| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nhờ nông nghiệp sạch

Thứ Tư 22/01/2020 , 09:15 (GMT+7)

Trong quá trình hoạt động, Hợp tác xã An Phú từng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do nông sản không có cơ hội cạnh tranh.

10-21-51_nh_1_htx_n_phu
HTX An Phú có 17 thành viên với tổng diện tích sản xuất rau, hoa khoảng 60ha.

Chỉ đến khi các thành viên quyết chuyển sang làm nông nghiệp sạch, sản phẩm chất lượng cao thì bước chân của họ mới thực sự vững bền.
 

Chìm nổi với thị trường

Những ngày cuối năm, khi các thành viên của HTX đang bước vào giai đoạn “nước rút” sản xuất nông sản cho Tết thì ông Lê Văn Ba, GĐ HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú (Đà Lạt, Lâm Đồng) lại bận rộn kết nối và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đối tác khắp miền trong nước.

Ông Ba đã 50 tuổi và gắn cuộc đời mình với nghề nông hơn 30 năm. “Mình làm nông dân nhưng học lỏm được nhiều, có kinh nghiệm nên nhiều lúc trình độ canh nông sêm sêm chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp”, người đàn ông vui đùa.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Lê Văn Ba trở về quê và cùng những người anh em trong gia đình sản xuất các loại rau để phát triển kinh tế. Ngày đó, nông sản làm ra nhiều nhưng nguồn tiêu thụ chủ yếu vẫn là thương lái hoặc chợ tự do. Cũng chính phụ thuộc vào thương lái nên không ít lần ông và người địa phương bị họ ép giá hoặc bỏ mặc.

10-21-51_nh_2_htx_n_phu
HTX An Phú có gần 20ha rau được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Không chấp nhận điều này, ông quyết định tìm hiểu thị trường, tìm hướng đi riêng. Mãi đến năm 2004, ông Ba cùng hàng chục hộ nông dân lập HTX An Phú để tương trợ lẫn nhau trong sản xuất lẫn tiêu thụ nông sản.

Nhìn cơ sở vật chất, con người và quy trình vận hành chuyên nghiệp như ngày nay, người đàn ông 50 tuổi không dấu được cảm xúc và tâm sự: “Trông ngon lành thế đấy nhưng quá khứ chìm nổi với thị trường khiếp lắm! Những ngày đầu, anh em phải tranh thủ đi giới thiệu và kiếm từng hợp đồng cho rau, quả. Có những ngày người dân ở Đà Lạt liên hệ, hỏi mua vài chục kg rau nhưng anh em vẫn chạy hơn 20km để làm cho được. Suốt nhiều năm ròng rã, rau, quả làm ra đa phần nằm la liệt ở chợ làng”.

Hoạt động được 10 năm, ông Ba lâm bệnh nặng nên phải trao quyền lãnh đạo HTX cho một thành viên. Đó cũng là mốc thời gian tổ chức có nhiều biến động, các thành viên thấy việc tham gia HTX không có nhiều cơ hội nên bỏ mặc hoặc rút khỏi tổ chức.

“Khi lành bệnh, tôi trở về thì HTX đã suy thoái lắm rồi. May mà vẫn còn được mấy anh em tâm huyết nên chúng tôi bắt tay vào tái thiết và quyết định làm nông nghiệp một cách bài bản, chất lượng”, ông Lê Văn Ba kể lại.
 

Ông Lê Văn Ba cho biết, HTX mua nông sản của thành viên với giá cao hơn thị trường từ 10-30%. Từ việc hoạt động hiệu quả, liên kết doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra nên nhiều nông dân trong vùng đang xin gia nhập thành viên. HTX đang làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nga để tiến tới xuất khẩu nông sản...

Nông nghiệp chất lượng cao

Trong khu nhà kính rộng gần 1.000m2, những cây dưa baby của gia đình anh Lý Hồng Trung Thắng cho trái đều, hứa hẹn một vụ bội thu. Người làm vườn vừa điều hành hệ thống tưới vừa mời chào: “Dưa ở đây rất sạch nên mọi người có thể hái và ăn ngay”.

Nói đoạn, anh hái một ít rồi chia cho khách, mời dùng thử. Thấy khách còn lưỡng lự, anh cầm trái dưa rồi bẻ làm đôi, cầm một nửa đưa lên miệng cắn và ăn ngon lành.

“Cây được sản xuất theo quy trình VietGAP và chỉ áp dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật là chế phẩm sinh học. Hơn nữa, trái gần thu hoạch đã được cách ly nên không lo độc hại”, người làm vườn chia sẻ.

HTX An Phú có 17 thành viên tham gia với tổng diện tích gần 60ha rau, hoa các loại. Trong số này, có gần 20ha rau được thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP.

Anh Nguyễn Văn Quế, thành viên HTX thổ lộ, nông nghiệp VietGAP luôn có những quy định ngặt nghèo và đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, kỷ luật. Đổi lại, các sản phẩm làm ra có chất lượng cao hơn nên cơ hội phát triển cũng lớn hơn.

10-21-51_nh_3_htx_n_phu
Nhiều thành viên của HTX An Phú áp dụng Internet kết nối vạn vật IOT vào quản lý, vận hành sản xuất rau.

Theo ông Lê Văn Ba, vào năm 2014, sau khi từ bệnh viện trở về, ông cùng những anh em tâm huyết của HTX xây dựng một kế hoạch sản xuất mới. Ngày đó, các sản phẩm của HTX làm ra không tìm được đối tác lớn do chất lượng nông sản không có gì khác biệt vì các thành viên chủ yếu áp dụng quy trình sản xuất truyền thống.

“Tôi làm vườn và từng nghĩ, nếu mình cứ làm, cứ ăn mãi những rau quả được chăm bón bởi hóa chất thì có ngày nhiễm bệnh mà chết. Hơn nữa, xu hướng của thị trường có sự thay đổi nên mình cũng phải thay đổi quy trình sản xuất để phù hợp”, ông chia sẻ và cho biết thêm, bản thân ông và những người còn lại của HTX sau đó đi đến thống nhất làm vườn theo kiểu mới, lấy chất lượng sản phẩm làm đầu. Từ việc muốn sản xuất ra nông sản sạch để đảm bảo sức khỏe cho cả người làm lẫn người tiêu dùng, đáp ứng xu hướng thị trường, HTX đã lấy câu “Sản phẩm từ tâm - An dân phú cường” làm Slogan trong hoạt động.

10-21-51_nh_4_htx_n_phu
Nông sản sạch của HTX An Phú được tiêu thụ bởi nhiều đối tác lớn trong nước.

Năm 2014, mô hình nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP được các thành viên của HTX An Phú thực hiện và đạt kết quả cao. Chỉ một năm sau đó, họ đạt được hợp đồng tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản của một công ty vốn nước ngoài chuyên chế biến nông sản đóng tại địa phương.
 

Thời gian trôi đi và mô hình nông nghiệp sạch ở HTX được nhân rộng. Đến thời điểm này, hợp tác xã có khoảng gần 20ha diện tích rau được thực hiện theo quy trình VietGAP và đều đặn tiêu thụ 150 tấn rau, quả vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn quốc mỗi tháng.

Hướng đến chế biến

Với tổng diện tích khoảng 60ha rau, hoa các loại, sản lượng nông sản mỗi năm của HTX An Phú lên đến hàng nghìn tấn. Hiện nay, ngoài việc trực tiếp cung cấp sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, HTX đang làm việc với các doanh nghiệp chế biến trong nước để cung cấp nguồn nguyên liệu. Đồng thời, HTX đang đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng, mở rộng nhà kho và trang thiết bị máy móc để phục vụ quy trình chế biến.

Một thành viên HTX cho hay: “Chúng tôi đã mua máy móc và chỉ chờ nhà xưởng hoàn thành là có thể đưa về lắp ráp, làm việc”. Cũng theo ông này, hợp tác xã sẽ đi vào chế biến các sản phẩm như củ cải dằm, salad, tương ớt… Việc chế biến là công đoạn cuối cùng để HTX hướng đến quy trình khép kín trong chuỗi sản xuất.

Theo HTX An Phú, quy trình hiện nay của HTX là gieo hạt - trồng - thu hoạch và đóng gói. Làm được công đoạn chế biến sẽ giúp HTX hoàn tất quy trình và mở rộng thêm thị trường, tăng cơ hội. Chế biến sẽ giúp tăng giá trị nông sản và phần nào giảm áp lực về đầu ra cho rau, quả.

10-21-51_nh_5_htx_n_phu
Rau, quả được sản xuất sạch nên HTX có cơ hội mở rộng thị trường.

Ông Lê Văn Ba thổ lộ: “Chúng tôi tự hào vì đã làm ra được nông sản sạch, nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng. Vậy nên việc chế biến là khâu rất quan trọng, chúng tôi cố gắng làm bằng được để người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng”.

HTX An Phú đang áp dụng các công nghệ thông minh 4.0 như mô hình quản lý nông trại bằng di động, kết nối Internet vạn vật IOT. Các hệ số về độ ẩm, nhiệt độ, độ pH của vườn cây được theo dõi một cách khoa học, bài bản. Dựa trên nên tảng này, máy tính đưa ra chế độ chăm bón phù hợp nhất cho cây, tối ưu hiệu quả trong sử dụng vật tư nông nghiệp.

Các phần mềm theo dõi chỉ số thuốc bảo vệ thực vật trên cây cũng đang được HTX áp dụng để quản lý chặt việc phân bổ thuốc. Trong thời gian qua, HTX An Phú đầu tư công nghệ vào đóng gói, sơ chế nông sản. Trên mỗi sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc và người tiêu dùng có thể sử dụng phần mềm ở điện thoại di động để quyét mã code QR, nắm bắt nguồn gốc sản phẩm...

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.