Chi phí logistics quá cao
Cuối tháng 2 năm nay, chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên trong năm Giáp Thìn đã khởi hành từ ga Sóng Thần (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đi Trịnh Châu (Trung Quốc). Chuyến tàu này gồm 21 toa, toàn bộ hàng hóa đều là nông sản, trong đó có 9 toa container lạnh chuyên chở rau quả, thực phẩm. Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trước mắt, Tổng Công ty sẽ duy trì 1 tuần một chuyến tàu liên vận quốc tế chở hàng hóa xuất khẩu xuất phát từ ga Sóng Thần.
Theo đánh giá của các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các chuyến tàu liên vận quốc tế tham gia vận chuyển nông sản nói riêng, hàng hóa xuất khẩu nói chung không chỉ mở thêm một phương thức vận chuyển quan trọng cho hàng nông sản xuất khẩu, mà còn giúp cho chi phí logistics trở nên cạnh tranh hơn.
Ông Nguyễn Quang Sang, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Bình Dương nhận định, vận chuyển hàng hóa bằng các chuyến tàu liên vận quốc tế có những ưu điểm nổi bật so với vận chuyển bằng đường bộ, đường sông và đường biển, nhất là về chi phí vận chuyển. Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, vận chuyển hàng hóa, nông sản bằng tàu liên vận quốc tế từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phía Nam giảm được một nửa chi phí vận chuyển so với trước đây.
Những hiệu quả ban đầu từ việc vận chuyển nông sản xuất khẩu bằng tàu liên vận quốc tế là một minh chứng cho việc đa dạng hóa các loại hình vận chuyển có vai trò quan trọng như thế nào trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và giảm chi phí trong xuất khẩu nông sản. Bởi hiện nay, do các dịch vụ logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản còn chưa hiệu quả nên chi phí phân phối nông sản ra thị trường cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho biết, trong 5 năm gần đây, ngành logistics của Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 14-16%. Chất lượng dịch vụ, hạ tầng logistics được nâng cao, số lượng doanh nghiệp logistics phát triển nhanh.
Đối với ngành nông nghiệp, logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng cho nông sản Việt. Tuy nhiên, logistics nông sản chưa phát triển đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu nông sản chủ lực.
Tại một số vùng sản xuất tập trung, các đầu mối giao thương cho các vùng và cho cả nước, hiện đang thiếu các trung tâm logistics giúp liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Các trung tâm logistics này khác với các chợ truyền thống hay chợ đầu mối vì các chợ chủ yếu thực hiện bán buôn, bán lẻ nông sản trong khi các trung tâm logistics có dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lưu trữ, bảo quản kho lạnh, sơ chế, chế biến sâu, vận tải quốc tế hay các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu.
Tại các cửa khẩu hay các cảng lớn, cơ sở hạ tầng kém, bãi tập kết hàng hóa nông sản không đảm bảo, thiếu hệ thống kho lạnh, dịch vụ kiểm dịch, công tác điều phối còn bất cập xảy ra tình trạng ùn tắc thường xuyên. Kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo dịch vụ logistics nông sản hoạt động hiệu quả làm chi phí, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao.
Chính vì những hạn chế như trên mà chi phí logistics hiện đang chiếm tới 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo. Chi phí logistics nông nghiệp bình quân ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore tới 300%.
Các dịch vụ logistics giá thấp kèm theo tình trạng thiếu tiêu chí kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó thường có độ tổn thất cao do hư hỏng, nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tổn thất và thất thoát sau thu hoạch trung bình của nông sản Việt Nam đang khá lớn, vào khoảng 25-30%, trong đó, thất thoát thủy hải sản là 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%.
Cần xây dựng các trung tâm logistcis nông sản
Những thực trạng trên cho thấy việc cần phải phát triển hệ thống dịch vụ logistics đồng bộ, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Nhận thức được vấn đề này, Bộ NN-PTNT đã xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ Logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”. Mục tiêu của Đề án là từ nay đến 2030, giảm trung bình 0,5-1%/năm tổn thất sau thu hoạch và 30% chi phí logistics khi phân phối qua hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản.
Đề án cũng hướng tới các mục tiêu quan trọng khác như 100% nông sản qua hệ thống logistics nông sản được truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Tại các vùng sản xuất nguyên liệu có các trung tâm dịch vụ logistics nông sản. 70% số hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics và 100% hợp tác xã, thương nhân, doanh nghiệp được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực các kỹ năng liên quan đến dịch vụ logistics nông sản.
Đến 2030 cơ bản hình thành hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các vùng sản xuất kinh doanh trọng điểm và một số chuỗi cung ứng nông sản chủ lực ra thị trường quốc tế.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, Bộ NN-PTNT đề xuất xây dựng hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản gồm ba loại hình: Trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các vùng kinh tế trọng điểm; trung tâm dịch vụ logistics nông sản tại các cửa khẩu và cảng biển.
Đầu tư xây dựng hệ thống logistics nông sản, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, sẽ có nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án. Khoảng hai năm gần đây, một số trung tâm logistics nông sản cung cấp dịch vụ trọn gói cho nông sản xuất khẩu đã được doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Trong đó có thể kể đến hai trung tâm điển hình là Chu Lai Logistics (Quảng Nam) và CASS (Long An).
Ngoài ra còn có nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn hỗ trợ quốc tế khác.
Sự phát triển logistics nông sản ở một số nước châu Á đã đem lại những kết quả rất đáng chú ý. Chẳng hạn, Thái Lan nghiên cứu đầu tư xây dựng mạng lưới hệ thống trung tâm logistics khắp các vùng dựa trên nông sản thế mạnh và nhu cầu giao thương loại nông sản đó của vùng. Ví dụ, Đông Bắc Thái Lan có Trung tâm Logistics nông nghiệp tại tỉnh Chiangrai hỗ trợ nông dân bán gạo, nhãn và ngô với giá tốt hơn do trung tâm phân phối này có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển cả trong và ngoài nước. Trung tâm kết nối với mạng lưới giao thông đường bộ hiệu quả ở phía bắc dẫn đến hàng hóa được phân luồng tốt cho nhu cầu nội địa hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc, Myanmar hoặc Lào.
Chuỗi logistics lạnh của Thái Lan ngày càng phát triển phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thủy hải sản và các nông sản dễ hư hỏng như rau quả, hoa. Hầu hết các công ty kinh doanh kho lạnh của Thái Lan đều xây dựng cơ sở của họ gần các cảng và sân bay lớn để giảm chi phí vận chuyển và đạt được lợi thế cạnh tranh giữa các khách hàng trong và ngoài nước.