| Hotline: 0983.970.780

Phát triển mã số vùng trồng cho nông sản Đồng Tháp, An Giang

Thứ Sáu 05/11/2021 , 11:39 (GMT+7)

Cục Bảo vệ thực vật ký thỏa thuận với các Sở NN-PTNT Đồng Tháp, An Giang về phát triển mã số vùng trồng và sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào cho nông sản.

Cục Bảo vệ thực vật ký thỏa thuận với các Sở NN-PTNT Đồng Tháp, An Giang về phát triển mã số vùng trồng và sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào cho nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục Bảo vệ thực vật ký thỏa thuận với các Sở NN-PTNT Đồng Tháp, An Giang về phát triển mã số vùng trồng và sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào cho nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 5/11, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT các tỉnh Đồng Tháp, An ký kết thỏa thuận hợp tác về: “Phát triển mã số vùng trồng và các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả đối với các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu tại hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang”.

Thỏa thuận hợp tác được ký bởi ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp và ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc NN-PTNT An Giang dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.

An Giang và Đồng Tháp là những vùng đất trù phú của ĐBSCL, với nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu nông sản. Đồng Tháp nổi tiếng với nhiều nông sản đặc trưng như gạo, xoài, quýt đường, mận…. còn An Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu về lượng rau màu cung ứng cho thị trường khu vực ĐBSCL, gạo An Giang hiện đã xuất khẩu đến 38 nước trên thế giới.

Chia sẻ tại lễ ký, Thứ trưởng Trần Thanh Nam biểu dương Cục BVTV và 2 địa phương, cụ thể là Cục trưởng Hoàng Trung và 2 Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, Đồng Tháp.

Thứ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo quyết liệt để xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu để đảm bảo cho cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước, do đó buổi ký kết hôm nay có ý nghĩa rất lớn.

“Trước nhu cầu của thị trường, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm ngày càng được người tiêu dùng quan tâm nên việc xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu là rất cần thiết. An Giang và Đồng Tháp là các địa phương có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như trái cây, lúa gạo và cá tra, qua ký kết hôm nay, chúng ta không chỉ triển khai ở 2 tỉnh mà có thể mở rộng ra nhiều địa phương khác”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Chỉ đạo thêm về phương hướng thực hiện, Thứ trưởng đề nghị sau buổi ký kết các đơn vị cần xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai, xoay quanh 3 nội dung.

“Bộ đang xây dựng các vùng nguyên liệu lớn tại An Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh khác ở ĐBSCL với tổng diện tích hơn 150.000 ha. Do đó, Cục BVTV cần ưu tiên cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu này để tập trung các nguồn lực cho các khu vực trọng điểm này, tạo ra những vùng nguyên liệu đạt chuẩn có quy mô lớn’, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo.

Ngoài ra, Thứ trưởng lưu ý Cục BVTV cần hợp tác chặt chẽ với TTKNQG để triển khai kế hoạch hiệu quả và sẵn sàng nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Nội dung thứ 3 mà Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhắc đến đó là cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp để tăng nguồn lực, hiệu quả cho các thỏa thuận.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Đến nay, Cục BVTV đã hỗ trợ An Giang tập huấn 1 lớp phát triển mã số vùng trồng lúa và đã lựa chọn được 8 mô hình trồng lúa thí điểm, cũng như triển khai 2 lớp tập huấn mã số vùng trồng trên cây ăn quả tại hai tỉnh ngay sau khi ký kết.

Vì vậy, thỏa thuận này nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên, cùng thực hiện hợp tác phát triển mã số vùng trồng và các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả đối với các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu của hai tỉnh nhằm góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà theo hướng hàng hóa, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo thỏa thuận, các bên sẽ phối hợp xây dựng bộ tài liệu tập huấn về thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu như lúa, cây ăn quả và rau màu của An Giang và Đồng Tháp, trong đó bao gồm cả hướng dẫn quản lý sử dụng phân bón, thuốc BVTV, chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV và thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV tại vùng trồng.

Đồng thời phối hợp đào tạo kiến thức cho cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và nông dân về công tác quản lý và sử dụng hợp lý, có trách nhiệm vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp (giống, thuốc BVTV, phân bón,..); thu gom bao bì; mã số vùng trồng, đóng gói…

Bên cạnh đó là thiết lập và gắn mã số các vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu. Các bên phối hợp chặt chẽ trong quản lý các vùng trồng, cơ sở đóng gói và thúc đẩy mở cửa thị trường các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu tại địa phương. Qua đó, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chất lượng, giá trị cao của hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

Cũng theo thỏa thuận, các bên sẽ phối hợp để xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Theo đó, triển khai và phát triển các mô hình điểm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có trách nhiệm và hiệu quả với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị và chất lượng nông sản theo nhu cầu phát triển của địa phương, hướng đến nền sản xuất bền vững, đa giá trị.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến 100% nông dân tại các vườn trồng đã gắn mã số tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp được tập huấn kiến thức về mã số vùng trồng, sử dụng phân bón và thuốc BVTV.

Tỉnh An Giang phấn đấu gắn được 30 cơ sở đóng gói, 699 mã số vùng trồng lúa, 530 mã số vùng trồng rau và 617 mã số vùng trồng cây ăn quả, với tổng diện tích là 187.421ha; xây dựng được 37 mô hình trồng lúa, 14 mô hình rau màu và 08 mô hình cây ăn quả sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, tăng hiệu quả, giảm chi phí và kết hợp với truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tương tự, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu gắn được 25 mã cơ sở đóng gói, 131 mã số vùng trồng lúa, 56 mã số vùng trồng rau màu, 324 mã số vùng trồng cây ăn quả, với tổng diện tích 62.484ha; 25 mô hình lúa, 23 mô hình rau màu và 58 mô hình cây ăn quả. Các mô hình này đều được đăng ký gắn mã số vùng trồng.

Các bên tham gia ký kết cùng mong muốn các hoạt động trên ngày càng được đẩy mạnh và có tính lan tỏa tạo ra được nhiều mô hình sản xuất lúa, rau màu và cây ăn quả hiệu quả, an toàn tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, góp phần phát triển một nền nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi, giá trị cao và bền vững.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.