| Hotline: 0983.970.780

Phát triển ngành chăn nuôi: Đừng đặt số lượng lên hàng đầu

Thứ Tư 23/02/2011 , 09:42 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước mắt ngành chăn nuôi không nên đặt số lượng lên hàng đầu mà cần quan tâm đến chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Trồng trọt đã đạt tầm thế giới, thủy sản XK đạt hàng tỷ USD/năm, nhưng chăn nuôi thì vẫn chưa có sự bứt phá mạnh mẽ. Phải chăng vì ngành chăn nuôi “ngại” hội nhập? Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát nêu ý kiến này tại Hội nghị phát triển chăn nuôi – thú y toàn quốc hôm qua (22/2) tại Hà Nội. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước mắt ngành chăn nuôi không nên đặt số lượng lên hàng đầu mà cần quan tâm đến chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Vịt chạy đồng và gà ngủ cành cây

Từ trước đến nay, chăn nuôi luôn có vai trò quan trọng đối với nền nông nghiệp nước ta, giá trị chăn nuôi chiếm tỷ trọng khá, trên 27% cơ cấu của toàn ngành và tăng trưởng mỗi năm (giai đoạn 2001 - 2009) đạt 7-8%. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010, tổng số đầu lợn đạt 27,3 triệu con, số lượng gia cầm hơn 300 triệu con, sản lượng thịt đạt 615 nghìn tấn. Đàn bò trong cả nước đạt gần 6 triệu con, bò sữa 128 nghìn con và đàn trâu là 2,9 triệu con.
Tổng sản phẩm chăn nuôi trong nước đạt 4.006 nghìn tấn thịt, 306 nghìn tấn sữa tươi và 5,87 tỷ quả trứng. Xu hướng chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp, công nghệ cao đang được quan tâm, trong khi đó chăn nuôi nông hộ giảm dần. Hiện cả nước có trên 20,8 nghìn trang trại, đạt tốc độ tăng trưởng 18% so với năm 2009. 

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi hiện nay vẫn còn những tồn tại cần giải quyết. Đó là chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, phân tán, mang tính tận dụng còn chiếm tỷ lệ cao. Giá thành các sản phẩm chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, chưa nói đến XK. Nhiều dịch bệnh chưa được kiểm soát, làm giảm hiệu quả sản xuất và tính bền vững của ngành chăn nuôi…

Về chăn nuôi trang trại, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: "Tuy tăng nhanh về số lượng, song nhìn chung phát triển thiếu quy hoạch, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ chưa đồng bộ và trình độ quản lý thấp. Hơn nữa, hệ thống tổ chức, quản lý ngành chăn nuôi, thú y và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế”.

 Bộ trưởng nêu lên một ví dụ, trong khi Mỹ và các quốc gia châu Âu phát triển chăn nuôi công nghiệp từ lâu, thì hiện chúng ta vẫn chăn nuôi kiểu “gà ngủ cành cây” ở ĐBSH và miền núi phía Bắc hoặc “vịt chạy đồng” ở Nam bộ và ĐBSCL. Tuy chất lượng thịt cao, nhưng năng suất thì khó có thể cải thiện được. Hay như chuyện quản lý XNK, năm 2010, việc XNK các sản phẩm chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập và chưa kiểm soát được, đặc biệt là XNK tiểu ngạch qua đường biên giới Việt Nam với các nước láng giềng và đường biển. Việc nhập các sản phẩm chăn nuôi không kiểm soát được đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước. Mặt khác, việc nhập lậu gia súc, gia cầm sống, nhập nội tạng và các phụ phẩm chăn nuôi ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và tiềm ẩn các bệnh nguy hiểm cho người và vật nuôi nội địa.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến chăn nuôi trong nước chưa bắt kịp với khu vực và thế giới, đó là khi hội nhập, các sản phẩm chăn nuôi giá rẻ tràn vào nước ta khó kiểm soát được chất lượng, gây khó cho sản xuất trong nước. Hơn nữa, mặt bằng để mở rộng quy mô theo hướng công nghiệp vẫn còn bất cập, vốn đầu tư của Nhà nước cho ngành này còn ít và dàn trải. Ngoài ra, thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ của nông dân khó có thể một sớm một chiều mà thay đổi được…

Chú trọng chất lượng

Ông Giao cho biết, theo dự báo của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), giá lương thực, thực phẩm sẽ tăng cao do mất cân đối giữa cung và cầu vì thiên tai, dịch bệnh. Và khu vực châu Á, đặc biệt là Việt Nam, sẽ trở thành “vựa” chăn nuôi lớn trên thế giới. “Phát triển chăn nuôi năm 2011 và những năm tiếp theo sẽ đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi, nhu cầu thực phẩm trong nước và các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, sẽ tiếp tục tăng do thu nhập tăng nhanh và tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng cao. Vấn đề còn lại là ngành chăn nuôi sẽ hội nhập và phát triển như thế nào”, ông Giao nói.

Theo người đứng đầu ngành chăn nuôi, để hết “ngại” hội nhập, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp gắn với giết mổ chế biến tập trung công nghiệp, áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất là một chủ trương và định hướng đúng. Định hướng này trước hết tập trung cho lợn, gia cầm, bò sữa, sau đó mới đến các vật nuôi khác. “Để làm được điều này, trước tiên cần có mặt bằng để sản xuất, sau đó mới tính đến nâng cao chất lượng giống, vệ sinh thú y…”, ông Giao đề xuất.

“Muốn phát triển chăn nuôi thì cần kiềm chế dịch bệnh. Chúng ta phải chuyển từ thế bị động sang chủ động phòng tránh, mà cái quan trọng là công khai, không giấu dịch. Thời gian gần đây, tôi thấy việc phòng chống dịch bệnh có vẻ kém quyết liệt. Chúng ta không nên ỷ nại vào vacxin, chỉ nên coi đó là một trong những biện pháp, quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc quy trình chống dịch. Cục Thú y cần rà soát và giám sát chặt chẽ, xử lý kiên quyết những ổ dịch. Thà tiêu hủy và đền bù 1 ổ dịch còn hơn để nó lây lan ra diện rộng”- Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho hay, sau khi khảo sát, nhiều hộ gia đình, DN trên địa bàn muốn mở rộng quy mô, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là mặt bằng, bởi lẽ, nếu mặt bằng thuận lợi, gần khu dân cư, thì sẽ ô nhiễm dẫn tới khiếu kiện. Còn những vùng núi, vùng sâu vùng xa thì lại trở ngại trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc xác định chăn nuôi là ngành quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp là đúng hướng. “Chúng ta đã có nghị quyết về phát triển chăn nuôi từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng để ngành này phát triển đúng với tiềm năng thì chưa làm được”- người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết. Tuy chăn nuôi đã có những cố gắng, tăng trưởng cao hơn toàn ngành nông nghiệp (ngành nông nghiệp tăng trưởng 4,5 – 4,7%/năm) nhưng do chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả thấp nên dịch bệnh xảy ra là hệ quả tất yếu.

Để chăn nuôi phát triển đúng với định hướng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, trước mắt ngành chăn nuôi không nên đặt số lượng lên hàng đầu mà cần quan tâm đến chất lượng, hiệu quả kinh tế, từ đó mới nâng cao được đời sống cho nông dân. Hơn nữa, mỗi địa phương cần xây dựng đề án phát triển chăn nuôi, xác định trọng tâm, trọng điểm theo thế mạnh của từng tỉnh. “Thực tiễn đã chứng minh rằng, chúng ta cần tận dụng những thế mạnh sẵn có để phát triển, thế mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường và hội nhập nhanh với thế giới. Trong ngành nông nghiệp, trồng trọt và thủy sản đã làm được điều này, đó là XK gạo lớn nhất nhì thế giới và kim ngạch XK thủy sản đạt hơn 5 tỷ USD/năm”, Bộ trưởng nói.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm