹ nghèo, thương đứa em xấu số đã tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, học ngày học đêm để vào được trường y. Có những lúc gia đình tưởng tôi bị điên, vì không biết gì ngoài việc cắm đầu vào học. Và thế là tôi đậu vào trường ĐH Y Dược TP.HCM”.

11-46-05_hinh_3
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến đang khám bệnh

Năm 1991, Tiến tốt nghiệp trường Y, nhưng mãi đến năm 1993 sau khi vượt qua kỳ thi tuyển, anh mới được nhận vào làm tại BVUB TP.HCM. Sau 2 năm luân chuyển đi các khoa, anh được phân công về Khoa ngoại 1 (ngoại ung thư phụ khoa). Và từ đó cho đến nay, suốt hơn 26 năm làm nghề, anh đã gắn bó với Khoa Ngoại 1, thường xuyên “chinh chiến” trong những tình huống ngàn cân treo sợi tóc.

Phải chứng kiến bao nhiêu hoàn cảnh đau lòng, bao nhiêu cô gái mới lớn tương lai đang rộng mở, bao nhiêu người phụ nữ khao khát được làm mẹ… thì đùng một cái nhận được kết quả ung thư phụ khoa phải cắt hết tử cung, không sinh đẻ được, phải hóa trị đến đầu không còn một cọng tóc và sự sống chỉ tính từng tháng, từng ngày... mới thấy đau lòng. 

Có những người vì hoàn cảnh khó khăn không tiền chữa trị, có người bị chồng, người yêu xa lánh, thậm chí phải tự tử. Chính những điều ấy, đã thôi thúc anh quyết tâm học hỏi và tìm ra những phương pháp tốt nhất để cứu những người phụ nữ xấu số, tìm lại cuộc sống cho họ. Và với họ - những bệnh nhân đang cầm trên tay “án tử” thì BS Tiến như một vị anh hùng, như phao cứu sinh.

Để mở rộng phẫu thuật ung thư (PTUT) phụ khoa, năm 2015 anh quyết định mở rộng PTUT phụ khoa bằng cách đi học phẫu thuật nội soi tại BV Từ Dũ. Và, anh là người đầu tiên áp dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị ung thư phụ khoa. “Ngày đêm tôi tìm tòi trên mạng xem cả trăm video clip và học hỏi các bậc tiền bối, cho đến hôm nay tôi có thể tự hào là người đầu tiên của Việt Nam mổ phẫu thuật nội soi ung thư phụ khoa nhiều nhất với trên 200 ca”, anh chia sẻ.
 

Hạnh phúc là nụ cười của bệnh nhân

Những năm qua, rất nhiều ca ung thư phụ khoa khủng và phức tạp, có những ca bướu “khủng” từ vài chục ký đến 40kg đều được anh và các bác sĩ khoa Ngoại 1 mổ thành công. Anh kể: “Ấn tượng nhất là lần tôi là mổ cho một em học sinh nghèo. Khi đó, người nhà xin cho em về nằm chờ chết, nhưng chúng tôi đã thuyết phục, cố giữ lại để mổ cũng như vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí cho em, thế rồi điều tuyệt vời cũng đã đến, em đã được cứu sống”.

11-46-05_hinh_1-
Bác sĩ Tiến thăm khám bệnh nhân
Ung thư khiến người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, khiến người chồng đau đớn chia xa người vợ, khiến niềm tin kiệt quệ hy vọng lụi tàn. Nỗi đau không thể diễn tả bằng lời. Không chỉ có trái tim quả cảm và nhân hậu, mọi việc chữa trị của bệnh nhân, vị bác sĩ ấy tâm niệm rằng đã giúp thì giúp hết mình. BS Tiến đã quyên góp tiền xây nhà tình thương, mỗi năm từ 15-20 căn nhà trao cho người nghèo ở khắp mọi nơi, và hỗ trợ vài trăm triệu cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Khoa Ngoại 1. Được biết, năm 2019, anh sẽ vận động xây 5 cây cầu, mỗi cây trị giá 100 triệu đồng cho các tỉnh.

Hay trường hợp bệnh nhân N.T.N (28 tuổi, ở Vĩnh Long) bị dị sản tế bào cổ tử cung độ 3 (CIN 3), tức là tổn thương tiền ung thư và nhiễm HPV (virus gây u nhú ở người) tuýp 16. Bệnh nhân được tiến hành khoét chóp, carcinom tế bào gai xâm lấn của cổ tử cung, và được chỉ định phẫu thuật cắt tử cung tận gốc (nghĩa là sẽ không thể có con). Tuy nhiên, bệnh nhân mới đính hôn và tha thiết muốn có con.

“Điều này có rất nhiều nguy cơ do trong quá trình mang thai hay thậm chí chưa kịp mang thai, bệnh đã phát triển nghiêm trọng. Bệnh nhân cương quyết nếu không giúp, thì thà chết chứ không phẫu thuật. Đứng trước tình thế đó, chúng tôi đã chọn phương án cắt cổ tử cung, chừa lại thân tử cung để mang thai và sinh nở. Có 2 khả năng có thể xảy ra là có thể tái phát sau mổ; nếu tái phát sẽ phải mổ lại và cắt tử cung tận gốc. Hai, nếu phẫu thuật bảo tồn thành công, theo ghi nhận của y văn thế giới thì khả năng mang thai theo con đường tự nhiên chỉ có 40 - 50%”, anh kể lại. 

Và mới đây là trường hợp một bệnh nhân bị tâm thần 30 năm nay, được chẩn đoán bướu vùng chậu, Sarcom trước xương cùng xâm lấn xương cùng cụt và vách chậu chèn ép niệu quản 2 bên gây thận ứ nước độ 3 và chèn ép thần kinh bịt gây yếu liệt chân không đi lại được.

“Dù các BS khác đã từ chối phẫu thuật, nhiều người lo ngại vì bệnh nhân quá yếu, bướu dính phức tạp, lại bị tâm thần bất định nên khuôn mặt chị luôn đau đớn, phải nằm liệt trên giường... Thế mà khi nhìn thấy chúng tôi, khuôn mặt ấy như van xin cứu mạng. Tôi quyết định sẽ phẫu thuật để tìm lại sự sống dù nhỏ nhoi. 4 giờ chiến đấu giành giật sự sống. Hàng trăm miếng gạc to nhỏ, nhiều vật dụng được mang ra dùng, cả phòng mổ như một chiến trường. Sau 2 lần phẫu thuật, bệnh nhân đã bình phục, 2 chân cử động được", anh kể.

Cuộc đời này thật thú vị, ranh giới giữa anh hùng và kẻ thua cuộc, người tốt và kẻ xấu, thiên thần và ác quỷ... rất mỏng manh. Nhưng bất kỳ ai đã là bác sĩ đều hiểu rằng đây là con đường nhiều chông gai hiểm trở, người thầy thuốc dù cố gắng cách mấy cũng không tránh khỏi những mũi gai vô hình. Phẫu thuật cứu sống cả nghìn ca chưa chắc nhận một lời khen nhưng không may sơ sẩy một ca bệnh thì gánh nặng cả đời.

“Niềm vui lớn nhất của người bác sĩ là mình đã chiến thắng bản thân, chiến thắng sự tự ti, nhút nhát, sợ trách nhiệm, buông xuôi, luôn dốc lòng học hỏi tiến về phía trước để người bệnh ra đi mà không ai có thể đổ lỗi cho mình được. Không có cuộc chiến nào mà không trải qua thất bại, nhưng thất bại trận này sẽ là thắng lợi của hàng trăm trận sau này. Là một bác sỹ đầu ngành chỉ một quyết định sai lầm là cái giá phải trả, đó là sinh mạng của bệnh nhân”, BS Tiến nhấn mạnh.

Hạnh phúc của người bác sĩ ấy chính là nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân khi được xuất viện. Thấm nhuần lời dậy của Bác, “lương y như từ mẫu”, cùng với hậu phương vững chắc, người bác sĩ ấy luôn vượt qua chính mình, làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc và luôn giữ cho chiếc áo blouse trắng ấy mãi tinh khiết.

P.Thy, một bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn 2 điều trị tại Khoa Ngoại 1, cho biết: “Khi biết mình bị bệnh tôi rất sốc và lo sợ, nhưng khi được nghe chính BS Tiến phân tích kỹ, giải thích tận tâm về bệnh tình nên tôi đã tự tin bước vào cuộc phẫu thuật. Anh ấy thật sự là một bác sĩ có tâm, có đức, sáng nào cũng đi các khoa phòng hỏi thăm cặn kẽ từng bệnh nhân, không phân biệt người nào. Khi hết đợt phẫu thuật, anh còn gọi điện hỏi han sức khỏe, hướng dẫn cách điều trị tiếp”.

 

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.

Bình luận mới nhất