Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh năm 2024, tiếp tục bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền như làng nghề đan lờ, lợp, làng nghề đan cần xé, làng nghề đóng xuồng ghe, làng nghề đan mê bồ, làng nghề sản xuất bột…
Cùng với đó, công nhận ít nhất 1 làng nghề làm khô trâu huyện Tân Hồng, phát triển 2 làng nghề truyền thống gắn với du lịch (làng nghề đóng xuồng ghe và làng nghề hoa giấy huyện Lai Vung).
Năm 2024, Đồng Tháp tiếp tục duy trì, nâng chất các sản phẩm OCOP của các làng nghề đã được công nhận, phấn đấu mỗi huyện, thành phố có nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đều có ít nhất 1 sản phẩm làng nghề hoặc sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ làng nghề tham gia dự thi sản phẩm OCOP.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 41 nghề truyền thống đã được công nhận theo quy định. Trong đó, có 1 nghề truyền thống, 22 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống với các sản phẩm khá đa dạng tập trung chủ yếu vào 5 nhóm chủ lực như chế biến và bảo quản nông, lâm, thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn, sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
Về thu nhập, nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có thu nhập cao nhất khoảng 8 triệu đồng/lao động/tháng, nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thu nhập thấp nhất khoảng 1,9 triệu đồng/người/tháng. Số nghệ nhân trong làng nghề được công nhận là 33 người hoạt động trong lĩnh vực hoa kiểng.
Hiện nay, các địa phương đang tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất việc đăng ký bảo hộ, chứng nhận nhãn hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại để gắn kết trong chuỗi sản phẩm OCOP.