Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển cà phê đặc sản |
Theo Bộ NN-PTNT, cà phê được trồng chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên với diện tích khoảng 577.800 ha, chiếm 89,6% diện tích của cả nước. Rêng tỉnh Đắk Lắk có khoảng 203.063 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 187.940 ha. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của Tây Nguyên, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu...
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như: Diện tích cà phê già cỗi (trên 20 năm tuổi) hiện có 86.000 ha, chiếm 13,8% tổng diện tích cà phê; cơ cấu giống chưa phù hợp; lạm dụng phân bón; thiếu nước tưới; công tác chế biến; giá cả thất thường...
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các nội dung chính như: Thách thức và cơ hội để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam; thị trường cà phê đặc sản thế giới và định vị cà phê Robusta trong phân khúc đặc sản; thị trường cà phê đặc sản Nhật Bản; ảnh hưởng của chế biến đến giá trị cà phê đặc sản; hiện trạng và kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản ở Indonesia; chất lượng thử nếm của các giống cà phê; tổ chức sản xuất cà phê nhân đặc sản: Mô hình Cty Simexco; một số đề xuất phát triển cà phê đặc sản...
Đồng thời, hội thảo cũng chia sẻ về thị trường cà phê đặc sản Nhật Bản; hiện trạng và kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản ở Indonesia…
Hội thảo là dịp để ngành cà phê Việt Nam nhìn nhận lại vị trí của mình với thế giới, từ đó có bước điều chỉnh phù hợp với xu thế phát triển cà phê chung của thị trường quốc tế và cùng nhau bàn những giải pháp phát triển cà phê đặc sản trong thời gian tới.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, thị trường cà phê đặc sản hiện chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê thế giới. Cà phê đặc sản có tác dụng dẫn dắt nâng cao chất lượng ngành cà phê. Các quốc gia dẫn đầu về ngành hàng cà phê như Brazil, Indonesia, Hiệp hội Cà phê đặc sản Châu Phi đều đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu và khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản. Việc phát triển cà phê đặc sản ở Việt Nam về chiến lược sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Cà phê đặc sản là một khái niệm được nhắc tới đầu tiên bởi nữ chuyên gia Erna Knutsen năm 1974 trên Tạp chí Tea & Coffee Trade Journal. Bà sử dụng thuật ngữ này để miêu tả những hạt cà phê thơm ngon nhất và được sản xuất tại những vùng có khí hậu đặc biệt. Điều kiện cần để ra đời cà phê đặc sản phải đạt ≥ 80/100 điểm theo thang điểm (SCA/CQI); mùi vị đầy đủ; ít hoặc không có lỗi sơ cấp. Bên cạnh đó, để có thể đánh giá chất lượng của loại hạt cà phê, trong quá trình kiểm định để thu mua, những chuyên gia sẽ tiến hành kiểm tra, phân loại với những tiêu chí chính như thổ nhưỡng, địa điểm gieo trồng, cách thức chăm bón, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, phân loại, thử nếm. |