| Hotline: 0983.970.780

Phật thủ Đắc Sở… không trồng ở Đắc Sở

Thứ Tư 08/01/2020 , 13:20 (GMT+7)

Đó là nghịch lý đang diễn ra ở nơi từng được coi là thủ phủ loài cây này - xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội).

08-27-11_1
Người dân Đắc Sở đi khắp nơi thuê đất trồng phật thủ.

Mỗi năm, người dân Đắc Sở trồng tới gần 300ha phật thủ, nhưng toàn bộ diện tích đều đi xâm canh ở các địa phương khác.
 

Đau đầu trị bệnh cho đất

Không ai còn nhớ chính xác, nghề trồng phật thủ ở Đắc Sở xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng, chính loài cây này đem lại ấm no cho người dân nơi đây. Mỗi năm, tổng thu từ cây phật thủ mang về cho xã Đắc Sở số tiền ngót nghét 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những thửa đất trồng loài cây này, sau khoảng 5 - 6 năm đều mắc một loại “bệnh” khiến người dân cũng như chính quyền bó tay. Đó là tự dưng cây héo, gãy cành rồi chết, không thể trồng lại dù cải tạo đất tới vài năm.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở cho biết, vấn nạn này khiến người dân, lãnh đạo xã đau đầu nhiều năm. Theo thống kê mới nhất, năm 2019, người dân Đắc Sở trồng khoảng 290ha phật thủ. Diện tích này mỗi năm đều tăng lên (năm 2018 là 250ha). Tuy nhiên, toàn bộ diện tích phật thủ đều do người dân Đắc Sở đi nơi khác thuê đất trồng.

Ông Đính khẳng định, trên địa bàn xã Đắc Sở, không còn bất kỳ hộ nào giữ được vườn phật thủ. Nếu như cách đây khoảng 6 năm, diện tích phật thủ trồng tại Đắc Sở khoảng 80ha, thì nay là con số 0 tròn trĩnh.

Nói về căn “bệnh” của đất, ông Đính bảo, vẫn là một dấu hỏi chấm to tướng không lời giải đáp. Không hiểu, rễ phật thủ tiết ra chất gì khiến hỏng đất, không thể thâm canh lại. Điều ngạc nhiên, là khi trồng các loại cây khác thay thế thì lại xanh tốt chẳng cần bón phân.

08-27-11_2
Đất trồng phật thủ chỉ được 5 - 6 năm và không thể trồng lại.

Cách đây mấy năm, xã có mời một số chuyên gia của một trường đại học tại Hà Nội về lấy mẫu đất, nghiên cứu, xác định nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa ra kết quả. “Trong rất nhiều cuộc họp cấp huyện hay thành phố, đại diện xã cũng có ý kiến đề nghị cấp trên nghiên cứu giúp người dân. Tuy nhiên, đến nay chưa cơ quan nào vào cuộc làm rõ vấn đề này”, ông Đính thở dài.

Không trồng chờ, ỷ nại, nhiều người dân Đắc Sở đã mày mò, tìm nhiều phương pháp cải tạo đất. Nhưng đến nay, chưa ai thành công trong việc đưa cây phật thủ trở lại Đắc Sở. Theo ông Đính, từ năm 2010, một số hộ dân đã rời địa phương đi tìm thuê đất trồng phật thủ. Đến năm 2018, họ trở về ươm lại phật thủ, hy vọng hồi sinh loài cây này.

“Ban đầu, mỗi hộ chỉ dám trồng lại 1 - 2 sào gọi là thí nghiệm. Cây vẫn lên xanh tốt, nhưng sau khi uốn lên giàn, thì bỗng dưng cây héo rũ rồi chết không rõ nguyên nhân. Từ đó đến nay, không ai dám trồng lại phật thủ ở Đắc Sở”, ông Đính kể.
 

Xâm canh tới bao giờ?

Theo tính toán của xã Đắc Sở, có khoảng 450 hộ dân địa phương đi các xã, huyện khác dọc sông Đáy thuê đất trồng phật thủ. Trung bình hằng năm, cây phật thủ cho mang lại tổng giá trị khoảng 497 tỷ đồng cho người dân Đắc Sở. Lợi nhuận trung bình khoảng 40 triệu đồng/sào.

Người Đắc Sở bủa đi khắp nơi thuê đất trồng phật thủ. Nơi xa nhất có lẽ là xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), cách khoảng 30km. Nơi gần nhất là xã Yên Sở (giáp ranh), diện tích phật thủ cũng là phần lớn của người dân Đắc Sở thuê trồng. Nhưng cũng chính tại Yên Sở, nhiều diện tích phật thủ sau khi trồng 5 - 6 năm đã bị chết, không thể trồng lại.

Thêm vào đó, loài cây này chỉ ưa đất tơi xốp, pha cát ven sông. Dần dà, người Đắc Sở cứ thế đi dọc tuyến sông Đáy mà thuê đất. Có người ví von, người trồng phật thủ Đắc Sở như những con ong mật. Họ chăm chỉ làm tổ, lấy mật nhưng xong mùa lại bỏ đi không bao giờ trở lại.

08-27-11_3
Nhiều người dân chuyển đổi sang trồng ổi, táo.

Ông Đính nói với giọng đầy trăn trở, cứ với đà này, độ vài năm nữa, không biết còn đất mà thuê nữa không. Nếu không còn, chắc chắn người dân Đắc Sở cũng sẽ mất đi nghề trồng phật thủ bao năm qua. Hiện tại, với 80ha diện tích từng trồng phật thủ, chính quyền xã Đắc Sở đã vận động người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như ổi, táo. So với trồng phật thủ, lợi nhuận thu về chỉ bằng một nửa.

Hiện nay toàn xã Đắc Sở chỉ còn khoảng 20 - 30ha lúa. Tuy nhiên, do năng suất kém, xã đang vận động người dân chuyển đổi hoàn toàn sang các cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn trong năm 2020.

Ông Đính ví, lợi nhuận cây phật thủ đem lại cho người dân Đắc Sở, chắc chỉ thua kém mỗi việc xưa kia trồng cây thuốc phiện. Như năm nay, chỉ đến giữa tháng 11 âm lịch, toàn bộ 290ha phật thủ đã được các thương lái đặt mua để bán Tết với giá tương đối cao.

“Dù không còn trồng ở Đắc Sở, nhưng mỗi năm, chúng tôi vẫn đem phật thủ của người Đắc Sở trồng đi tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm 1 - 2 lần. Phật thủ Đắc Sở có năm còn được người dân đưa đi cả nước ngoài phục vụ kiều bào ăn Tết”, ông Đính cho biết.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.