Chạy nước rút hoàn thành công trình
Theo kế hoạch triển khai các hoạt động chính Dự án Chuyển đổi nông nghiệp biền vững tại Việt Nam - VnSAT, khả năng 4 tháng cuối năm 2020 các tỉnh tại ĐBSCL tham gia dự án sẽ giải ngân 301 tỷ đồng vốn vay IDA, 22 tỷ đồng vốn đối ứng.
Hiện nay, các địa phương đang chạy nước rút, tăng cường giám sát, đẩy nhanh tiến độ thi công các tiểu dự án đợt 2, sớm hoàn thành nghiệm thu và bàn giao cho các tổ chức nông dân đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Sóc Trăng là 1 trong 8 tỉnh, thành ĐBSCL tham gia dự án VnSAT và được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác đầu tư cơ sở hạ tầng. Ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc Bán quản lý dự án VnSAT Sóc Trăng cho biết, dự kiến đến cuối năm 2020, tỉnh sẽ giải ngân dự án đạt gần 38,7 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách tỉnh gần 8,2 tỷ và vốn IDA hơn 30,5 tỷ đồng. Giá trị thực hiện từ đầu năm đến tháng 10 là hơn 28,6 tỷ đồng và đã giải ngân được gần 27,7 tỷ đồng. Như vậy, giá trị giải ngân từ đầu dự án đến nay toàn tỉnh đạt trên 145 tỷ đồng.
Theo ông Những, đến nay tỉnh Sóc Trăng đã có 11 tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị cho Tổ chức nông dân được phê duyệt và lựa chọn nhà thầu triển khai thực hiện. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị cho 5 tiểu dự án đợt 1, gồm: HTX Nông nghiệp Tín Phát, HTX Nông sản Mỹ Hương 1, HTX Nông nghiệp Phước An, HTX Nông nghiệp Kiết Lập B và HTX Nông nghiệp Đoàn Kết. Đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 5/5 tiểu dự án.
Đợt 2 đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị 5 tiểu dự án, gồm: HTX Nông nghiệp 2/9, HTX Nông nghiệp Thạnh Trị, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Tiến, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi và HTX Nông nghiệp Thọ Hòa Đông A. Đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 5/5 tiểu dự án.
Đợt 3 có 1 tiểu dự án, đã được Ngân hàng Thế giới cho ý kiến không phản đối danh mục đề xuất đầu tư cở sở hạ tầng, trang thiết bị cho HTX Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Thắng.
Hiện Ban quản lý dự án đã được UBND phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và trao thầu. Tiếp tục triển khai thi công giám sát các gói thầu đã trao thầu: Tiểu dự án đầu tư cở sở hạ tầng cho HTX Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Thắng.
Tại Kiên Giang, Dự án VnSAT đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hàng chục Tổ chức nông dân/ HTX. Cụ thể, giai đoạn 1 đã thực 5 tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các Hợp tác xã: Kênh 4A, Kênh 7A, Thạnh Hòa, Hòa Thuận 1 và Thành Đạt. Tổng kinh phí thực hiện là trên 21 tỷ đồng, trong đó vốn IDA là hơn 26,3 tủ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các tổ chức nông dân. Đến nay 2/5 tiểu dự án đạt từ 70 - 72% và 3 tiểu dự án đã hoàn thành.
Có 6 Tổ chức nông dân/HTX được xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2, gồm các tiểu dự án thực hiện tại HTX: Kênh 5A, kênh A, Kênh 7B, Phú Hòa, Vinacam và Thành Nguyên, tổng kinh phí trên 41,2 tỷ đồng, trong đó vốn IDA gần 38,4 tỷ đồng, vốn HTX đối ứng trên 2,8 tỷ đồng.
Thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững
Chuẩn bị cho giai đoạn gia hạn, giai đoạn 2021-6/2022, VnSAT Kiên Giang đã tiến hành căn cứ, đối chiếu theo QĐ 2470/QĐ-BNN-HTQTN của Bộ NN-PTNT và Nghị định 56/ND-CP của Thủ tướng chính phủ, nguồn kinh phí IDA còn lại hơn 112,8 tỷ đồng, báo cáo đề xuất 11 tiểu dự án.
Tại Tiền Giang, theo bà Lê Thị Yến, Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh cho biết: Dự án được thực hiện tại 20 xã thuộc huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, với mục tiêu trên 41 ngàn hộ dân được tiếp cận hưởng lợi. Hiện nay, bên cạnh việc chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa gạo có liên kết, bền vững… dự án đặt mục tiêu hỗ trợ cho 20 Tổ chức nông dân/HTX về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Đến nay, đã triển khai thực hiện hỗ trợ được 10 Tổ chức nông dân. Đầu năm đến nay, Dự án đã hoàn thành hỗ trợ hạ tầng tại 7 tổ chức nông dân, đang thực hiện tại 3 tổ chức nông dân. Dự kiến đến đầu tháng 12/2020 sẽ hoàn thành.
Hiện Dự án đã giải ngân được 26,8/33,3 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 cho các hạng mục hạ tầng như thế này. Sang năm 2021, Dự án tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo luật đầu tư công về xây dựng hạ tầng cho 10 tổ chức nông dân còn lại. Ban quản lý Dự án sẽ chọn các HTX đã được tập huấn đào tạo để triển khai đầu tư hạ tầng.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Trung (xã Mỹ Trung, Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: “Bên cạnh được tập huấn, đào tạo các lớp canh lúa theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, VietGAP... Dự án VnSAT còn hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng, thiết bị phục vụ sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho bà con.
Tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, Cái Bè, Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Nguyền, Giám đốc HTX cho biết: HTX được Dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng 1 nhà kho 1.000 tấn, 2 cống, 1 trạm bơm để phục vụ cho khoảng 450 ha sản xuất lúa. Dự án VnSAT còn hỗ trợ các thành viên HTX sản xuất lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên giảm được lượng giống gieo sạ, thuốc bảo vệ thực vật. Trên cơ sở đó, hoạt động sản xuất của các thành viên được thuận lợi và hiệu quả hơn. Thời gian tới, HTX sẽ đưa vào khai thác các cống, trạm bơm được Dự án VnSat hỗ trợ để phục vụ 450 ha sản xuất lúa.
Tại Long An, đến nay, Dự án VnSAT Long An đã hỗ trợ hạ tầng cho 11 tiểu dự án, với tổng mức đầu tư trên 79 tỷ đồng.
Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh phối hợp địa phương tổ chức các cuộc họp tham vấn cộng đồng, sàng lọc, đánh giá các tiêu chí và chọn được 11 Tổ chức nông dân/HTX đáp ứng yêu cầu tiêu chí dự án, đủ điều kiện để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng.
Song song đó, dự án tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, năng lực quản lý nhằm tuyên truyền, vận động thành viên HTX và các hộ hưởng lợi vùng dự án đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”.
Ông Ngân Văn Phi, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, Tân Hưng, Long An) cho biết: “HTX có diện tích sản xuất lúa 660 ha. Trong năm 2020, HTX được Dự án VnSAT đầu tư đường Huỳnh Nho hơn 1,5 km, 4 trạm bơm điện: Hồng Tươi, Năm Tuấn, T35 và KT35 và một đường dây điện 3 pha. Tổng kinh phí dự toán khoảng 13 tỷ đồng. Ngày 18/11 tới đây, HTX sẽ đưa các trạm bơm: T35 và Hồng Tươi vào hoạt động. Các trạm còn lại đẩy nhanh tiến độ sẽ đưa vào hoạt động ở vụ hè thu tới.”
Các biện pháp thúc đẩy dự án VnSAT tại ĐBSCL
Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành thường xuyên họp giao ban, đôn đốc thúc đẩy các hoạt động của dự án VnSAT. Đặc biệt là quan tâm đến vốn trung hạn 2021-2025, vốn đối ứng để thực hiện các hoạt động đào tạo tập huấn, liên kết chuỗi và các nội dung phải sử dụng vốn đối ứng theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Các Sở NN-PTNT, Ban quản lý dự án VnSAT các tỉnh, thành cần đẩy nhanh đề xuất các tiểu dự án đầu tư công, hoàn thành các thủ tục xin Ngân hàng Thế giới, để đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tăng cường giám sát, đẩy nhanh tiến độ dự án đợt 2, đợt 3, sớm bàn giao đưa vào sử dụng có hiệu quả. Tiếp tục có kế hoạch đào tạo, củng cố Tổ chức nông dân/ HTX đã xây dựng, liên kết chuỗi, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.
Các Ban quản lý dự án VnSAT kiện toàn bộ máy dự án, tăng cường bổ sung cán bộ cơ sở hạ tầng có kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư công, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian gia hạn dự án 2021-6/2022.
PHÚC NGHI