Ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có buổi gặp mặt với Đại sứ Chile tại Việt Nam ông Patricio Arturo Becker Marshall để trao đổi về tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản giữa hai nước, đồng thời đề xuất các phương án thúc đẩy hợp tác hai bên.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, Việt Nam và Chile đã thiết lập quan hệ được 50 năm, luôn ủng hộ và giúp đỡ nhau trong suốt quá trình gắn bó lâu dài, tuy nhiên sự phát triển về nông nghiệp của hai quốc gia vẫn chưa xứng với tiềm năng đôi bên.
Có thể thấy rõ cán cân thương mại nông - lâm - thủy sản khi Việt Nam chủ yếu nhập siêu (xuất khẩu sang Chile được 39,7 triệu USD, nhập khẩu từ Chile 232,9 triệu USD). Thứ trưởng mong muốn trong nhiệm kì này của Đại sứ, đôi bên sẽ hợp tác chặt chẽ, bảo đảm tính hiệu quả, tháo gỡ các vướng mắc, để đưa thương mại nông sản lên đúng với tiềm năng của hai nước.
Hiện nay, Việt Nam chưa xuất khẩu sản phẩm động vật nào sang Chile trong khi đã có tổng cộng 126 doanh nghiệp của Chile xuất khẩu sản phẩm động vật sang Việt Nam.
Trong khi đó Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã và đang xây dựng các chuỗi sản xuất và các vùng an toàn dịch bệnh, mong muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang Chile.
Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long mong rằng ngài Đại sứ sẽ có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền tại Chile để hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm động vật sang Chile.
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Long cũng đề xuất Chile hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề thú y do có thế mạnh về năng lực dịch tễ và ứng phó dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, lượng cá nhập khẩu vào Chile chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia này (200.000 - 300.000 tấn/năm), và còn nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn chưa được tham gia vào thị trường Chile. Với lợi thế của hai nước, ông mong rằng doanh nghiệp hai bên có thể phối hợp giao thương để có thể mở rộng thị trường, tạo thuận lợi cho sự phát triển đôi bên.
Về chế biến và xuất khẩu lâm sản, ông Trần Hiếu Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, Việt Nam có vị thế vững chắc trong khu vực và thế giới, trong đó Chile là thị trường quan trọng, đứng thứ hai trong khu vực Nam Mỹ về nhập khẩu gỗ Việt Nam.
Cùng là thành viên của APEC và Công ước CITES, ông Trần Hiếu Minh đề nghị có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên nhằm thúc đây chế biến, xuất khẩu, giao thương, chia sẻ thông tin về chính sách, quy định về gỗ và lâm sản hợp pháp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), chia sẻ rằng hiện nay Cục BVTV đang đề nghị phía Chile xem xét hồ sơ về xuất khẩu bưởi, và ngược lại bên phía Việt Nam cũng đang xem xét hồ sơ về nhập khẩu quả kiwi từ Chile vào Việt Nam, mong muốn ngài Đại sứ thông tin với các cơ quan liên quan bên phía Chile để hai bên có thể nhanh chóng hoàn tất hồ sơ cho hai loại trái cây này, đồng thời hợp tác triển khai chuyển giao kĩ thuật quản lý hiệu quả đối với trái cây xuất khẩu.
Đặc biệt, đề cập về vấn đề xuất khẩu thủy hải sản, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), cho rằng thủy sản Việt Nam sang Chile trong thời gian tới cần được thúc đẩy hơn nữa thông qua sự hỗ trợ của ngại Đại sứ, thiết lập quan hệ chặt chẽ với cơ quan thẩm quyền của Chile, tiến tới đàm phán kí thỏa thuận công nhận lẫn nhau nhằm tránh tình trạng kiểm tra hai lần, góp phần giảm lệch cán cân thương mại như Thứ trưởng đã nêu trên.
Lắng nghe ý kiến của các đại diện bên phía Việt Nam, Đại sứ Patricio Arturo Becker Marshall chia sẻ rằng hai nước đã có tiền lệ về trao đổi giao thương và hợp tác kinh tế, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Đại sứ mong rằng sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan lãnh đạo Việt Nam, thúc đẩy giao thương thủy hải sản nói riêng và nông sản nói chung, tiến tới các thỏa thuận song phương, kí kết các hiệp định và văn bản hợp tác giữa ban ngành hai bên để đơn giản hóa quy trình kiểm tra, tạo thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, từ đó cải thiện cán cân thương mại.